Truyện tranh cổ tích xuất bản chủ yếu phục vụ cho thiếu nhi nhưng lại đầy rẫy những hình ảnh, từ ngữ bạo lực, nhảm nhí, phản giáo dục.
Khá nhiều cuốn truyện tranh cổ tích đang bày bán trình bày bắt mắt nhưng đã trót mua về, phụ huynh mới giật mình hoảng hốt khi mở từng trang thì thấy đầy nội dung bạo lực hoặc những câu chuyện tào lao.
Mẹ dùng dao gọt chân con
Bạn đọc Thảo Trần "la làng" trên mạng sau khi mở đọc "Cô bé Lọ Lem" (NXB Hồng Đức) và phát hiện những hình vẽ minh họa rất phản cảm. Cụ thể, ở trang 22 và trang 27 vẽ minh họa hình bà mẹ cầm dao cắt bớt ngón chân và gót bàn chân của hai cô con gái để có thể đi vừa đôi giày xinh xắn, được làm vợ hoàng tử.
Hình vẽ người mẹ tay lăm lăm con dao sáng loáng, cố nhét bàn chân máu me ròng ròng của cô gái trẻ vào chiếc giày, quả thật khiến người đọc hoảng sợ. Rất nhiều bạn đọc khác là những ông bố, bà mẹ trẻ cũng đồng loạt lên tiếng nhận xét những trang sách này là "rùng mình kinh hãi", "như truyện kinh dị", "nhảm quá"…
|
Nếu chỉ nhìn bìa "Cô bé Lọ Lem" thì thấy rất đẹp, không thể biết nội dung bên trong |
Truyện "Bạch Tuyết và bảy chú lùn" (NXB Hồng Đức, Công ty TNHH Văn hóa và Truyền thông Trí Việt sản xuất) ngoài việc Bạch Tuyết bị đầu độc bởi trái táo, có thêm chi tiết bà dì ghẻ siết cổ Bạch Tuyết bằng dải lụa.
Rất nhiều tập truyện tranh như: "Cổ tích Việt Nam chọn lọc" (NXB Thanh Niên ấn hành) có những truyện như: "Tiêu diệt mãng xà", "Ao phật", "Đứa con trong rừng thẳm", "Quỷ nhập tràng"… đều có hình ảnh minh họa ghê rợn, với nhiều chi tiết giết chóc, bạo lực.
Chuyện "cổ tích tào lao"
Không ít truyện tranh cũng bị dư luận phản ứng vì nội dung… nhảm nhí. Câu chuyện "Giả chết bắt quạ" (NXB Mỹ thuật) kể về một anh chàng nghèo và lười, lại còn cờ bạc nợ nần, nhờ mánh khóe giả chết nên được viên ngọc ước, trở nên giàu có và sở hữu một cô vợ xinh đẹp. Thế nhưng, sau khi kết duyên, nhân lúc chồng đi vắng, vợ "cuỗm" mất ngọc đem về nhà mình. Anh chàng ngồi khóc, Bụt hiện lên, giúp anh "phạt" nhà vợ, lấy lại được ngọc, mang vợ về nhà, sống hạnh phúc đến suốt đời(?).
Anh Lê Minh Tuấn (chương trình Sách hóa nông thôn) nhận định: "Giả chết bắt quạ" là một câu chuyện "cổ tích tào lao", cho dù minh họa rất bắt mắt. "Thể loại truyện này mà sản xuất cho trẻ em đọc thì hỏng rồi! Đây là cuốn sách mà chúng ta nên tránh cho con em đọc. Loại sách này mà phổ biến thì nguy hại lắm" - anh Tuấn viết.
|
Hình minh họa phản cảm trong cuốn "Cô bé Lọ Lem" không được cấp phép xuất bản |
Trong tập truyện "Những câu chuyện ngộ nghĩnh dành cho bé" của NXB Đồng Nai, truyện "Hổ không răng" của tác giả Hoa Niên kể về câu chuyện cáo lừa hổ ăn nhiều đường khiến hổ bị sâu răng, đến lúc đó hổ nhờ cáo chữa cho mình, cáo lấy kìm nhổ hết răng của hổ cho đến khi hổ không còn chiếc răng nào. Hổ rất cảm động coi cáo là bạn tốt. Kết thúc câu chuyện là câu hỏi: "Bé nghĩ như thế nào về câu chuyện này?".
