Startup Kite được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức thường niên nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, kích thích khả năng sáng tạo, tư duy năng động, truyền nguồn cảm hứng kinh doanh; thúc đẩy việc ứng dụng kiến thức, kỹ năng được trang bị trong nhà trường vào cuộc sống cho học sinh, sinh viên.
Sau 5 tháng triển khai, từ 1.512 ý tưởng tham gia, ban tổ chức cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp quốc gia - Startup Kite 2022 đã chọn ra 80 đội thi tham gia vòng chung kết.
Tại vòng chung kết, 80 đội thi sẽ thuyết trình trên sân khấu trước ban giám khảo, sau đó sẽ chọn ra 6 đội thi xuất sắc nhất tham gia phần gọi vốn. 6 đội xuất sắc sẽ thuyết trình và thương thuyết với các nhà đầu tư để kêu gọi vốn đầu tư cho dự án của mình.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Đỗ Năng Khánh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN cho biết, mỗi năm các trường nghề đào tạo khoảng 2,2 triệu học viên với hệ thống ngành nghề bao phủ nhu cầu của xã hội và hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong tổng số 2,2 triệu học viên GDNN có khoảng 600.000 học sinh, sinh viên đang học ở hai hệ cao đẳng và trung cấp.
Theo ông Đỗ Năng Khánh, với quy mô lớn và sinh viên trường nghề được đánh giá năng động sẽ là nguồn nhân lực giàu tiềm năng, đặc biệt là trong lĩnh vực khởi nghiệp.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN đánh giá cao những sáng kiến, ý tưởng khởi nghiệp mà các em học sinh, sinh viên đem đến cuộc thi Startup Kite 2022. Ông tin tưởng những dự án khởi nghiệp trên sẽ được triển khai trong thực tiễn đời sống, mang lại giá trị hữu ích cho bản thân các em, cộng đồng và xã hội.
Ông Đỗ Năng Khánh cũng hy vọng các doanh nghiệp, các nhà đầu tư sẽ kết nối với các trường, hỗ trợ những ý tưởng khởi nghiệp khả thi của các em sinh viên phát triển thành hiện thực, đưa vào sản xuất kinh doanh.
Tiến sĩ Phạm Hữu Lộc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng TPHCM (đại diện đơn vị đăng cai), đánh giá cuộc thi Startup Kite 2022 không chỉ giúp sinh viên thể hiện khả năng sáng tạo mà còn học được cách làm việc và triển khai một dự án kinh doanh như thế nào. Qua đó, sinh viên được học hỏi thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm thực tế trước khi ra trường.
Ngay trong buổi khai mạc vòng chung kết, 5 dự án được trình bày trước ban giám khảo. Mở màn là dự án Thiết bị giám sát điều khiển tự động hệ thống trồng rau thủy canh - khí canh của các em sinh viên Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng. Thiết bị này sẽ giúp giám sát các chỉ số nhiệt độ, độ ẩm, nồng độ dinh dưỡng..., hệ thống trồng rau sạch, sau đó điều khiển tưới nước để điều chỉnh các chỉ số cho phù hợp.
Vòng chung kết Startup Kite 2021 diễn ra với 67 đội dự thi đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau như: Nông nghiệp, sản xuất kinh doanh, du lịch, cơ khí - công nghệ ứng dụng, kinh doanh thương mại, chế biến thực phẩm, cơ khí chế tạo và tự động hoá…
Cuộc thi Startup Kite 2021 đánh giá các dự án gồm 5 nhóm tiêu chí: Tính mới, sáng tạo; Tính khả thi và cạnh tranh; Tính chuyên môn, ứng dụng khoa học công nghệ và kỹ thuật; Thể thức trình bày, hình thức thuyết trình và phản biện; Tính hiệu quả kinh tế - xã hội và ứng dụng thực tế.
Không chỉ trình bày, giới thiệu về dự án, các đội sẽ còn thuyết trình để kêu gọi vốn đầu tư vào dự án từ doanh nghiệp CLB doanh nhân Sao Đỏ. Ban Tổ chức Startup Kite 2021 đã lựa chọn được 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 03 giải Ba, 29 dự án khuyến khích và 1 giải đội Startup được yêu thích nhất thông qua bình chọn qua trang fanpage Facebook của Ban tổ chức.