Thái Sư Lê Văn Thịnh và án oan “Hóa hổ giết vua”
Thái sư Lê Văn Thịnh (1038-1096) là bậc kỳ tài, ông đỗ thủ khoa năm 1075 kỳ thi Minh kinh bác học thời Lý Nhân Tông – được tôn vinh Trạng nguyên. Ông làm quan tới chức Thái sư với nhiều công lao to lớn. Năm 1096, ông bị ghép tội mưu phản nên đã bị đi đày đi xứ Thao Giang.
Khu di tích chùa Bảo Tháp và Đền Thái sư Lê Văn Thịnh xưa kia chính là ngôi nhà nơi Thái sư đã từng sinh ra và lớn lên, sau bị triều đình phá hủy để xây cất thành chùa. Chính vì tượng rồng được tìm thấy trong khuôn viên nơi từng là nhà riêng của Thái sư Lê Văn Thịnh nên nhiều người cho rằng, tượng chính là nơi gửi gắm những tâm sự về nỗi oan khiên, trái ngang mà Thái sư Lê Văn Thịnh đã phải chịu trong vụ án “Hóa hổ giết vua” trên hồ Dâm Đàm đời vua Lý Nhân Tông.
Tương truyền, tháng 3/1096 nhà vua ngự trên thuyền nhỏ ra hồ Dâm Đàm để xem ngư dân đánh cá. Bỗng nhiên mây mù nổi lên, bất thần một chiếc thuyền nhỏ lao vun vút đến. Hoảng sợ, nhà vua liền lấy giáo ném vào chỗ ấy.
Ngay lập tức mây mù tan, vua thấy trong thuyền là con hổ vằn vện rõ to đang nhe răng giơ vuốt gầm gừ. Giữa lúc mọi người đang hoảng sợ thì Mạc Thận – vốn quen với việc đánh bắt cá đã bình tĩnh, quăng lưới trùm lên mình hổ. Sau khi hổ bị sa bẫy, mọi người nhận ra con hổ chính là Thái sư Lê Văn Thịnh.
Tức giận, nhà vua ra lệnh trói Thái sư và giải về triều cùm giam cho tới chết. Sau đó, nghĩ tới công lao cũ của vị thái sư, vua đã tha tội chết, chỉ đày lên miền rừng thuộc thượng lưu sông Nhị. Không biết ông sống bao nhiêu năm trong cảnh oan khiên nơi “rừng thiêng nước độc”, khi sức tàn lực kiệt, ông được đưa về quê nhà.
Nhưng khi về gần đến nhà, ông đã trút hơi thở cuối cùng bên dòng sông Dâu lịch sử. Nhân dân làng Đình Tổ trọng tài đức của ông, đã chôn cất chu đáo và tôn ông làm Thành hoàng làng. Bên cạnh đó, có nhiều làng cũng tôn ông làm thành hoàng làng như: Bảo Tháp, Yên Việt, Hương Vinh, Đông Cao, Hiệp Sơn, Tri Nhị, Địch Trung, Vân Xá, Huề Đông, Cứu Sơn.
Để tưởng nhớ công ơn của Trạng nguyên Lê Văn Thịnh, hàng năm, nhân dân trong vùng tổ chức lễ hội vào ngày 7 tháng Giêng (âm lịch). Ngoài ra, vào các ngày từ mồng 5-7/2 (âm lịch) hàng năm diễn ra lễ hội “Thập đình”, là lễ hội của 10 làng cùng tôn Trạng Nguyên Lê Văn Thịnh làm thành hoàng làng.
Sau biến động của nghìn năm lịch sử, những bí ẩn về vụ án hồ Dâm Đàn chưa hoàn toàn được giả mã, nhưng sự quằn quại, bi thương của pho tượng rồng vẫn hiển hiện rõ nét như một minh chứng về sự vò xé tâm can của một con người uyên bác, trung nghĩa mắc hàm oan.