Dự án trùng tu nhóm tháp G trở thành sự kiện đánh dấu bước chuyển tiếp giai đoạn của công tác trùng tu đền tháp Mỹ Sơn.
Ngày 7/12, tại Mỹ Sơn, Viện Bảo tồn Di tích (Bộ VH-TT&DL) phối hợp với Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn tổ chức Hội thảo “Quy trình kỹ thuật trùng tu đền tháp Champa Mỹ Sơn qua trường hợp tu bổ, bảo tồn phế tích kiến trúc tháp E7 và nhóm tháp G”.
Sự kiện không chỉ cách nhìn nhận lại các giải pháp bảo tồn trùng tu đền tháp Chăm thời gian qua mà còn là cơ hội phân tích, đúc rút chuyên sâu về kỹ thuật nhằm thúc đẩy hiệu quả hơn công tác trùng tu di tích tại Mỹ Sơn hiện nay và những năm tới.
Mỹ Sơn (Duy Xuyên) được xem là một “đô thị tôn giáo” với hơn 70 kiến trúc được xây dựng trong nhiều thế kỷ, tập trung vào 8 nhóm tháp. Kể từ khi được phát hiện năm 1898, đến nay Mỹ Sơn có bề dày hơn một thế kỷ nghiên cứu với nhiều công trình chuyên khảo được công bố. Những năm 1981- 1985, chương trình hợp tác Việt Nam - Ba Lan về trùng tu di tích đã đạt được những kết quả đáng kể, đóng góp quan trọng vào việc gìn giữ các kiến trúc Chăm. Nhiều đền tháp Mỹ Sơn đã được trùng tu cứu vãn theo phương pháp tái định vị và gia cố các thành phần đã bị đổ nát.
Đặc biệt, trong các năm 1997- 2000, thực hiện dự án “Khảo sát khoanh vùng, bảo vệ và quản lý khu di tích kiến trúc và khảo cổ học Mỹ Sơn” các chuyên gia Italia đã đánh giá ảnh hưởng của các yếu tố khác nhau như điều kiện địa lý, địa chất, thủy văn… tới thực trạng bảo tồn của khu di tích, nhất là các khám phá về gạch xây, chất kết dính và kỹ thuật xây dựng gốc.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu này, Chính phủ Italia đã tài trợ kinh phí với sự bảo trợ của UNESSCO tiếp tục triển khai dự án “Bảo vệ di sản thế giới Mỹ Sơn -Thuyết trình và tập huấn ứng dụng các chuẩn mực quốc tế trong trùng tu tại nhóm tháp G- khu di tích Mỹ Sơn” với việc tiến hành nghiên cứu và phát lộ khảo cổ học trên diện tích hơn 1.800m2, đã phát hiện hơn 3.000 hiện vật khảo cổ và mảnh vỡ kiến trúc. Kết quả, các kiến trúc ở nhóm tháp G đã được tu bổ, gia cố bền vững.
Từ năm 2011- 2015, Viện Bảo tồn Di tích đã triển khai thực hiện dự án trùng tu bảo tồn tháp E7. Dự án này là bước thực tiễn hóa, ứng dụng các kết quả nghiên cứu về vật liệu xây dựng và chất kết dính, tiếp nối kết quả chương trình hợp tác nghiên cứu chung với các chuyên gia Italia. Đây cũng là sự tiếp nối phương pháp trùng tu đã được thực hiện ở nhóm tháp G. Đồng thời, khẳng định công tác trùng tu các đền tháp Mỹ Sơn đã qua một giai đoạn mới, ở một cấp độ cao hơn về khoa học.
Phát biểu tại Hội thảo, TS.KTS Hoàng Đạo Cương, Phó Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích cho biết, trong lĩnh vực bảo tồn tích tại Việt Nam hiện nay, công tác trùng tu các di tích kiến trúc đền tháp Chăm vẫn trong giai đoạn xác định các nguyên tắc, định hình các giải pháp kỹ thuật, vật liệu tu bổ và giải pháp can thiệp. Trong đó, Khu di tích Mỹ Sơn là nơi ghi nhận rõ rệt các dấu ấn kỹ thuật, vật liệu tu bổ và dấu ấn kỹ thuật của quá trình phát triển và định hình phương pháp trùng tu kiến trúc đền tháp Chăm qua các giai đoạn khác nhau.
Ông Cương cho biết thêm, những giải pháp kỹ thuật được áp dụng ở dự án trùng tu nhóm tháp G là một bước tiến nổi bật dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học bài bản được thể hiện qua việc sử dụng gạch phục chế và chất kết dính có nguồn gốc thực vật. Về cơ bản, những quan điểm và định hướng áp dụng bảo tồn, trùng tu các di tích tại Mỹ Sơn được áp dụng từ giai đoạn trước vẫn được thống nhất và tiếp nối. Mặc dù có sự khác biệt trong việc sử dụng vật liệu trùng tu, song các giải pháp trùng tu về cơ bản vẫn là gia cố, tái định vị, bảo quản, tu sửa nhỏ và phục hồi chừng mực. Dự án trùng tu nhóm tháp G trở thành sự kiện đánh dấu bước chuyển tiếp giai đoạn của công tác trùng tu đền tháp Mỹ Sơn.