Chiều 5.11, Công an Q.Tây Hồ (Công an TP.Hà Nội) cho biết khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân vụ cháy ngôi chùa cổ Tĩnh Lâu (trên phố Trích Sài, P.Bưởi, Q.Tây Hồ).
|
Ngôi chùa bị cháy |
Trước đó, lúc 23 giờ 35 ngày 4.11, người dân sống trên phố Trích Sài đột nhiên thấy lửa kèm khói đen phát ra nghi ngút từ khu vực điện thờ của chùa Tĩnh Lâu, nên gọi điện cho lực lượng PCCC. Thời điểm xảy ra hỏa hoạn , thời tiết hanh khô, gió từ hướng hồ Tây thổi vào rất lớn, nên ngọn lửa nhanh chóng lan ra nhiều khu vực khác trong chùa.
Sau khi nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Bắc Thăng Long điều 4 xe chữa cháy cùng hàng chục chiến sĩ tới hiện trường dập lửa. Cùng lúc đó, Công an Q.Tây Hồ cũng đến phong tỏa, bảo vệ hiện trường, giữ gìn an ninh trật tự.
Trung tá Nguyễn Anh Tuấn - Đội trưởng Đội chữa cháy thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Bắc Thăng Long, cho biết do ngôi chùa nằm ngay sát mép hồ Tây, nên lực lượng chữa cháy đã dùng nước hồ dập lửa. Tới 1 giờ 30 ngày 5.11, lực lượng chữa cháy đã khống chế đám cháy, không để lan rộng. Đến 2 giờ 15 cùng ngày, vụ hỏa hoạn được dập tắt hoàn toàn.
Theo thông tin từ Công an Q.Tây Hồ, do được ứng phó kịp thời nên vụ cháy không gây thiệt hại về người. Tuy nhiên do nhiều hạng mục trong ngôi chùa được làm từ gỗ, nên ngọn lửa bắt rất nhanh và đám cháy gần như đã thiêu rụi hoàn toàn gian ngoài của chùa.
Chùa Tĩnh Lâu hay còn gọi là chùa Sải, nằm sát bờ hồ Tây. Chùa Tĩnh Lâu được công nhận di tích lịch sử văn hóa theo Quyết định số 1460 QĐ/BT ngày 26.6.1996 của Bộ Văn hóa - Thông tin khi đó. Theo các nhà nghiên cứu, chùa Tĩnh Lâu có từ thời Lý và thường xuyên thu hút rất đông phật tử, du khách thập phương tới tham quan, cúng bái. Theo hồ sơ di tích, mặt bằng chùa gồm: tam quan, sân, vườn, chùa chính, nhà mẫu, nhà tổ, tăng phòng, bếp và vườn tháp. Hạng mục nhà tổ bị cháy là nơi thờ các vị sư từng trụ trì tại chùa.
Theo Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội, căn cứ vào hồ sơ xếp hạng, chùa Tĩnh Lâu đang bảo lưu được nhiều di vật có giá trị như hệ thống tượng và chuông chùa. Quả chuông quý của chùa có niên đại cuối thế kỷ 18, chính xác là năm 1799. Trên chuông có khắc tên chữ của chùa. Trong chùa còn 15 bia đá cũng có giá trị, mang giá trị tiêu biểu của chùa. Chùa không nổi bật về giá trị kiến trúc. Di tích này cũng đã qua nhiều lần tu bổ.
Bà Nguyễn Thu Hòa, Trưởng ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội, cho biết trong ngày 5.11 có báo cáo nhanh gửi Sở VH-TT-DL Hà Nội.