Trong thời gian vừa qua, báo chí và mạng xã hội đã tốn rất nhiều giấy mực khi đề cập đến cuốn sách Tiếng Việt 1- Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại hiện đang được dạy tại 48 sở GD&ĐT trên cả nước. Sáng 8-9, tại Hà Nội, "cha đẻ" của bộ tài liệu này đã có buổi trò chuyện về vấn đề này.
Nói về những ý kiến tranh luận trên mạng xã hội thời gian qua, GS Hồ Ngọc Đại tâm sự nhiều người chỉ trích ông nhưng có làm được gì đâu? Trường thực nghiệm vẫn tồn tại. Việc lên tiếng trước dư luận chỉ làm mọi chuyện thêm phức tạp. Những người không biết gì mà nói, ông sẽ không “chấp”.
“Tôi là nhà tâm lý học khoa học trẻ em mà người ta nói tôi không hiểu tâm lý. Nhiều người lấy những câu chữ vớ vẩn để phê phán tôi”, ông Đại chia sẻ. Thậm chí, nhiều nhà ngôn ngữ học chính thống cũng chỉ nói những trò chơi chữ nghĩa trong các cuộc thi với nhau, còn điều quan trọng là ngôn ngữ học hàng ngày. Khi 100% học sinh đi học, các em cần được nói và nghe ngôn ngữ của cuộc sống mỗi ngày.
|
GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ về sách công nghệ giáo dục ngày 8-9. |
GS Hồ Ngọc Đại khẳng định trong số tất cả công trình của mình, sách Công nghệ Giáo dục Tiếng Việt lớp 1 do ông chịu trách nhiệm, chiếm nhiều công sức và là thành tựu lớn nhất của ông. Đó là niềm an ủi vì đã thể hiện được tư tưởng, triết học và tâm lý học.
Học sinh 6 tuổi học sách Công nghệ Giáo dục Tiếng Việt lớp 1 sau một năm, chữ nào chắc chắn chữ đó nên không thể tái mù chữ. Người trưởng thành, hay học sinh cấp hai, cấp ba nếu viết sai thì do thầy, cô dạy sai.
“Có một câu chuyện giáo viên kể lại cho tôi, một bí thư xã nói con ông đang học sách Công nghệ Giáo dục lớp 1. Gần Tết, cháu muốn xin nghỉ học, người cha nói nếu con viết được đơn xin nghỉ, ông sẽ đồng ý. Sau đó, con viết được ngay một lá đơn, người cha mừng quá. Sau khoảng 4-5 tháng, học sinh có thể viết được những điều mình mong muốn”, ông Hồ Ngọc Đại kể.
Chia sẻ về công nghệ giáo dục, GS Hồ Ngọc Đại khẳng định: "Tôi làm giáo dục và bắt đầu xây dựng từ nhỏ đến lớn. Tôi là người có ý thức xây dựng lý thuyết về giáo dục. Tôi có bộ sách viết về giáo dục nhất quán từ đầu đến cuối. Năm 1968 khi sang Liên Xô chứng kiến cuộc nổi loạn của sinh viên, những đổi mới thất bại trong giáo dục.
Tôi cho rằng những cái cũ kỹ trong giáo dục chắn chắn thất bại. Một nền giáo dục mới sẽ thành công. Nền giáo dục hiện đại là nền giáo dục chưa từng có, để cho mỗi cá nhân trong xã hội trở thành chính nó, chứ không phải là bản sao của riêng ai".
Cũng theo GS Hồ Ngọc Đại, sứ mạng của giáo dục: "Cần phải cho trẻ em được những thành tựu mới nhất - chưa từng có và thừa hưởng và tận dụng những thành tựu đã có". "Cho nên tôi luôn nói với các cô giáo của tôi và nhiều bậc phụ huynh là phải thua con mới dạy được con. Trẻ con làm gì cũng có lý của nó. Mình phải căn cứ vào lý của nó để có cách dạy hợp lý", ông nói.
"Cuộc đời tôi xong rồi, nhưng tôi muốn đất nước này có một thế hệ khác, tự xác định được thời đại của mình. Người lớn không nên lấy mình là khuôn mẫu cho trẻ con. Bố mẹ không nên lấy mình làm chuẩn cho trẻ con", giáo sư bày tỏ. Đồng thời ông cũng khẳng định việc xây dựng trường Thực nghiệm là việc làm có ý nghĩa và trách nhiệm nhất mà ông đã làm cho đất nước.