Theo đánh giá từ nhiều đại biểu, cơ quan Bộ, ngành, nút thắt của vấn đề nằm ở việc các báo cáo đánh giá tác hại của sản phẩm và tác động xã hội vẫn chưa đủ cơ sở khoa học để thuyết phục.
|
Ông Nguyễn Hồng Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Văn phòng Quốc hội tại một Hội thảo đánh giá về tác hại của thuốc lá điện tử, |
Chưa có đánh giá rõ ràng về tác hại của thuốc lá mới so với thuốc lá điếu
Các báo cáo đánh giá tác động xã hội của TLĐT, TLNN từ nguồn thẩm lậu ngày càng tăng. Phía cơ quan y tế đã ghi nhận đối tượng sử dụng TLĐT ở độ tuổi 13-15 tuổi gia tăng, đặc biệt có tình trạng đưa ma túy, chất hướng thần vào TLĐT.
Trong khi đó, tại tọa đàm về phòng chống buôn lậu thuốc lá ngày 16/10, ông Thân Đức Công - Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết: “Với thuốc lá mới, chưa nói đến những chính sách về thuế bởi chưa có điều chỉnh cụ thể, nhưng chỉ tính riêng hoạt động kiểm tra, kiểm soát, xử lý tang vật, tịch thu, tiêu hủy thì trong 4 năm qua, với hàng trăm vụ và hàng trăm nghìn sản phẩm, chi phí cũng lên tới nhiều tỷ đồng”.
Các tác động của thuốc lá mới lên xã hội đã khiến cơ quan y tế quan ngại, dẫn đến đề xuất cấm chung các mặt hàng này, kể cả TLNN. Trong khi đó, TLNN đã được phần lớn các cơ quan quản lý trong nước nhận diện là thuốc lá, tương thích với Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và kể cả Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã có các văn bản quốc tế định danh cụ thể cho sản phẩm này để khuyến nghị quản lý.
Tại nhiều cuộc họp, nhiều cơ quan đã nhắc lại vai trò của Bộ Y tế trong việc đánh giá khoa học về tác hại của TLNN, TLĐT để từ đó làm cơ sở quyết định chính sách quản lý các mặt hàng này theo hướng cấm hoặc cung cấp hợp pháp như thuốc lá điếu, theo tinh thần chỉ đạo từ Công điện 47 của Thủ tướng.
Trước đó, tại Kỳ họp 7 Quốc hội khóa XV ngày 5/6/2024, đặt sức khỏe của Nhân dân lên hàng đầu khi xây dựng nghị định nhằm quản lý thuốc lá mới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh sẽ chờ Bộ Y tế đánh giá chính thức về tác hại của TLNN, TLĐT. Nếu Bộ Y tế khẳng định sản phẩm thuốc lá mới nào có hại sức khỏe tới mức phải cấm thì cần sớm sửa đổi quy định pháp luật liên quan để cấm lưu hành.
“Tác hại của thuốc lá” nằm ở các chất gây ung thư và các bệnh phổi, tim mạch
Hút thuốc lá đã được các cơ quan y tế toàn cầu xác định là có nguy cơ dẫn tới các bệnh lý như hô hấp, tim mạch, ung thư, thậm chí tử vong. Nguyên nhân sinh bệnh là do các hợp chất tạo ra do quá trình đốt cháy điếu thuốc và hít phải khói thuốc. Đặc biệt chất nhựa thuốc lá (tar) gây ra các tổn thương phổi, khiến cho người hút thuốc luôn trong tình trạng bị đờm, khô cổ, thở khò khè. Một chuyên gia y tế từng khẳng định, nicotine chỉ chiếm 5% mức độ độc hại của việc hút thuốc. Để nicotine gây hại tới mức ngộ độc thì người hút thuốc phải hút cùng lúc 400 điếu thuốc.
Do vậy, theo các chuyên gia y tế, vấn đề đánh giá tác hại của TLĐT, TLNN so với thuốc lá điếu không thể dựa trên tính gây nghiện của nicotine làm chỉ số tham chiếu mà thay vào đó, cần xem xét hàm lượng các chất gây hại sản sinh qua quá trình đốt cháy, đặc biệt là chất tar do đốt cháy. Nghiên cứu từ FDA Hoa Kỳ, tổ chức ISO quốc tế hay công bố về tiêu chuẩn quốc gia của Bộ Khoa học và Công nghệ về TLNN đều xác định không có quá trình đốt cháy trong TLNN nên không tìm thấy tar trong khí hơi (aerosol) của TLNN như trong khói của thuốc lá truyền thống.
Cũng tại tọa đàm ngày 16/10, ông Nguyễn Hồng Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Văn phòng Quốc hội cho biết, trong nước hiện đã có cơ sở khoa học đánh giá về tác hại của TLNN. Theo đó, bên cạnh các tiêu chuẩn quốc gia về TLNN của Bộ Khoa học và Công nghệ từ năm 2020, vừa qua Trường Đại học Y Hà Nội, gồm một nhóm tác giả đã đưa ra kết quả nghiên cứu về TLNN dựa trên nhiều nghiên cứu khác nhau. Ông Ngọc đề xuất sắp tới cần có quy định thực hiện mục tiêu giảm thiểu tác hại của thuốc lá với sức khỏe con người, dựa trên kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội góp ý, số liệu nghiên cứu về tác hại TLNN so với thuốc lá truyền thống mới chỉ là các thông tin được đăng tải trên các mạng xã hội, rất cần được tổ chức nghiên cứu khoa học độc lập đánh giá và phải được các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam kết luận, cho ý kiến. Theo ông Cường, hiện đã có căn cứ khoa học chứng minh rằng TLNN gây tác hại tới sức khỏe người tiêu dùng và người xung quanh ít hơn rất nhiều lần so với thuốc lá truyền thống. Vì vậy, nếu số liệu nghiên cứu đó là đúng thì cấm sử dụng TLNN là bất hợp lý (trong khi vẫn cho sử dụng thuốc lá truyền thống), không bảo vệ được quyền lợi người tiêu dùng và những người xung quanh (tức là người hút thuốc lá thụ động)./.