Ủy ban châu Âu (EC) ngày 7/6 đã công bố đề xuất lập một quỹ phòng thủ chung mới của Liên minh châu Âu (EU) nhằm giúp Lục địa già có thể trở thành một cường quốc quân sự toàn cầu.
|
Ảnh minh họa |
Theo AFP, khoản quỹ mới của EU được người phụ trách chính sách đối ngoại của EU Federica Mogherini công bố và là một phần trong các nỗ lực của Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker để thực hiện chiến lược phòng thủ đầy tham vọng của EU.
EC cho rằng EU sẽ sớm trở thành một khối chỉ gồm 27 thành viên sau khi Anh rời đi và như vậy sẽ không còn khả năng chi trả cho những chi phí duy trì quân đội ở quy mô toàn cầu.
Khoản quỹ mới của EU sẽ gồm 2 phần. Trong đó, phần thứ nhất là để giúp các nước thành viên chi trả cho các nghiên cứu về phòng thủ trên các lĩnh vực như điện tử, phần mềm đã được mã hóa, robot và máy bay không người lái.
Theo một dự thảo lập quỹ được công bố trước đây, dự kiến đến sau năm 2020, EU sẽ thiết lập được một chương trình nghiên cứu với ngân sách hàng năm khoảng 500 triệu euro.
Phần thứ 2 trong quỹ chi tiêu nói trên sẽ được dùng để chi trả cho việc mua sắm các thiết bị đắt tiền như xe tăng, máy bay trực thăng và máy bay không người lái.
Ngân sách cho phần chi tiêu này dự kiến sẽ là 5 tỉ euro mỗi năm khi quỹ phòng thủ mới của EU đi vào hoạt động đầy đủ. EC cho rằng khoản tiền này không nhiều nếu so với việc các nước thành viên của cả khối EU lãng phí từ 25 tới 100 tỉ euro cho việc tự bảo vệ mình.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ở đây là EU làm thế nào để có thể chi trả cho các kế hoạch phòng thủ mới trong bối cảnh khối này sẽ sớm đối mặt với khoảng trống 10 tỉ euro khi Anh chấm dứt nghĩa vụ đóng góp quỹ khi rời khỏi khối.
Bên cạnh đó, các nước châu Âu cũng sẽ phải đáp ứng yêu cầu của ông Trump về việc tất cả các nước thành viên NATO phải thực hiện cam kết chi 2% GDP cho quốc phòng.
Đề xuất của EC được công bố theo yêu cầu của các nhà lãnh đạo EU, trong đó nhấn mạnh về vấn đề an ninh và phòng thủ sau cuộc bỏ phiếu rời khỏi khối của Anh hồi năm ngoái.
Động cơ thành lập một quỹ phòng thủ mới như vậy càng trở nên mạnh mẽ hơn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lớn tiếng trách móc các đối tác châu Âu về chi tiêu quân sự tại Hội nghị thượng đỉnh NATO hồi tháng trước.
Chính những phát biểu của ông Trump đã dẫn tới việc Thủ tướng Đức Angela Merkel thúc giục châu Âu “tự nắm giữ lấy vận mệnh của mình”, đồng thời cảnh báo rằng Mỹ không còn là một đối tác tin cậy của khu vực.
Các yếu tố khác thúc đẩy đề xuất lập khoản quỹ nói trên là việc Nga đang ngày càng hành động quyết đoán hơn và một loạt những vụ tấn công chết người mà nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã lên tiếng nhận trách nhiệm ở Anh, Pháp và Bỉ.
Tân Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sylvie Goulard cũng đã nhiều lần thúc giục Anh phải tự đứng ra thực hiện các biện pháp để bảo đảm an ninh cho chính khu vực dù vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ với NATO.
Hồi tháng trước, các thành viên EU cũng đã nhất trí về việc thành lập một đơn vị chỉ huy quân sự cho các hoạt động huấn luyện nhưng với việc Anh phản đối, khối đã không thể lập trụ sở cho đơn vị này. EU bác bỏ việc đang thực hiện các bước đi để thành lập lực lượng quân sự chung châu Âu.