Dâng sao giải hạn là việc làm tín ngưỡng của Đạo giáo chứ không phải của Phật giáo. Vì vậy nên cải chính gọi là cầu an giải hạn.
Những ngày gần đây, hàng ngàn người dân tấp nập tới chùa đăng ký “dâng sao giải hạn” hòng thoát khỏi kiếp nạn. Những “hù dọa” từ những câu chuyện của thế giới thần linh như: “Sao Thái Bạch, sạch cửa nhà”, “49 chưa qua, 53 đã đến”,… đã không khỏi đem đến cho mọi người nỗi sợ hãi và lo âu.
Bởi vậy nên họ đã rủ nhau đi "dâng sao" nếu gặp sao tốt và "giải hạn" nếu gặp hạn xấu. Nhiều người bỏ ra số tiền lớn để “dâng sao giải hạn” cho cả gia đình. Một số doanh nghiệp mời thầy cúng về “giải hạn” với chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng, ảnh hưởng đến tâm lý của người lao động.
|
Người dân đổ xô đi đăng ký dâng sao, giải hạn. |
Hầu hết những người dâng sao giải hạn tin rằng nếu có sao xấu chiếu vào thì cả năm sẽ không an lành nên họ phải làm lễ để loại bỏ đi. Nhưng nhiều người cũng cho rằng cách làm này đã tiếp tay cho các hủ tục mê tín dị đoan và các hoạt động thương mại hóa chùa chiền.
Vậy trong giáo lý đạo Phật, thực hư điều này ra sao? Phóng viên Pháp luật Plus vừa có cuộc trao đổi với Thượng toạ Thích Thọ Lạc, Phó Ban Thường trực Ban Văn hoá, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Yên Phú, Hà Nội về nghi lễ này.
Thượng toạ Thích Thọ Lạc cho biết: "Đạo Phật luôn là nơi được dân chúng tin yêu, sùng bái và họ có nhiều cách để thể hiện sự tin yêu, sùng bái ấy. Hầu hết những người đến với đạo phật, chùa chiền thường cầu an, giải hạn bởi ai cũng mong muốn có sức khoẻ, bình yên, sự may mắn trong cuộc sống. Ở một mức độ nào đó, chùa chiền phát huy sức mạnh tinh thần, là niềm an ủi đối với con người, giúp họ vượt qua khổ ải".
Nhưng làm thế nào để niềm tin của chúng ta đi theo ý nghĩa, tôn chỉ chính thống của Phật giáo? Thượng toạ Thích Thọ Lạc nhận định: "Dâng sao giải hạn là danh từ theo Đạo giáo chứ không phải theo chính thống của Phật giáo nên cải chính gọi là cầu an giải hạn".
|
Thượng toạ Thích Thọ Lạc. |
Các chùa thường tụng kinh Dược Sư hoặc tụng kinh Phổ Môn để cầu an, giải hạn cho tín đồ cũng như bà con nhân dân. Để có được giải hạn, có được sự bình an, nó phải phụ thuộc vào hai yêu tố là "tự lực" và "tha lực".
Tha lực chúng ta cầu nguyện thế giới chư Phật, thế giới siêu hình phù hộ, tiếp sức cho chúng ta có được sự bình yên. Còn tự lực có nghĩa là chúng ta phải nỗ lực. Nói theo tinh thần Phật giáo, trước hậu quả của nghiệp chướng từ kiếp trước, muốn giải được điều đó thì phải làm phúc nhiều, làm thiện nhiều. Chúng ta cúng, bố thí, phóng sinh hoặc giúp những người nghèo khổ, những người cô đơn, làm những việc hữu ích cho xã hội, cho đất nước, cho con người. Đó cũng là phương pháp tự giải nghiệp cho chúng ta khỏi được cái xấu.
"Chúng ta đừng nghĩ rằng, vật chất có thể đổi được cái khổ của chúng ta. Mình chỉ biết cúng cầu mà không biết cải thiện cá nhân của chúng ta thì cũng không được. Thật đáng buồn khi một tín ngưỡng mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp như vậy lại bị biến tướng sang mục đích thương mại." - Thượng toạ Thích Thọ Lạc chia sẻ.
Việc đến lễ cầu an, cầu siêu của nhân dân và tín đồ được hiểu là người ta đến ngôi nhà này để thực hiện đời sống tâm linh. Còn các nhà chùa, các nhà sư có trách nhiệm hướng dẫn người ta thực hiện nghi thức tâm linh cầu an, cầu siêu như thế nào theo đúng tinh thần của Phật giáo.
Việc người dân đóng góp tuỳ hỉ, đóng góp vào xây dựng ngôi chùa, tô tượng, đúc chuông, nhang đèn trong hàng năm là tuỳ tâm của mọi người. Thượng toạ Thích Thọ Lạc nhấn mạnh: "Nếu chúng ta dùng đồng tiền hữu hạn để đổi lại cái gì vô giá như thế thì không đúng với tinh thần Phật giáo".
Nếu không ngăn chặn, những hủ tục mê tín này sẽ lan rộng, làm mất rất nhiều thời gian, tiền bạc và công sức của người dân.