Sau 20 năm đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, Thủ đô Hà Nội đã và đang không ngừng xây dựng, phát triển để phát huy giá trị danh hiệu này.
Nỗ lực cả quá trình xứng đáng với danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”
Theo đại diện UNESCO, thành phố Hà Nội đạt giải thưởng “Thành phố vì hòa bình” phải là thành phố có thành tích tiêu biểu về các hoạt động trong các lĩnh vực như: Thúc đẩy đoàn kết xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, chống phân biệt đối xử và ủng hộ đối thoại cộng đồng; hoạt động mẫu mực trong phát triển văn hóa, giáo dục, đặc biệt là giáo dục công dân và thế hệ trẻ; giải quyết các vấn đề xã hội, các vấn đề về đô thị hóa và xử lý môi trường sinh thái.
|
Sự thanh bình của thành phố Hà Nội. Ảnh: Lê Phú |
Sau 20 năm được công nhận là "Thành phố vì hòa bình", thành phố Hà Nội đã có nhiều thay đổi với vai trò là đầu tàu kinh tế của các tỉnh phía Bắc. Năm 2018, thu hút đầu tư nước ngoài của Hà Nội đạt hơn 6,5 tỷ USD, lần đầu tiên đứng đầu cả nước sau hơn 30 năm mở cửa và hội nhập.
Trong 3 năm (2016 - 2018), Hà Nội thu hút gần 13,25 tỷ USD, bằng hơn 2 lần giai đoạn 2011 - 2015. Bên cạnh đó, công tác xây dựng nông thôn mới tiếp tục được thành phố đẩy mạnh. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới là 83,9%, về đích sớm 2 năm. Có thêm 3 huyện cơ bản hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới là Gia Lâm, Quốc Oai và Thạch Thất.
Cùng với phát triển kinh tế, thành phố Hà Nội chú trọng công tác an sinh xã hội và chăm lo đời sống nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2018 còn 1,19%, giảm 0,5% so với năm trước, vượt chỉ tiêu đề ra và hoàn thành trước 2 năm mục tiêu nhiệm kỳ; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 86,5% dân số, vượt 1,2% kế hoạch.
Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ tiếp tục phát triển; nhiều lễ hội văn hóa, ẩm thực được tổ chức thường xuyên tạo sức hút cho du lịch… Bên cạnh đó, công tác quản lý đô thị được các cấp chính quyền đẩy mạnh, quản lý hè phố, vệ sinh môi trường được duy trì tốt; ứng dụng công nghệ thông tin được quan tâm, từng bước hình thành các điều kiện xây dựng dữ liệu lớn và thành phố thông minh.
Nổi bật nhất trong các tiêu chí “Thành phố vì hòa bình” được UNESCO ghi nhận là những thành tựu đáng kể trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Trong năm qua, Hà Nội luôn dành kinh phí trực tiếp cho phổ cập giáo dục. Hà Nội đã được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt chuẩn phổ cập THCS mức độ 2 và đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Chất lượng giáo dục toàn diện, mũi nhọn tiếp tục đạt kết quả xuất sắc. Học sinh Thủ đô tiếp tục khẳng định tài năng trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế…
Tuy vậy theo ông Michael Croft, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, dân số Hà Nội hiện có gần 8 triệu dân, gấp 3 lần so với 20 năm trước. Vì vậy, thành phố Hà Nội đang đối mặt với những thách thức của quá trình đô thị hóa với các vấn đề về nhà ở, cung cấp dịch vụ xã hội, quản lý chất thải… Dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng thành phố Hà Nội vẫn đang ưu tiên nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, triển khai các bước cụ thể để bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống...
“Tôi cho rằng, kết quả ấn tượng nhất đối với “Thành phố vì hòa bình” là sự thân thiện, hiếu khách của người dân đối với du khách thập phương. Được đi dạo trên đường phố là một niềm vui, với rất nhiều điểm tham quan, âm thanh và thị hiếu để trải nghiệm. Điều đó đúng, nhưng điều này phải được đặt trong bối cảnh văn hóa hòa bình sẽ là một điều rất đặc biệt”, ông Michael Croft đánh giá.
Điểm đến phát triển bền vững
Theo ông Michael Croft, dù Hà Nội tự hào về quá khứ truyền thống nhưng UNESCO tin rằng thành phố Hà Nội có đủ điều kiện để trở thành trung tâm của sự sáng tạo. Do đó, UNESCO mong muốn tiếp tục hợp tác với thành phố Hà Nội không chỉ để bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử mà còn phát triển các ngành công nghiệp văn hóa cho một thời đại mới. Đây là cách để Hà Nội duy trì sự tăng trưởng bền vững, thu hút nhân tài cho thành phố, cung cấp việc làm cho thanh niên và thiết lập Hà Nội như một thủ đô sáng tạo.
|
Hà Nội sẽ là nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2. Ảnh: Lê Phú |
Cụ thể, nhân kỷ niệm 20 năm Hà Nội nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, UNESCO hợp tác bảo tồn di sản, trong đó có Đường Lâm và Hoàng Thành Thăng Long, đồng thời đề xuất Hà Nội trở thành thành phố đầu tiên của Việt Nam tham gia Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO.
Đúng 20 năm sau khi đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa binh”, vào ngày 27 - 28/2 tới đây tại Thủ đô Hà Nội, “Thành phố vì hòa bình” sẽ diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2. Đây được xem là Hội nghị "vì hòa bình" mở ra cơ hội hòa bình cho bán đảo Triều Tiên.
Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội cho rằng: "Đây là cơ hội tốt nhất để Việt Nam cũng như Hà Nội quảng bá hình ảnh của mình trên trường quốc tế. Vì vậy, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành có liên quan trong đó có Sở VHTT thực hiện các nhiệm vụ được giao với tinh thần trách nhiệm cao nhất, khẳng định, Hà Nội - Việt Nam là một điểm đến hòa bình".
UBND thành phố kêu gọi sự đồng hành, ủng hộ của nhân dân Thủ đô bằng việc tích cực thực hiện nếp sống văn minh, thanh lịch của người Hà Nội với lối ứng xử lịch sự, hiếu khách từ những việc làm đơn giản hàng ngày như ý thức cao trong việc chấp hành luật lệ giao thông, giữ gìn vệ sinh môi trường, hạn chế bán hàng rong, đặc biệt không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường,... để bạn bè quốc tế có thể thấy hình ảnh một Hà Nội - Việt Nam an toàn, thân thiện, xứng đáng với tên gọi "Thành phố vì hòa bình".
Còn theo ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, Hà Nội là điểm đến với nhiều du khách quốc tế từ gần 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một trong những điểm ấn tượng với du khách khi đến Hà Nội là điểm đến an toàn, thanh bình với bề dày văn hóa truyền thống và sự năng động của thành phố trẻ.
Các chuyên gia văn hóa, du lịch đều nhận định, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2 tại Hà Nội là cơ hội quảng bá hình ảnh Hà Nội - "Thành phố vì hòa bình" khi có hàng nghìn nhà báo từ các hãng thông tấn, báo chí lớn trên thế giới đến đưa tin về sự kiện. Việc tổ chức thành công sự kiện sẽ nâng tầm vị thế Việt Nam trên thế giới và nhiều lĩnh vực sẽ được hưởng lợi từ sự kiện này.
Ngày 16/7/1999 tại La Paz - Thủ đô Bolivia, Hà Nội được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Thời điểm đó, Hà Nội là thành phố duy nhất của châu Á vinh dự được nhận danh hiệu cao quý này. |