Việc Hà Nội phối hợp với các hãng xe máy thực hiện chương trình kiểm tra khí thải, đổi xe máy cũ lấy xe máy mới được cho là một nỗ lực nhằm cải thiện môi trường không khí, góp phần đảm bảo ATGT.
Xe cũ mức nào được đổi xe mới?
Theo kế hoạch, Hà Nội dự kiến thí điểm đo khí thải khoảng 3.000 - 5.000 xe trong thời gian từ 9/2021 - 6/2022 để làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cải thiện chất lượng không khí.
Kết quả của kế hoạch sẽ là cơ sở để Hà Nội xây dựng, ban hành quy định, chính sách về kiểm soát khí thải, thu hồi xe mô tô, xe gắn máy không đảm bảo an toàn kỹ thuật và môi trường đang lưu hành.
Trao đổi với PV, ông Lê Văn Vệ, Trưởng khối đối ngoại Công ty Honda Việt Nam cho biết, kế hoạch này đã được Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) cùng các sở, ban ngành của Hà Nội họp bàn.
Đợt thí điểm này sẽ tập trung kiểm tra khí thải cho xe máy có tuổi đời trên 5 năm. Khi tuổi xe càng cao sẽ có mức độ phát thải càng lớn. Người dân có xe thuộc diện nêu trên nên đưa xe đi kiểm tra, bảo dưỡng theo khuyến cáo từ nhà sản xuất để giữ xe ở tình trạng tốt nhất, cả về an toàn lẫn khí thải.
Tuy nhiên, do đang thực hiện giãn cách xã hội nên chương trình chưa thể triển khai. Khi tình hình dịch ổn định, các đơn vị liên quan sẽ họp bàn kế hoạch chi tiết và thực hiện trong thời gian sớm nhất.
Về cách thức thực hiện, ông Vệ cho biết, các hãng sản xuất xe máy trong VAMM gồm: Honda, Yamaha, Suzuki, Piaggio, SYM sẽ thiết lập các điểm thu hồi xe máy cũ, lắp đặt hệ thống kiểm soát khí thải tại 8 đại lý của các hãng để kiểm tra miễn phí cho người dân tại các quận: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hà Đông. Trong số 8 đại lý này có 4 đại lý của Honda. Các hãng xe còn lại mỗi hãng một đại lý.
Các xe cũ khi kiểm tra có lượng khí thải vượt quá tiêu chuẩn cho phép, chủ xe sẽ được vận động để “đổi cũ lấy mới”. Chủ xe có thể chọn mua xe của bất cứ hãng nào trong số 5 thương hiệu thuộc VAMM và sẽ được chính hãng đó hỗ trợ chi phí từ 2 - 4 triệu đồng, tùy thuộc vào giá trị xe khách mua, với điều kiện phải để lại xe máy cũ.
Đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN&MT TP Hà Nội cho biết thêm thông tin, khi người dân mang xe đến địa điểm đo kiểm khí thải sẽ được tư vấn trước khi đo kiểm. Những xe đo khí thải nếu đạt sẽ được tặng 1 chai dầu động cơ có giá trị khoảng 100.000 đồng.
Đối với những xe không đạt cũng sẽ được tặng 1 chai dầu động cơ tương tự, đồng thời được hỗ trợ bảo dưỡng xe không quá 200.000 đồng/xe) và tiến hành đo lại khí thải để thấy kết quả khác biệt sau khi bảo dưỡng.
Đối với những xe máy cũ không đảm bảo an toàn kỹ thuật và khí thải, người dân cũng có thể lựa chọn để nhà sản xuất thu hồi và được hỗ trợ chuyển đổi xe máy mới. Những xe đủ điều kiện thu hồi phải là xe hợp pháp (chính chủ), có số khung và số máy khớp với đăng ký xe, có đầy đủ các bộ phận: Khung xe, động cơ, bình nhiên liệu…
Tùy từng hãng và giá trị xe muốn đổi mới, chi phí hỗ trợ để khách hàng thải bỏ xe máy cũ và chuyển đổi xe máy mới dao động từ 0 - 4 triệu đồng/xe.
