Thương cảm với hoàn cảnh của những bệnh nhân khó khăn khi đi khám chữa bệnh tại Hà Nội, cô Bính cùng bạn bè đã tự bỏ tiền túi mua xe cứu thương rồi vận chuyển người bệnh miễn phí.
Giữa lúc tại nhiều bệnh viện ở Thủ Đô, người ta “kiếm ăn” cả trên những người bệnh chỉ còn đường “về nhà chờ chết”, đòi bảo kê xe cấp cứu thì câu chuyện này như một ánh sáng nhân văn giữa cuộc đời nhiễu nhương.
|
Chú Nguyễn Đức Chuyên. |
Làm việc thiện cũng đâu có dễ
Hẹn mãi, chúng tôi mới gặp được cô Phan Thị Bính (64 tuổi, ở quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) cùng những người bạn trong nhóm vận hành xe cấp cứu miễn phí sau khi nhóm hoàn thành việc đưa một bệnh nhi từ Bệnh viện Nhi Trung ương về Tuyên Quang.
Để hiện thực giấc mơ về một chiếc xe cấp cứu miễn phí cho bệnh nhân nghèo, cô Bính cùng người bạn thân Thái Thị Tám (55 tuổi, ở phố Vũ Tông Phan, phường Khương Ðình, quận Thanh Xuân) đã lặn lội vào tận tỉnh An Giang để tìm hiểu về mô hình xe cấp cứu miễn phí tại đây.
Lý do khiến cô Bính quyết tâm thực hiện điều này xuất phát từ năm 2016 khi câu chuyện về bệnh nhi 9 tháng tuổi, quê ở Quỳ Hợp, Nghệ An chết trên xe cứu thương vì bị bảo vệ bệnh viện xích xe không cho ra. Tiếp đó, hình ảnh anh Lò Văn Muôn (quê Sơn La) phải chở thi thể em gái bó chiếu trên chiếc xe máy về nhà đã thực sự ám ảnh cô.
Vào An Giang, may mắn cho hai cô khi vào đây được hội thiện nguyện tại đây giúp đỡ tích cực. Các cô được đi tham quan, tìm hiểu về cách vận hành, hoạt động xe thiện nguyện tại các bệnh viện... Một trong những khó khăn khiến cô Bính băn khoăn nhất đó là việc mua xe, làm sao để chọn được một chiếc xe cấp cứu an toàn, đảm bảo chất lượng.
“Vì là phụ nữ, không biết lái xe cũng không hiểu biết gì về máy móc cả, do đó khi mua xe, tôi phải nhờ các anh trong miền Tây - những người thạo về xe đi xem, mua hộ xe, rồi nhờ các anh ấy đăng kí xe tại TP. HCM luôn.
Ngày mang xe ra đây, tôi cũng phải nhờ một anh trong đó lái ra Hà Nội cho”, cô Bính kể. Chiếc xe cứu thương của cô Bính được đăng kí đầy đủ các quyền ưu tiên như: sử dụng đèn còi tín hiệu, đi vào đường cấm, vượt đèn đỏ.... như tất cả các xe chuyên dùng cấp cứu khác. Thiết bị trong xe được trang bị đầy đủ gồm: cáng, xe đẩy, bình ô – xy, hộp sơ cứu...
Nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình cùng tấm lòng nhân hậu của những người thuộc nhóm thiện nguyện cùng sự đồng ý của chính quyền, chiếc xe cấp cứu miễn phí đã lăn bánh vào đầu tháng 12/2018 với ưu tiên vận chuyển những người bệnh nghèo (có xác nhận của phòng công tác xã hội bệnh viện) và đưa các trường hợp cấp cứu khẩn cấp đi điều trị.
Thế nhưng những ngày đầu hoạt động, số điện thoại đường dây nóng của chiếc xe liên tục bị người lạ gọi đến chửi bới, họ cho đây là lừa đảo, không có thật. Thậm chí, nhiều trường hợp còn giả mạo để trục lợi. “Ban đầu khi nhiều người gọi điện tỏ ý nghi ngờ, tôi vẫn nhẹ nhàng giải thích.
