Nếu có di chúc để tài sản cho con nuôi thì khi đó con nuôi thực tế vẫn có quyền thừa kế theo di chúc.
|
Ảnh minh họa. |
Bạn đọc có địa chỉ email [email protected] gửi email câu hỏi tới Tòa soạn. Pháp luật plus xin trích đăng nội dung câu hỏi như sau:
“Năm 1980, mẹ nuôi tôi xin tôi về nuôi nhưng không biết mẹ nuôi tôi có đăng ký con nuôi với UBND xã nơi tôi và mẹ nuôi tôi thường trú hay không. Nhưng trong hộ khẩu vẫn ghi quan hệ với chủ hộ là con và vợ tôi là con dâu. Vậy trường hợp nếu mẹ nuôi tôi chưa làm thủ tục nhận nuôi thì tôi có quyền hưởng thừa kế từ mẹ nuôi tôi không?"
Căn cứ quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015:
“Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;”
Như vậy, pháp luật dân sự không có sự phân biệt giữa quyền thừa kế giữa con nuôi và con đẻ. Tuy nhiên, bản thân anh cũng không rõ việc nhận con nuôi có được đăng ký với UBND xã theo đúng trình tự, thủ tục hay không. Vấn đề này anh buộc phải tìm hiểu thông qua mẹ nuôi và bên UBND xã.
+ Nếu mẹ nuôi anh đã làm thủ tục nhận con nuôi, khi đó quan hệ con nuôi đã được pháp luật công nhận. Anh có quyền thừa kế theo quy định của pháp luật.
+ Trường hợp mẹ nuôi anh chưa làm thủ tục nhận con nuôi, căn cứ theo Điều 50 Luật nuôi con nuôi 2010:
“Điều 50. Điều khoản chuyển tiếp
1. Việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với nhau trước ngày Luật này có hiệu lực mà chưa đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được đăng ký trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực, nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Các bên có đủ điều kiện về nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật tại thời điểm phát sinh quan hệ nuôi con nuôi;
b) Đến thời điểm Luật này có hiệu lực, quan hệ cha, mẹ và con vẫn đang tồn tại và cả hai bên còn sống;
c) Giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục nhau như cha mẹ và con.
2. Sau khi được đăng ký, quan hệ nuôi con nuôi quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị pháp lý kể từ thời điểm phát sinh quan hệ nuôi con nuôi.
3. Chính phủ quy định chi tiết thủ tục đăng ký nuôi con nuôi quy định tại Điều này, bảo đảm thuận lợi và phù hợp với điều kiện thực tế của nhân dân ở các vùng, miền.”
Do đó, nếu việc nuôi con nuôi đã phát sinh trên thực tế mà chưa được đăng ký thì trong thời hạn 5 năm kể từ ngày luật nuôi con nuôi có hiệu lực (từ ngày 01/01/2011 - 31/12/2015) thì phải đi đăng ký tại UBND xã. Tuy nhiên, hiện tại đã hết thời hạn để đăng ký quan hệ con nuôi thực tế.
Vậy nếu như trước kia mẹ nuôi anh chưa làm thủ tục nhận con nuôi thì quan hệ con nuôi chưa được công nhận, anh không có quyền thừa kế theo pháp luật.
Tuy nhiên, nếu như mẹ nuôi anh có di chúc để tài sản cho anh thì khi đó anh có quyền thừa kế theo di chúc.