Ngày 14/10, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 4/10 đến 11/10), toàn thành phố ghi nhận 346 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 62 trường hợp so với tuần trước đó). Bệnh nhân phân bố tại 29 quận, huyện.
Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Hà Đông, Đan Phượng, Đống Đa, Nam Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Thanh Oai, Thanh Xuân, Chương Mỹ, Ba Đình, Cầu Giấy, Thạch Thất, Phúc Thọ, Thanh Trì, Bắc Từ Liêm, Gia Lâm, Quốc Oai.
Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố ghi nhận 4.160 trường hợp mắc sốt xuất huyết nhưng chưa có ca tử vong (số mắc giảm 80% so với cùng kỳ năm 2023).
Hà Nội ghi nhận thêm 21 ổ dịch sốt xuất huyết. (Ảnh minh hoạ/TTXVN) |
Ngoài ra, trong tuần qua cũng ghi nhận thêm 21 ổ dịch sốt xuất huyết tại 11 quận, huyện: Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm, Chương Mỹ, Đan Phượng, Gia Lâm, Quốc Oai, Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Đông, Hoài Đức, Phúc Thọ (giảm 2 ổ dịch so với tuần trước đó). Cộng dồn năm 2024 ghi nhận 227 ổ dịch. Hiện, còn 39 ổ dịch đang hoạt động.
CDC Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện hoạt động giám sát, điều tra, xử lý dịch tại khu vực có ca bệnh.
Đồng thời, tổ chức giám sát ổ dịch, khu vực nguy cơ sốt xuất huyết tại các quận, huyện: Phúc Thọ, Thạch Thất, Thanh Xuân, Gia Lâm, Hà Đông và Chương Mỹ.
Nhận định đây là giai đoạn cao điểm dịch sốt xuất huyết hằng năm, CDC Hà Nội cảnh báo, số ca mắc sốt xuất huyết có thể gia tăng nhanh trong thời gian tới.
Chính vì vậy, trong tuần tới, CDC Hà Nội tiếp tục phối hợp với các đơn vị giám sát công tác xử lý ổ dịch sốt xuất huyết tại các địa bàn, gồm: Xã Hoàng Long, huyện Phú Xuyên; phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng và phường Kim Mã, quận Ba Đình.
CDC Hà Nội khuyến cáo, để phòng, chống sốt xuất huyết, người dân cần chú ý diệt muỗi và phòng muỗi đốt.
Trong đó, thực hiện vệ sinh nơi ở, xử lý, loại bỏ, lật úp các dụng cụ có thể chứa nước để muỗi đẻ trứng như: Lọ hoa, chai lọ, bể cá, khu vực rác thải… Đồng thời, tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống sốt xuất huyết.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá, sốt xuất huyết là một trong 10 gánh nặng y tế toàn cầu, xếp mức độ 3 (mức độ cao nhất) về khẩn cấp y tế. Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra, có khả năng dẫn đến biến chứng nặng, điều trị khó khăn, tốn kém. Sốt xuất huyết lây từ người sang người chủ yếu thông qua vết đốt của muỗi vằn cái Aedes aegypti có mang virus. Virus sốt xuất huyết có 4 tuýp huyết thanh bao gồm DENV-1, DENV-2, DENV-3 và DENV-4. Sốt xuất huyết gây ra các biến chứng nguy hiểm như: Tụt huyết áp, suy tim, suy thận, sốc mất máu, suy đa tạng, xuất huyết não, hôn mê… Bệnh có nguy cơ trở nặng vào giai đoạn hết sốt từ ngày thứ 3 đến thứ 5 của bệnh khiến người bệnh dễ chủ quan. Các đối tượng có nguy cơ trở nặng cao hơn khi mắc sốt xuất huyết là trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người mắc các bệnh mãn tính, béo phì… Với phụ nữ mang thai, sốt xuất huyết có thể gây suy thai, sinh non, thai chết lưu. Sốt xuất huyết nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có khả năng dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm và dẫn đến tử vong. |
Tags: