Dù gặp không ít sự phản đối từ các chuyên gia giao thông, chuyên gia kinh tế cũng như công nghệ và các công ty công nghệ như Grab, Fastgo nhưng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/NÐ-CP về điều kiện kinh doanh vận tải mà Bộ GTVT vừa trình Chính phủ vẫn gây nhiều tranh cãi trong việc định danh khi cứ cố buộc các công ty công nghệ phải trở thành các công ty vận tải.
Dù Bộ GTVT đã trình Chính phủ lần 4 Dự thảo Nghị định này nhưng tiếp tục các ý kiến đóng góp về Dự thảo Nghị định vẫn sôi động. Từ các Hiệp hội vận tải đến các Hiệp hội chuyên ngành, các chuyên gia kinh tế, công nghệ, Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI). Đáng nói, những ý kiến đóng góp này đều chung ở một điểm, không thể triệt tiêu những mô hình kinh tế mới, thông minh, đáp ứng đúng xu thế cách mạng 4.0 như Grab, Uber… Và nếu các doanh nghiệp công nghệ này sẽ phải đáp ứng thêm hàng loạt các điều kiện về kinh doanh vận tải, thì một lực lượng lớn các hợp tác xã vận tải hiện nay sẽ bị đứng ngoài, và có nguy cơ bị xoá sổ.
TS Ngô Trí Long, chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực kinh tế cho rằng, xoay quanh Dự thảo Nghị định 86 có 3 vấn đề cần trao đổi. Thứ nhất là cần phải đổi mới tư duy, quan niệm với nền kinh tế mới, kinh tế nền tảng. Trong nền kinh tế hiện đại, tất cả các doanh nghiệp đều tập trung vào 4.0, chuyên môn hóa, tìm cách nâng cao hiệu quả. Hiện nay trong ngành vận tải đã và đang áp dụng công nghệ 4.0 như Grab, Uber và sắp tới là Go-Jek. Nội địa cũng có những doanh nghiệp bắt kịp xu thế, nhanh chóng gia nhập thị trường đầy sôi động này như VATO, Fastgo, T.NET...
Theo TS Ngô Trí Long, tại Dự thảo Nghị định quy định rằng, doanh nghiệp công nghệ phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh và điều kiện hoạt động như một doanh nghiệp vận tải. “Quyết định này làm biến đổi bản chất hoạt động của đơn vị cung cấp hoạt động và triệt tiêu lợi thế, hay nói cách khác bắt doanh nghiệp phải làm việc bằng tay trái, trong khi lợi thế của họ là tay phải”, TS Ngô Trí Long bày tỏ. Đáng lo ngại, theo TS Ngô Trí Long, một số quy định tại Dự thảo Nghị định này sẽ xóa bỏ kinh tế chia sẻ mà toàn cầu đang hướng tới. Trong khi đó, lý do mà Bộ GTVT đưa ra không thuyết phục.
Mới đây, VCCI cũng đã có văn bản gửi các Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đóng góp ý kiến xung quanh Dự thảo Nghị định. Theo VCCI, những quy định như dự kiến tại Dự thảo một mặt chưa cho phép điều chỉnh loại hình kiểu Grab, một mặt chưa đặt ra được cơ chế thích hợp cho mô hình mới này (chỉ dẫn chiếu tới quy định vốn chỉ thích hợp với mô hình taxi truyền thống).
Đại diện VCCI dẫn chứng, Dự thảo không quy định đây là đơn vị kinh doanh loại gì, chỉ quy định trường hợp này phải “theo pháp luật về giao dịch điện tử và pháp luật liên quan”. Dự thảo xác định đây là đơn vị kinh doanh vận tải (tuy nhiên Dự thảo không làm rõ loại hình vận tải trường hợp này là gì, suy đoán là hình thức vận tải theo hợp đồng), phải thực hiện quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh.
Theo VCCI, về việc “ký hợp đồng điện tử”, bản chất của việc sử dụng phần mềm của Grab là để kết nối các đơn vị vận chuyển với khách hàng có nhu cầu, môi giới và làm trung gian giữa bên cung cấp dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ vận chuyển. Grab không ký bất kỳ hợp đồng vận chuyển nào, cũng không phải là chủ thể trong hợp đồng vận chuyển. Hợp đồng điện tử trong trường hợp này được ký giữa bên vận chuyển với hành khách - trong hợp đồng này chỉ có ý chí thống nhất của bên vận chuyển và hành khách mà không có ý chí của Grab (Grab đưa ra gợi ý về giá, nêu thông tin về nhu cầu của khách và khả năng đáp ứng của các bên vận chuyển nhưng quyết định có chấp nhận gợi ý của Grab không và có ký hợp đồng vận chuyển không hoàn toàn thuộc quyền tự do ý chí của bên vận chuyển và khách hàng mà Grab không thể can thiệp).
“Mặc dù có rất nhiều tranh cãi, tất cả đều đồng thuận quan điểm cho rằng Grab là hình thức kinh doanh mới, không giống với các hình thức kinh doanh đã có trước đây. Do đó, việc áp đặt cơ chế quản lý cũ cho một hình thái kinh doanh mới là không hợp lý”, đại diện VCCI bày tỏ, đồng thời kiến nghị cần nhận diện dịch vụ kinh doanh kiểu Grab theo đúng bản chất của dịch vụ là môi giới công nghệ trong lĩnh vực vận tải.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cũng cho rằng "tư duy của nhà quản lý hiện vẫn không chịu đổi mới". Điều này, theo ông, được thể hiện khá rõ trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô đang được Bộ Giao thông Vận tải lấy ý kiến.
Viện trưởng CIEM phân tích thêm, việc Uber, Grab sử dụng phần mềm để phục vụ chung cho các đơn vị kinh doanh vận tải, điều hành các phương tiện kinh doanh để vận chuyển hành khách (quyết định phương tiện nào sẽ thực hiện đón khách), quyết định giá cước vận tải...) không thể gọi là đơn vị kinh doanh vận tải. "Ép Grab, Uber vào khuôn của taxi truyền thống là sai lầm nghiêm trọng", ông Cung nói.
Kinh doanh theo kiểu Uber hay Grab là phương thức hoàn toàn mới, sẽ làm thay đổi các quan hệ giao dịch hiện có, tạo ra cân bằng cung cầu và giá dịch vụ được xác định dựa trên phân tích cung cầu. Các nền tảng kinh doanh này cũng sẽ giúp giảm chi phí, thậm chí đưa chi phí giao dịch về bằng 0 và đây chính là việc mà các cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải tuân theo xu hướng bảo vệ, phục vụ tốt người tiêu dùng.