Có một cây cầu được dựng lên sau tâm thư xúc động gửi Bộ trưởng Đinh La Thăng là cây cầu vượt đường bộ dành cho bệnh nhân Bệnh viện K Tân Triều. Thế nhưng từ khi đi vào hoạt động, cây cầu dường như bị bệnh nhân bỏ rơi và chẳng mấy ai sử dụng để qua đường.
Cuối tháng 12/2014, cư dân mạng xôn xao với bức thư xúc động kí tên Bình Nguyên của một người dân phản ánh tình trạng hàng ngày bệnh nhân và người nhà đang điều trị tại Bệnh viện K gặp rất nhiều khó khăn khi sang đường và mong muốn có một cây cầu vượt để những bệnh nhân và người nhà sang đường bớt nguy hiểm.
|
Cầu vượt “tâm thư” bị bỏ rơi |
Hiểu được việc xây cây cầu vượt là cần thiết, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã ngay lập tức “ứng trước” cây cầu bộ hành để làm ấm lòng những bệnh nhân đang từng ngày, từng giờ phải chống chọi với những cơn đau do bệnh ung thư hành hạ.
Sau nửa năm nghiên cứu, khảo sát và thi công, ngày 23/7/2015 cây cầu vượt bộ hành chính thức đi vào sử dụng với niềm vui của rất nhiều người, từ nay người bệnh và người nhà sẽ bớt vất vả khi sang đường cũng như giảm bớt việc ùn tắc tại đường 70 (Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội).
Cây cầu được xây dựng với mức kinh phí khoảng 8 tỷ đồng, dài khoảng 20m, bắc qua đường 70. Phía trên có mái vòm che nắng, mưa, bậc thang lên xuống tại mỗi đầu cầu có 40 bậc bao gồm cả 1 chiếu nghỉ, chia làm 2 nhịp, mỗi bậc cầu thang đều được thiết kế chống trượt khi trời mưa và có lan can chắc chắn, có tay vịn để người dân thuận tiện lên xuống.
Thế nhưng đến nay đã 5 tháng đi vào hoạt động, tình trạng cũng không được cải thiện hơn là bao, có cầu vượt nhưng nhiều người vẫn không sử dụng, thay vào đó, họ lại đi ngay phía dưới đường mặc dù xe cộ qua lại tấp nập, nhiều xe phải phanh gấp giữa đường, người đi bộ không đi lên cầu mà băng qua đường làm đường hay bị ùn tắc, nhất là vào giờ cao điểm. Lực lượng chức năng phân luồng giao thông nhắc nhở người băng qua đường nhưng không hiệu quả.
Khi hỏi bệnh nhân được tại sao không đi lên cầu thì nhận được câu trả lời khá bất ngờ: bởi cây cầu vượt này quá cao, gần 5 mét và thể trạng của bệnh nhân yếu, không leo được lên cây cầu này. Anh Nguyễn Văn Thủy, một bệnh nhân cho biết: “Tôi bị ung thư trào dịch màng phổi, cho nên tôi mệt, ngực tức, đau, không trèo được vì cầu quá cao. Đấy là lý do tôi phải đi ngang đường”.
Một người nhà bệnh nhân khác cho biết, đi một mình anh vẫn đi cầu vượt, nhưng khi phải dìu người nhà thì do cầu cao, không thể vừa dìu vừa leo được nên biết là qua đường nguy hiểm nhưng đành chịu.
Câu trả lời của những người bệnh khiến phóng viên Báo Pháp Luật Việt Nam giật mình nhìn lại cây cầu và nhận ra có lẽ cây cầu quá sức so với thể trạng những người bệnh ung thư này. Cây cầu rất đẹp, rất ý nghĩa, thế nhưng chỉ có một chiếu nghỉ, với người bình thường, người khỏe mạnh thì không sao nhưng với những bệnh nhân ở Bệnh viện K Tân Triều là quá sức.
Một cây cầu vượt mang nhiều ý nghĩa thể hiện sự quan tâm, lắng nghe, chia sẻ của Nhà nước với người dân nói chung và bệnh nhân Bệnh viện K Tân Triều nói riêng như vậy mà giờ đây lại không được người dân sử dụng thì thật lãng phí. Giá như có cách nào khắc phục độ dốc của cây cầu thì những con người ốm yếu này sẽ không phải mạo hiểm tính mạng của mình để băng qua đường.