Nhưng đáng lên án là có cả những kẻ mạo danh, xưng là trưởng nhóm thiện nguyện, chở xe cấp cứu miễn phí rồi lấy tiền của người nhà bệnh nhân. Khi phát hiện ra tôi đã phải đến tất cả các phòng công tác xã hội ở các bệnh viện đăng kí rằng chỉ có tôi là trưởng nhóm và duy nhất một số điện thoại cấp cứu cố định”, cô Bính giãi bày. Sau gần 3 tháng hoạt động, chiếc xe cấp cứu miễn phí của nhóm cô Bính đã được nhiều người biết tới. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, nhóm đã giúp đỡ gần 50 trường hợp.
|
Chiếc xe cấp cứu miễn phí đầu tiên. |
Những “thiên thần”sau vô lăng
Suốt câu chuyện của chúng tôi, cô Bính nhắc nhiều tới những cái tên như chú Mai Văn Toàn (55 tuổi, quê An Giang), chú Nguyễn Đức Chuyên (62 tuổi, ở KĐT Linh Đàm, TP. Hà Nội); anh Doãn Minh Tuấn (47 tuổi, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội); anh Đào Chính Vũ (31 tuổi, TP. Hà Nội). Đó là những tài xế đã và đang chịu trách nhiệm trong việc vận hành chiếc xe cấp cứu miễn phí.
Cô Bính bảo: “Nếu không có những người lái xe tình nguyện và tận tâm thì chiếc xe cấp cứu miễn phí giúp đỡ người nghèo của các cô cũng chẳng thể đi vào hoạt động được”.
Trong số đó, chú MaiVănToàn đã tình nguyện từ quê nhà ở xã Mỹ Ðức, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang vượt gần 2.000 cây số ra bắc để hỗ trợ những người chung chí hướng. Ban đầu, khi chưa quen thời tiết, đường sá ở Hà Nội, chú Toàn chạy xe khá vất vả. Nhưng nhờ kinh nghiệm lái xe lâu năm, những chuyến xe cấp cứu miễn phí đầu tiên đều bình an vô sự.
Nhưng sau hơn 1 tháng cùng nhóm cô Bính vượt qua giai đoạn đầu khó khăn nhất, chúToàn và vợ về quê ăn Tết đã không thể trở ra vì gia đình có người thân nhập viện. Thật may mắn, thời điểm đó, chú Nguyễn Đức Chuyên – một Đại tá công an về hưu, sống ở khu đô thị Linh Đàm gần “trụ sở” nhóm thiện nguyện của cô Bính đã xin gia nhập đội thiện nguyện.
“Việc làm của cô Bính mang tính nhân văn rất lớn, vì vậy dù không có tiền bạc nhưng tôi cũng cố gắng dùng khả năng và thời gian của mình để tham gia. Thời kỳ đầu khi quen anh Toàn thì mình giúp lúc anh ý không ở đây. Còn nếu là đường dài thì 2 anh em hỗ trợ nhau. Sau một chuyến đi Cao Bằng về thì biết được tay lái của mình cũng không phải dạng vừa nên là anh ý giao tay lái”, chú Chuyên vui vẻ kể.
Trong kí ức của chúChuyên, lầnchở bệnh nhân 16 tuổi bị ung thư xương ngày 28 Tết Kỷ Hợi vừa rồi là chuyến đi để lại trong chú cùng cô Bính nhiều cảm xúc nhất. Xuất phát từ 9h tại Hà Nội nhưng phải mất 6 tiếng mới về tới Thanh Hóa. Cả chuyến đi chỉ có một mình chú Chuyên cầm lái suốt 10 tiếng đồng hồ, bởi cô Bính không biết lái xe.
Không những thế cô Bính còn bị say xe. Khi xe cấp cứu vừa về tới nơi thì rất đông họ hàng của gia đình ra đón. Vào tới nhà bệnh nhân, chú Chuyên cùng cô Bính thật sự xót xa trước hoàn cảnh éo le của gia đình. Trụ cột của gia đình là người bố đang bị ung thư và liệt bẩm sinh. Ông chỉ ngồi trên giường, không đi lại được.
Cô con gái đầu của gia đình không may mắn bị ung thư xương, người mẹ cũng không được nhanh nhẹn, tháo vát như người bình thường. Hai người con sau thì còn quá nhỏ. Bởi vậy, dù đã là 28 Tết nhưng trong nhà chưa hề sắm sửa được bất cứ thứ gì. Đồ đạc trong nhà không có nổi vật gì có giá trị.
“Khi chúng tôi chở bệnh nhân về tới nhà thì người ta rất trân trọng và xúc động. Từ thái độ ngạc nhiên ban đầu họ chuyển qua thán phục về việc làm thiện nguyện, chuyên chở bệnh nhân miễn phí. Họ cảm ơn mình vì đã đưa được người thân của họ về tới nơi an toàn. Người chú ruột của gia đình bệnh nhân đứng lên thay mặt nói lời cảm ơn tầm 5 – 7 phút, rồi không giấu được xúc động anh ấy khóc.
Trong suốt 3 ngày Tết hình ảnh gia đình bệnh nhân Thanh Hóa đó cứ ở mãi trong đầu tôi. Bởi vậy, tôi càng quyết tâm làm tốt, làm nhiều hơn nữa công việc thiện nguyện này”, chú nhớ lại.
