“Đồng tiền chi phối tính công tâm của nhiều cơ quan công quyền, làm suy thoái đạo đức, đâm thủng pháp luật”, đại biểu Đặng Thuần Phong phát biểu.
Dành cả ngày 9/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016, kế hoạch 2017.
Rất nhiều vấn đề nóng bỏng được các đại biểu đề cập, trong đó chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế (GDP) có nguy cơ không đạt kế hoạch đề ra được đặc biệt quan tâm.
Nhận định trước kỳ họp này, Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đã tổ chức buổi tọa đàm công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý 1/2017.
Theo đó, với mức tăng trưởng quý I thấp nhất trong 3 năm trở lại đây (đạt 5,1%), nhóm nghiên cứu của VEPR nhận định mục tiêu tăng trưởng 6.7% cho cả năm 2017 sẽ không đạt được. Trước mắt, VEPR dự báo kinh tế quý 2 tăng trưởng ở mức 5.7% và cả năm đạt khoảng 6.1%.
|
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra. |
Trước đó, báo cáo của Ủy ban Kinh tế cho rằng, nền kinh tế tăng trưởng thấp và chưa thực sự bền vững, ước quý I/2017 tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng trưởng thấp nhất so với những năm gần đây.
Để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7%, các quý còn lại phải tăng trung bình trên 7%, nhưng với điều kiện và tình hình thực tế năm 2017 thì mục tiêu này rất khó thực hiện, khả năng chỉ đạt khoảng 6,3%.
Thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu cho rằng, mức tăng trưởng thấp như quý 1 năm nay là đáng lo ngại, đặc biệt, công nghiệp suy giảm ở hầu hết các lĩnh vực chính, nhất là sản lượng khai thác dầu thô giảm.
Trong khi đó, nền công nghiệp trong nước ngày càng kém cạnh tranh, thể hiện sự khó khăn trong hội nhập vào thị trường thế giới.
Đáng lưu ý, một số đại biểu nhận định về một trong những nguyên nhân chính của việc suy giảm tăng trưởng được cho là bắt nguồn từ xuất khẩu của Sam Sung, kim ngạch xuất khẩu của Samsung tại Việt Nam sẽ lên tới 50 tỷ USD trong năm nay.
Điều này cho thấy một khuynh hướng lệ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào một số tập đoàn đa quốc gia là đáng lo ngại.
|
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh). |
Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, Chính phủ cần có giải pháp để cơ cấu lại chi NSNN theo hướng tăng cho đầu tư phát triển và hạn chế, thắt chặt và tiết kiệm chi thường xuyên, chi cho tiêu dùng… Để làm được điều này cần phải mạnh mẽ tinh giản biên chế, cải cách thủ tục hành chính, thu gọn bộ máy hành chính.
|
Đại biểu Đặng Thuần Phong (đoàn Bến Tre). |
Nhìn từ một góc độ khác, đại biểu Đặng Thuần Phong cho rằng, nguyên nhân gây nên tăng trưởng thấp còn do nợ công cao và xu hướng còn tăng, áp lực trả nợ lớn, chi thường xuyên chiếm gần 70%, không còn cho đầu tư phát triển.
Nghiêm trong hơn, tình trạng thương mại hóa các quan hệ xã hội để mua chính sách là dấu hiệu đáng lo ngại. “Đồng tiền chi phối tính công tâm của nhiều cơ quan công quyền, làm suy thoái đạo đức, đâm thủng pháp luật”, vị đại biểu này nói.
Trước nguy cơ không đạt được chỉ tiêu tăng trưởng như kế hoạch đề ra cho năm 2017 là khá rõ, nhiều đại biểu kiến nghị một số giải pháp trước mắt, như: Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư; huy động mạnh mẽ nguồn lực từ trong dân vào sản xuất kinh doanh; tháo gỡ hơn nữa những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp tư nhân; thúc đẩy nhanh đầu tư các dự án trọng điểm (cao tốc Bắc - Nam, Cảng hàng không Long Thành)…
|
Đại biểu Lê Công Đỉnh (đoàn Long An). |
Kiến nghị các giải pháp cụ thể, đại biểu Lê Công Đỉnh (đoàn Long An) cho rằng, Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện các giải pháp, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn như đã đề ra.
Tháo gỡ ngay khó khăn, tạo điều kiện để triển khai, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ khu vực vốn tư nhân, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đã cam kết đăng ký.
|
Đại biểu Tống Thanh Bình (đoàn Lai Châu). |
Còn đại biểu Tống Thanh Bình (đoàn Lai Châu) tham luận một số nội dung đẩy nhanh tiến độ giải ngân để kích cầu cho tăng trưởng, như phân cấp cho địa phương thẩm định một số dự án nhỏ (nhóm C); gỡ vướng về quy định giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới..
Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị Chính phủ cần kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, không quá coi trọng tốc độ tăng trưởng, mà tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng tăng trưởng, bảo đảm bền vững; cần có đánh giá khi tốc độ tăng trưởng GDP giảm sẽ tác động đến các chỉ tiêu khác như tỉ lệ nợ công.
Bội chi ngân sách. Bên cạnh đó, cần dự tính các kịch bản để có giải pháp ứng phó phù hợp; kịch bản khi kinh tế rơi vào tình trạng bị trì trệ, cần tìm kiếm những giải pháp đột phá...