Hai bộ "Truyện tranh cổ tích" (phần I gồm 20 truyện cổ tích chọn lọc Việt Nam; phần II gồm truyện thần thoại và cổ tích nước ngoài) do Công ty Truyện tranh Art Sign kết hợp NXB Giáo dục cùng Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục Phương Nam xuất bản cũng bị độc giả phản ứng vì những tình tiết thú vị đều đã bị cắt bỏ, thêm vào đó là những câu nói thời @ muốn tạo ra tính chất hài hước nhưng thực chất thì lại rất nhí nhố.
Nguyên nhân sách ẩu?
Truyện tranh cổ tích xuất bản chủ yếu phục vụ cho thiếu nhi nhưng lại đầy rẫy những hình ảnh, từ ngữ bạo lực, nhảm nhí, phản giáo dục. Nguyên nhân là người làm sách chạy theo lợi nhuận, không có tâm còn các nhà xuất bản không có khả năng kiểm soát các đối tác liên kết.
Nhiều bạn đọc đề nghị cho biết rõ NXB đã cấp phép cho cuốn sách "Cô bé Lọ Lem" nói trên để họ "tẩy chay" luôn. Nội dung dịch sát với nguyên gốc nhưng khi kết hợp với hình vẽ minh họa thì trở nên phản cảm. Nhiều bạn đọc đặt vấn đề nếu con trẻ quen với những hình ảnh bạo lực, máu me như thế, điều gì sẽ xảy ra?
Ông Lý Bá Toàn, Tổng Biên tập NXB Hồng Đức, khẳng định: "Ngay từ năm 2016, khi đối tác liên kết (Công ty TNHH Văn hóa và Truyền thông Trí Việt) nộp lưu chiểu cuốn "Cô bé Lọ Lem", chúng tôi đã phát hiện và đã phê bình, yêu cầu chỉnh sửa các chi tiết này. Mặc dù đối tác liên kết có ý kiến cho rằng vẽ như thế để phản ánh cái ác nhưng chúng tôi cũng không đồng ý và đã yêu cầu thu hồi lại bản in đó, chỉnh sửa, in mới và chỉ cấp phép phát hành cho cuốn sách mới sau khi đã sửa".
Vậy là bản in "Cô bé Lọ Lem", do Công ty TNHH Văn hóa và Truyền thông Trí Việt thực hiện có trang 22 và trang 27 nói trên, chưa được cấp phép nhưng vẫn luồn lách vào thị trường. Nếu chỉ nhìn cái bìa sách thì không thể nào biết được nội dung bên trong lại phản cảm như vậy.
Qua quá trình quan sát con trẻ và đồng hành với trẻ cùng CLB Đọc sách cùng con, TS Nguyễn Thụy Anh kết luận: "Cha mẹ cần có kỹ năng. Với các câu chuyện cổ tích, cho dù có cuốn sách trên tay, cha mẹ vẫn nên kể nhiều hơn là đọc. Không nhất thiết phải đọc tất cả những gì viết trong cuốn sách…".
Cần khuyến cáo tuổi đọc Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh phân tích: "Những chi tiết "ác" và những nhân vật phản diện được đẩy lên độc ác đến tận cùng trong các câu chuyện cổ tích thực ra luôn mang tính biểu tượng cao. Chúng luôn có một ý nghĩa về đạo đức - qua việc người ác bị trừng phạt nặng nề để nói được về sự trung thực, dũng cảm, công bằng và thậm chí cả về lòng nhân hậu nữa". Bạn đọc Nguyễn Long cho rằng nên dán nhãn sách theo độ tuổi cho người đọc dễ phân biệt. "Tùy theo độ tuổi sẽ có mức nhận thức khác nhau, lớn tuổi nhận thức hoàn thiện hơn nhỏ tuổi. Văn học nước ngoài cần được giữ đúng nguyên tác và giới hạn độ tuổi phù hợp. Tiếp xúc với văn học nước ngoài sẽ giúp mở rộng tư duy và nhận thức, học được tư duy phản biện. Chứ cứ xem cổ tích trong nước thì sao mở rộng kiến thức được" - bạn đọc Nguyễn Long nói. Thông tư 09/2017/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông có hiệu lực từ ngày 1-10, quy định cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ trong các xuất bản phẩm sẽ siết chặt hơn tình trạng trên. |