Cũng theo chú Chuyên, sau nhiều chuyến xe cũng có gia đình chủ động cảm ơn nhưng mọi người tuyệt đối không nhận. Bởi tất cả đều đã xác định làm việc trước hết là vì trách nhiệm, tình cảm và đặc biệt tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chí của nhóm đó là chuyến xe hoàn toàn miễn phí. Bởi thế ngoài tình cảm của gia đình bệnh nhân tuyệt đối chúng tôi không nhận tiền của họ dù ít hay nhiều.
Là người lái xe trẻ nhất trong đội thiện nguyện, anh Đào Chính Vũ, 31 tuổi. AnhVũ đã có kinh nghiệm lái xe chuyên chở các trang thiết bị y tế đã 5 năm. Anh Vũ đến với nhóm thiện nguyện qua một dòng trạng thái đăng tải về hoạt động của chiếc xe cấp cứu miễn phí trên facebook của cô Bính. Nhận thấy đây là một hoạt động vô cùng ý nghĩa, anh Vũ đã chủ động liên lạc, đăng ký chạy xe vào hai ngày thứ 7 và chủ nhật cuối tuần.
“Thời buổi xã hội bây giờ tìm được những người như cô Bính là rất khó. Bản thân tôi khi chở những bệnh nhân về tới nhà của họ an toàn cũng thấy rất vui”, anh Vũ bộc bạch.
Cũng theo anh Vũ việc lái xe cấp cứu khác rất nhiều so với việc lái xe bình thường. Tài xế phải học cách đưa bệnh nhân lên cáng, lên xe đẩy như thế nào, sơ cứu ra sao nếu gặp các trường hợp khẩn cấp. Và đặc biệt, vì chở bệnh nhân nên mình càng phải đi cẩn thận, an toàn giúp họ giảm bớt đau đớn mệt mỏi.
Là người đã từng được nhóm thiện nguyện của cô Bính giúp đỡ chở miễn phísau khi mổ đẻ tại Bệnh viện sản Trung ương về tới nhà, chị Nông Thị Thuyết (35 tuổi, tỉnh Cao Bằng) vẫn không giấu nổi sự cảm kích khi mỗi lần nhắc lại.
“Khi được các cô chú giúp đỡ, tôi và gia đình rất vui và cảm động. Ban đầu dù có nghi ngờ nhưng sau đó mọi thứ đều tan biến khi về đến gia đình mặc dù chúng tôi muốn gửi tiền nước, xăng xe nhưng cô chú cương quyết không nhận. Trong suốt chuyến đi đều thường xuyên hỏi thăm tôi và em bé có mệt hay không? Cần gì không?...”, chị Thuyết nói.
|
Một bệnh nhân nhi tại Bệnh viện Nhi Trung ương được nhóm thiện nguyện chở trên chuyến xe cấp cứu miễn phí. |
Những trăn trở cần giúp đỡ
Mặc dù chiếc xe cấp cứu miễn phí của cô Bính đã đi vào hoạt động được hơn 3 tháng nay nhưng theo cô Bính để có thể duy trì và phát triển tốt những chuyến xe này cũng còn là vấn đề. Khó khăn đầu tiên là việc nhóm thiện nguyện của cô Bính đang chưa thực sự có một tình nguyện viên am hiểm và có kỹ năng về sơ cứu, y tế.
Bởi vậy, nhiều trường hợp bệnh nhân cấp cứu cần phải có các phương án sơ cứu ban đầu các cô đều không dám nhận. “Nhiều trường hợp hoàn cảnh quá khó khăn nhưng bệnh nặng cần bác sĩ chúng tôi không giúp được nên phải đành chịu. Những lúc như vậy cảm thấy vô cùng buồn và bất lực”, cô Bính cho hay.
Bên cạnh đó, hiện tại theo hoạch toán của nhóm thiện nguyện với cường độ hoạt động 24/24H của chiếc xe cấp cứu miễn phí thì mỗi ngày chi phí dành ra cho chiếc xe thấp nhất là 1 triệu đồng.
Trong khi đó, hiện nay số tiền để nhóm cô Bính duy trì hoạt động của chiếc xe cấp cứu miễn phí này chủ yếu dựa vào tiền túi của các thành viên và các mạnh thường quân trong An Giang, Long An và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ khác.
Bởi vậy, để có thể duy trì được hoạt động, cô Bính cùng các thành viên trong nhóm thiện nguyện kêu gọi và mong muốn sẽ có thêm nhiều mạnh thường quân giúp đỡ.“Chúng tôi chỉ mong muốn chuyến xe có thể đủ điều kiện để hoạt động liên tục”, cô Bính chia sẻ.