Ngay tại ngôi chùa này đã thành lập được một phong trào từ thiện, hội tụ những thanh niên trẻ tuổi đầy nhiệt huyết, giàu lòng thương người.
Chùa Đoan Khê nằm ở thôn Đoan Khê, xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên là địa chỉ lâu đời để các phật tử Hưng Yên tìm đến thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng của mình. Điều đặc biệt là ngay tại ngôi chùa này đã thành lập được một phong trào từ thiện, hội tụ những thanh niên trẻ tuổi đầy nhiệt huyết, giàu lòng thương người.
Các thành viên cùng nhau ủng hộ vật chất cũng như tinh thần đến những người nghèo khó, những người kém may mắn trong xã hội để họ phần nào vơi đi sự nhọc nhằn của cuộc sống.
Năm 2000, thầy Thích Bản Ninh về làm trụ trì chùa Đoan Khê. Thầy luôn đau đáu việc chùa vắng bóng người trẻ mà địa phương lại còn nhiều người có hoàn cảnh khó khăn. Sau quá trình tìm tòi, nghiên cứu thầy đã khởi xướng phong trào mang đầy tính nhân văn này.
Một người sống ở làng trên 70 năm nay, bà Hoàng Thị Ngọc (thôn Đoan Khê) cho biết: “Chúng tôi đã già yếu nên toàn bộ công việc quét dọn chùa đều đến tay các cháu. Hoạt động được trên 2 năm, tôi thấy có nhiều em rất hư khi tham gia vào phong trào được sư thầy cũng như các anh, chị khác rèn rũa, chỉ bảo đã tiến bộ, ngoan ngoãn trông thấy. Rất nhiều gia đình muốn gửi con vào phong trào để qua quá trình hoạt động, sống có bản lĩnh hơn”.
Là một thành viên của phong trào, bạn Xuân Hưởng (thôn Ngọc) cho biết: “Từ khi phong trào ra đời đã không còn tình trạng thanh niên lêu lổng, chơi bời, nghiện hút… Bọn em dù đi học ở đâu thì vẫn luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn”.
Theo chú Lê Đức Thọ (43 tuổi, thôn Hùng Trì): "Quan sát trong làng thì thấy không còn tình trạng các em học sinh nghèo bỏ học, điểm số môn tiếng Anh của các em là khá cao. Số người già, nghèo neo đơn sống trong đủ đầy, hạnh phúc hơn, số người khuyết tật sống hòa nhập, tự tin hơn với cộng đồng".
|
Sư thầy Thích Bản Ninh và những thanh niên trẻ tuổi, nhiệt huyết của phong trào từ thiện tại chùa Đoan Khuê. |
Sự ra đời của phong trào từ thiện tại chùa Đoan Khuê
Vào dịp Tết 2010, bà Hoàng Thị Ngọc quét dọn trên chùa thì thấy có quá nhiều việc cần làm mà lại không có người hỗ trợ nên bà gọi cả con cháu lên làm cùng. Rồi sau, con cháu bà Ngọc rủ thêm bạn bè cùng lên làm công quả khiến chùa luôn ấm hơi người.
Năm 2014, sau những năm tháng ấp ủ, một phong trào ra đời đã tập hợp được khoảng 30 bạn trẻ dưới sự chỉ đạo của thầy Ninh. Hội có đầy đủ các thành phần như học sinh phổ thông (THPT Văn Lâm), sinh viên đại học (ĐH Quốc Gia Hà Nội, ĐH Công Nghiệp Hà Nội…) và người đã đi làm trên khắp mọi miền của Tổ quốc. Số thành viên không ngừng tăng lên theo thời gian và cứ dần lan tỏa trên khắp địa bàn.
Những việc làm thiết thực
Cứ dịp cuối tuần, các bạn tụ tập về đây thăm hỏi thầy, sửa soạn chùa và bàn kế hoạch cho những dự định sắp tới của chùa. Đặc biệt vào các ngày lễ lớn như lễ Phật Đản, lễ Vu Lan… những thành viên thường giúp thầy sắp xếp đồ lễ, viết sớ, phác thảo ý tưởng và tổ chức chương trình cho bà con trong làng đến thành tâm nơi cửa Phật.
Khi sắp sửa vào năm học mới, họ thường quyên góp tiền bạc, sách vở, cặp sách, quần áo… để tiếp sức cho trẻ em nghèo đến trường. Ngoài ra, các bạn còn mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em trong làng.
Ngày giáp Tết, họ lại cùng nhau gói bánh chưng, quyên góp gạo nếp, thịt lợn, giò chả, bánh kẹo… rồi đem đi giúp đỡ những mảnh đời nghèo khó trong xã. Có thể kể đến là năm ngoái phong trào còn đến cả với gia đình 5 người điên ở Mỹ Hào, những người không có cơ hội về quê ăn Tết ở gầm cầu Long Biên.
Với những gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, những người khuyết tật thì các bạn luôn đến thăm hỏi, động viên và biếu quà.
Không chỉ vậy, thầy Ninh còn tổ chức những chuyến đi tham quan đến các ngôi chùa khác như chùa Ba Vàng, chùa Côn Sơn… để các bạn có cơ hội học hỏi, vui chơi làm sâu sắc hơn tình đoàn kết ở mỗi thành viên.
Để có thể hoạt động được thì phần lớn chi phí đều do thầy Ninh đầu tư và với uy tín lâu năm của một vị trụ trì, thầy đã đứng lên kêu gọi các cá nhân, tập thể trên địa bàn thôn, xã chung tay góp sức.
|
Các thành viên luôn đoàn kết, gắn bó với nhau. |
Cảm nhận về phong trào
Là người trụ trì chùa Đoan Khê trong những năm qua, thầy Ninh trải lòng: “Thành lập được phong trào không chỉ là tâm huyết của trụ trì mà còn là sự đồng lòng, hợp sức của toàn bộ người dân địa phương”.
Qua trao đổi với thầy Quang - trụ trì chùa Hoằng (xã Lạc Đạo) thì: “Tôi mong muốn chùa Hoằng cũng có thể gây dựng được một hội như thế nhưng xem chừng rất khó. Đó là điều tôi luôn trăn trở với thầy Ninh trong suốt những năm qua”.
Cô nhân viên của ngân hàng Vietinbank - Hoàng Anh (thôn Ngọc) chia sẻ: “Là người may mắn sinh ra trong gia đình đủ đầy em luôn thấy đau xót khi chứng kiến xung quanh ta đầy rẫy những cảnh người nghèo khó, trẻ em mồ côi, cơ nhỡ không có nơi nương tựa. Chính vì điều đó đã thôi thúc em phải làm một cái gì đó cao cả để trợ giúp họ và cũng là phát huy truyền thống “tương thân tương ái” của người Việt Nam ta”.
Minh Thúy (thôn Đậu) đang phục vụ cho hãng hàng không Vietnam Airlines tâm sự: “Trong quá trình đi làm từ thiện em cũng không ít lần nhận được những lời đàm tếu là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” nhưng em vẫn bỏ ngoài tai, em muốn trả lời họ bằng hành động mà chúng em đang làm cho địa phương”.
Khi được hỏi về cảm nghĩ của mình, hội trưởng Lê Ninh Sơn (sinh viên ĐH Quốc Gia Hà Nội) bộc bạch: “Từ khi tham gia phong trào thì có một cái gì đó luôn giục giã em trở về quê hương mỗi dịp cuối tuần. Ở đó, em được giao lưu, học hỏi rất nhiều từ các anh chị, bạn bè và qua những hoạt động ấy giúp em tự tin, trưởng thành hơn rất nhiều”.