Biệt thự cổ Đốc phủ Võ Hà Thanh, người dân thường gọi "nhà lầu ông Phủ", được xây dựng năm 1922, hoàn thành hai năm sau đó với kiến trúc kiểu Pháp. Nhiều năm qua, công trình được xem là điểm nhấn của vùng, điểm đến du lịch trên tuyến du lịch sông Đồng Nai. Người dân ở đây lưu giữ câu chuyện trận lụt năm Nhâm Thìn (1952), căn nhà là nơi cứu sống hơn 100 người gần chợ Bửu Long do nước lũ dâng cao. Hiện, ngôi nhà được người cháu của Đốc phủ Thanh sinh sống và gìn giữ.
Biệt thự cổ 100 năm tuổi với kiến trúc kiểu Pháp |
Cách đây gần 3 năm, dự án đường ven sông Đồng Nai dài 5,2 km từ cầu Hóa An, TP Biên Hòa đến xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu, khởi công, tổng kinh phí 1.300 tỷ đồng. Để thực hiện dự án, UBND TP Biên Hòa giải tỏa mặt bằng khu đất có biệt thự cổ để bàn giao cho đơn vị thi công. Theo chủ đầu tư, 2/3 căn nhà nằm trong phạm vi dự án nên phải đập bỏ, trong khi đó người chủ có nguyện vọng giữ lại.
Dự án đường giao thông chạy qua 2/3 ngôi nhà |
Ông Trần Quang Toại, Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Nai, cho biết, ngôi nhà có ý nghĩa về lịch sử và văn hóa, được xây dựng cùng thời với Tòa bố hành chính Biên Hòa vào đầu thế kỷ 20. Toàn bộ vật liệu để xây dựng ngôi nhà nhập từ Pháp.
Ngoài ra, biệt thự từng được thuê làm phim trường để quay phim Người đẹp Tây Đô của đạo diễn Lê Cung Bắc. Nếu giữ được ngôi biệt thự cổ này, địa phương sẽ tạo được sự kết nối về văn hóa, lịch sử, du lịch sông Đồng Nai với ngôi biệt thự cùng các công trình cổ khác bền chặt hơn.
Chiều 20/9, UBND tỉnh Đồng Nai lập đoàn kiểm tra tòa nhà cổ trên để tìm giải pháp giữ lại trước động thái chuẩn bị đập bỏ nhằm giải phóng mặt bằng cho dự án ven sông Đồng Nai. Đoàn khảo sát gồm Sở xây dựng, Văn hóa Thể thao Du lịch, Hội khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Nai và TP Biên Hòa.
Sau khi kiểm tra, ghi nhận nguyện vọng chủ nhân ngôi nhà, Sở Xây dựng sẽ tổng hợp ý kiến các sở ban ngành để trình UBND tỉnh Đồng Nai xem xét, quyết định.
Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, có nhiều cách để giữ lại ngôi biệt thự cổ này. Thứ nhất có thể nhờ "thần đèn" di dời vào bên trong và dành quỹ đất biến thành điểm đến về văn hóa, du lịch. Cách thứ hai chủ đầu tư nắn lại tuyến đường lấn ra sông một chút để giữ lại ngôi nhà cổ.
"Việc bảo tồn di sản này có ý nghĩa rất lớn. Bởi lẽ, với tuyến đường ven sông kết hợp công trình bản sắc lịch sử và những công trình mới, dần dần tạo thành cảnh quan hấp dẫn khách du lịch, mở ra tiềm năng lâu dài cho Biên Hòa phát triển đô thị hướng sông Đồng Nai", ông Sơn nói.