“Tại sao nhạc cải lương không được quảng bá rộng rãi như âm nhạc hiện đại?”, đều gợi lên nhiều suy ngẫm.
Mượn cuộc thi Miss World 2018 để thể hiện giá trị dân tộc, quyết định cover bài hát “Lạc trôi” (Sơn Tùng M-TP) của Hoa hậu Trần Tiểu Vy trong trang phục truyền thống đã nhanh chóng bị dư luận chỉ trích là “không phù hợp với đấu trường tầm cỡ quốc tế”, có người còn đi xa hơn khi ám chỉ đây chính là lý do cô Hoa hậu chỉ dừng chân ở top 30.
|
Cải lương ngày càng xa vời với công chúng trẻ, đó là điều khó khăn đối với nhiều nghệ sĩ. |
Trước nhiều ý kiến trái chiều, Hoa hậu giải thích, cô muốn mang đến sự “độc đáo, mới mẻ”: “Ca khúc “Lạc trôi” cũng rất nổi tiếng trong nước và Sơn Tùng M -TP là hình mẫu nghệ sĩ đại diện cho giới trẻ Việt Nam, tôi không hối hận vì quyết định này”.
Nhìn ở góc độ tích cực, điều cô Hoa hậu nói có phần không sai, bởi thực tế cho thấy ca sĩ trẻ Sơn Tùng M-TP là một hiện tượng hiếm hoi của Vpop mà “cá bé bơi ra biển lớn”; và sức “nóng” của bài hát “Lạc trôi” trong nước không những thể hiện ở việc đông đảo khán giả trẻ đón nhận mà còn ở rất nhiều phiên bản cover, remix của người hâm mộ theo các phong cách khác nhau như hợp xướng, acoustic, bolero và cải lương.
Song cũng không khó dự đoán, mỗi khi nghệ sĩ trẻ làm một điều gì đó mới có “động chạm” tới yếu tố truyền thống đều nhận nhiều “gạch đá” và đặc biệt “cái nhìn nghiêm khắc” của giới chuyên môn.
Ngày trước, ca sĩ Tóc Tiên, Long Halo và DJ Hoàng Touliver đã có một quyết định táo bạo và mạo hiểm khi thực hiện remix ca khúc gần trăm tuổi “Dạ cổ hoài lang” của tác giả Cao Văn Lầu theo phong cách world music được giới trẻ yêu thích nhưng khán giả lại chê bai giọng hát “không hề có chất dân gian” là “chênh, phô, hụt hơi”, “không thể hiện được cái chất dân gian đương đại, cái hồn dân tộc đầy cảm xúc” như NSƯT Thành Lộc.
Cô ca sĩ cũng “phản pháo” rằng với tác phẩm này, cô chọn phong cách hát hiện đại để phá cách. Ca khúc còn nhận nhiều chỉ trích dữ dội là “làm hư cải lương”.
Nhưng có lẽ tệ nhất phải kể đến trích đoạn Tô Ánh Nguyệt remix của Trấn Thành, Anh Đức và NSND Ngọc Giàu đã gây nhiều bức xúc và lĩnh mức phạt nặng vì cho những yếu tố hài thô thiển, nhảm nhí, thậm chí dung tục, làm sai lệch tác phẩm gốc của soạn giả, NSND Trần Hữu Trang.
Vở kịch đã gắn liền với nhiều tên tuổi nghệ sĩ cải lương gạo cội như NSND Lệ Thủy, NSND Diệp Lang, NSƯT Minh Vương, Hồng Nga... và được coi là một vở cải lương mẫu mực trong nghệ thuật cải lương Việt Nam. Từ những hiện tượng trên, có thể thấy một ranh giới rõ ràng giữa sự sáng tạo của nghệ sĩ và một sản phẩm lỗi.
Mới đây, nhân kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương hình thành và phát triển, tại Tọa đàm “Theo dòng lịch sử sân khấu cải lương” (giai đoạn 1955-1975) do ĐH KHXH&NV cùng Hội Sân khấu TP HCM tổ chức mới đây, giới nghệ sĩ trẻ bày tỏ những mong muốn có được sự đồng cảm từ lớp nghệ sĩ đi trước.
Các bạn trẻ đặt ra vô vàn câu hỏi như “Người lớn cứ nói là không có kịch bản hay nhưng tại sao đang có rất nhiều tác giả trẻ viết nhiều kịch bản hay đều không được sử dụng?”; “Trước khi bác bỏ, thế hệ đi trước đã thực sự lắng nghe và tiếp nhận thế hệ trẻ chưa?”...
Bên cạnh đó, cách đây không lâu, trong buổi giao lưu của NSND – Tiến sĩ cải lương Bạch Tuyết với các em học sinh ở Trường THPT Nguyễn Du (TP Hồ Chí Minh), nhiều em học sinh đã thực sự đặt ra những câu hỏi hóc búa như “Làm thế nào để cải lương đến gần hơn với giới trẻ?”, “Tại sao nhạc cải lương không được quảng bá rộng rãi như âm nhạc hiện đại?”, đều gợi lên nhiều suy ngẫm.
NSND Bạch Tuyết cho rằng: “Cải lương muốn tồn tại thì cần phải biết người trẻ cần gì, xã hội muốn gì và phải đi vào những đề tài nóng bỏng của xã hội, gắn liền với đời sống thường nhật. Một nhà nghiên cứu đã từng nói muốn biết thời đại như thế nào, muốn biết âm hưởng của tuổi trẻ ra sao, chỉ cần nghe âm nhạc của thời điểm đó.
Khi làm nghệ thuật cải lương, tôi luôn chăm chú, quý trọng những khán giả lớn tuổi. Tôi càng trân trọng hơn nếu như tiếng hát của mình đến được với thế hệ trẻ. Khi tôi nghe bài “Em gái mưa” rồi “Lạc trôi”, tôi hiểu và cảm nhận được vì sao những tác phẩm này hút giới trẻ.
Do đó, tôi đã cover bài hát theo phong cách vọng cổ và đăng lên Youtube để xem thử các thời đại có gặp nhau hay không. Và khi đọc được những comment của rất nhiều bạn trẻ, tôi cảm thấy may mắn vì dù cách nhau nhiều thế hệ, chúng ta vẫn chia sẻ sự đồng điệu, thấu hiểu về nghệ thuật”.
Cũng theo NSND Bạch Tuyết, trước đây cải lương có 2 nội dung xuyên suốt đó là chống ngoại xâm bảo vệ đất nước và bảo vệ văn hóa dân tộc. Thế nhưng sau năm 1975, nghệ thuật cải lương trở nên “bơ vơ” và chậm phát triển hơn tất cả các loại hình khác; đề tài của cải lương không còn sát với hiện tại, thậm chí có đôi khi xa rời thực tế. Nhưng nhìn vào thực tế, thói quen nghe nhạc và sáng tác âm nhạc của thế hệ hiện đại đã thay đổi rõ rệt.
Quả thực, khán giả cải lương trong bối cảnh hiện đại chưa bao giờ “quay lưng” với loại hình nghệ thuật này nhưng đòi hỏi nghệ thuật cải lương phải luôn có cái mới – hay – lạ, mang hơi thở thời đại để họ thưởng thức chứ không thể nào cứ sống hoài với cái cũ.
Song, nói về làm mới âm nhạc cải lương, nhạc sĩ Đức Trí nhấn mạnh: “Trước khi sáng tạo, làm mới thì phải hiểu rõ, nắm vững căn bản âm nhạc cải lương, âm nhạc truyền thống. Sáng tác mới là mạo hiểm nhưng nếu mình thành công, đó sẽ là lối ra”.