Ví dụ khi chuyển đổi sang xe máy mới của Honda, Yamaha hoặc Suzuki, đối với xe dưới 25 triệu đồng được hỗ trợ 2 triệu đồng. Xe từ 25 - 40 triệu đồng được hỗ trợ 3 triệu đồng. Xe có giá trị trên 40 triệu đồng được hỗ trợ 4 triệu đồng.
Lo xe gian tẩy vết qua hình thức “đổi cũ lấy mới”
Đánh giá về ý nghĩa của chương trình này, TS. Nguyễn Hữu Đức, Giám đốc Dự án nghiên cứu Chiến lược phát triển ATGT xe máy đến năm 2025, tầm nhìn 2030 của Bộ GTVT cho biết, việc thí điểm này là cần thiết và đáng hoan nghênh góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và TNGT do xe máy cũ, chất lượng kém gây ra.
Nhất là trong tình hình hiện nay, chưa thể quy định loại xe máy nào phải thải bỏ, chủ yếu dựa trên tinh thần tự nguyện của người dân.
“Sau khi thí điểm nếu người dân hưởng ứng và các hãng xe vẫn có kinh phí hỗ trợ người dân đổi xe cũ lấy xe mới thì nên nhân rộng ra các thành phố lớn khác trên cả nước. Nếu cần thiết thì chính quyền phải đứng ra, dùng ngân sách để hỗ trợ người dân đổi xe”, TS. Đức nói thêm.
Theo ông Lê Văn Vệ, lo ngại lớn nhất khi thực hiện chương trình này đang được đặt ra là các xe thuộc diện có thể thu hồi, thải bỏ phải có đăng ký chính chủ, trong khi hầu hết những chiếc xe cũ có tuổi đời sâu thường đã được mua đi bán lại nhiều lần, không còn đăng ký hoặc đăng ký không chính chủ.
Việc phải đáp ứng yêu cầu này từ phía công an sẽ khiến nhiều xe không được thu hồi để đổi cũ lấy mới. Tuy nhiên, theo lực lượng công an, đây là quy định bắt buộc do lo ngại xe sử dụng giấy tờ giả hoặc xe gian do trộm cắp.
Liên quan đến vấn đề này, TS. Nguyễn Hữu Đức cho rằng, cả hai việc thu hồi thải bỏ xe máy cũ và kiểm tra, xác minh xe gian đều quan trọng. Tuy nhiên, bước đầu vẫn nên triển khai, trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh thì tìm hướng giải quyết.
“Tùy từng thời điểm, nếu xác định mục tiêu kiểm tra khí thải, thu hồi xe cũ quan trọng hơn thì cơ quan công an có thể giảm nhẹ yêu cầu về xe đăng ký chính chủ đi. Nhưng nếu phát hiện có tình trạng lợi dụng việc này để tiêu hủy xe gian thì kiểm tra đăng ký xe phải chặt chẽ hơn. Nếu cứ lo ngại mà bàn tới bàn lui sẽ không thực hiện được”, TS. Đức cho biết.
Đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường cho biết, các hãng thực hiện trách nhiệm của mình là thu hồi lại xe đã quá nát và sau đó hỗ trợ. Những xe đó trước tiên phải đảm bảo về mặt pháp lý có nghĩa là những xe muốn chuyển đổi hồ sơ sẽ được gửi sang công an để đảm bảo về mặt pháp lý.
Còn về việc chuyển đổi, không đặt ra mục tiêu về mặt số lượng là bao nhiêu, được bao nhiêu thì được bấy nhiêu.
“Kế hoạch mang tính chất khuyến cáo người dân về mức độ an toàn khi sử dụng tham gia giao thông và phát thải để người dân biết được những xe cũ nát như vậy thì mức phát thải bao nhiêu, có an toàn hay không. Khi người dân đến kiểm tra khí thải sẽ được tư vấn và không bắt buộc, cũng không cấm những xe không đạt chuẩn khí thải lưu hành”, vị này cho biết.
(Link gốc: https://xe.baogiaothong.vn/doi-xe-may-cu-nat-lay-xe-moi-chu-xe-duoc-ho-tr-bao-nhieu-tien-d519505.html)
Tags: