Nguyên đơn của vụ kiện cho rằng Facebook đã sử dụng nút Like được gắn vào các trang web để theo dõi lượng truy cập của các trang này. Nói một cách đơn giản hơn, thông qua việc người dùng vào các website khác nhau và thực hiện những thao tác bấm like bài viết, Facebook sẽ xây dựng hồ sơ chi tiết về lịch sử duyệt web thông qua số lần ấn like của người dùng. Những người khởi kiện Facebook cho rằng điều này đã vi phạm đạo luật bảo mật và nghe lén của Hoa Kỳ.
Tuy vậy, chánh án Edward Davila tại tòa án thành phố San Jose (bang California, Mỹ) đã bác bỏ đơn kiện trên. Vị chánh án cho rằng nguyên đơn không chứng minh được rằng họ có một kỳ vọng về sự riêng tư khi ấn các nút like hoặc gặp phải những tổn hại về kinh tế từ hành động thu thập nút like của Facebook.
Vị thẩm phán cũng cho biết trong trường hợp cảm thấy khó chịu vì bị xâm phạm đời tư, người dùng có thể sử dụng chế độ riêng tư hay chế độ ẩn danh của trình duyệt web hoặc những công cụ cho phép không tham gia quảng cáo kỹ thuật số. Do vậy, càng không thể chứng minh được việc Facebook đã chặn hoặc nghe trộm thông tin của người dùng. Việc thu thập thông tin của Facebook hoàn toàn có thể chủ động ngăn chặn bởi người dùng nhưng họ lại không làm như vậy.
Khi người dùng truy cập một trang web với nút like được nhúng trên đó, trình duyệt web sẽ gửi thông tin đến cả Facebook và máy chủ nơi đặt trang web đó. Khi mọi người nhấp vào nút like, điều đó cũng đồng nghĩa với việc cho phép chia sẻ nội dung với Facebook mà không cần phải copy paste liên kết đó sang một status đăng trên mạng xã hội.
Nguyên đơn không thể đưa ra những yêu sách về việc vi phạm quyền riêng tư. Tuy vậy vị thẩm phán cho rằng họ có thể theo đuổi hành vi vi phạm hợp đồng.
Trước đó một blogger an ninh mạng tại Ức có tên Nik Cubrilovic đã phát hiện ra rằng Facebook theo dõi việc duyệt web của người dùng kể cả khi họ đã đăng xuất.
Gregg Stefancik, một kỹ sư của Facebook đã xác nhận rằng Facebook có các cookie vẫn tồn tại dù người dùng đăng xuất khỏi mạng xã hội. Điều này được lý giải như một biện pháp an toàn để ngăn người khác truy nhập vào tài khoản của người dùng. Và rằng Facebook không sử dụng các cookie này để theo dõi người dùng hoặc bán thông tin cá nhân của họ cho một doanh nghiệp khác.
Tuy vậy kể từ năm 2014, Facebook đã bắt đầu sử dụng các dữ liệu duyệt web mà họ thu thập được để phân phối các nội dung quảng cáo dựa trên sở thích của người dùng. Điều này lý giải vì sao các sản phẩm mà bạn quan tâm xuất hiện hàng ngày trong những quảng cáo trên chính trang Facebook của mình.
Để giải quyết vấn đề nhạy cảm này, Facebook đã giới thiệu một cách để người dùng chọn không tham gia các quảng cáo mục tiêu của họ. Tính năng về quyền riêng tư này có ở trong phần user setting của người dùng.