Ở nước Đức, một viên cảnh sát theo đạo Hồi không bị sa thải nhưng đã bị phạt hành chính 1.000 Euro về tội không chịu bắt tay một nữ đồng nghiệp. Hành động này của anh ta bị coi là phân biệt đối xử phụ nữ và vi phạm luật về bình đẳng giới.
|
Ảnh minh họa |
Chuyện xảy ra hồi tháng 5 năm ngoái. Trong buổi liên hoan mừng được thăng quan tiến chức, viên cảnh sát này bắt tay những vị khách và đồng nghiệp là nam giới nhưng lại từ chối bắt tay một nữ đồng nghiệp. Thay vào đó, anh ta để tay lên ngực và cúi người chào đáp lại. Luật đạo Hồi không cho phép đàn ông bắt tay phụ nữ.
Ở Thụy Sỹ năm ngoái cũng dậy sóng trong dư luận về vụ việc có hai học sinh tiểu học theo đạo Hồi kiên quyết không chịu bắt tay cô giáo. Đại diện chính phủ Thụy Sỹ coi hành động này là không thể chấp nhận được. Ở Đức, dư luận cũng dậy sóng và đòi sa thải viên cảnh sát này. Anh ta chỉ bị phạt chứ không bị sa thải bởi trong quá trình làm cảnh sát đến nay chưa từng mắc sai phạm gì và đã có cam kết bằng văn bản là từ nay không từ chối bắt tay phụ nữ nữa.
Chuyện đơn giản chỉ có vậy nhưng lại có ý nghĩa rất đáng kể về pháp lý trên hai phương diện. Thứ nhất, ở nước Đức không cấm đạo Hồi nhưng đạo Hồi không phải luật pháp. Đạo Hồi được tôn trọng trong tư cách là một tôn giáo chứ còn về phương diện luật pháp thì đạo Hồi phải thích ứng hoá với luật pháp của đất nước. Vì thế, viên cảnh sát kia không thể viện dẫn là vì theo đạo Hồi nên không được phép bắt tay nữ đồng nghiệp. Trái lại, vì anh ta sống và làm việc ở nước Đức nên anh ta phải tuân thủ luật pháp Đức mà trong đó có quy định cấm phân biệt đối xử phụ nữ. Một khi đã quyết định “nhập gia” thì phải chấp nhận “tuỳ tục”.
Thứ hai, việc đảm bảo không phân biệt đối xử phụ nữ và bình đẳng giới thể hiện trong từng việc cụ thể từ rất nhỏ đến to tát mà một khi không được đảm bảo thì tính chất vi phạm luật lại như nhau. Cũng chính vì thế mà sự trừng phạt luôn phải nghiêm và hợp lý.