Việc may cờ không khó nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, nhiều công đoạn. Hoàn thành một cái cờ đạt tiêu chuẩn phải qua 10 công đoạn.
|
Những lá cờ Tổ quốc do người Từ Vân làm nổi tiếng về độ sắc sảo, đẹp mắt. |
Cách Thủ đô Hà Nội khoảng 30 km, ngoài vẻ đẹp mộc mạc, bình dị như bao làng quê khác của Bắc Bộ, thôn Từ Vân (xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội) còn nổi tiếng khắp cả nước với nghề may, thêu, dệt truyền thống.
Đặc biệt, với bàn tay khéo léo, những người thợ may thôn Từ Vân đã ‘thổi hồn” vào những lá cờ Tổ quốc - biểu tượng thiêng liêng, niềm tự hào của triệu triệu người con đất Việt.
Theo các cụ cao niên trong làng, nghề thêu, dệt đã có ở Từ Vân từ thế kỷ 16. Thời đó, không ít người làng Từ Vân lên Hà Nội mở cửa hàng bán các sản phẩm thêu truyền thống.
Để chuẩn bị cho ngày khởi nghĩa tháng 8/1945, các nghệ nhân đã được Ủy ban kháng chiến mời thêu, làm cờ Tổ quốc chuẩn bị cho khởi nghĩa.
Sau này, những người thợ, nghệ nhân ấy được tuyển vào Hợp tác xã Cờ Đỏ trên phố Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) để may cờ Tổ quốc. Khi đó, máy móc và công nghệ chưa phổ biến nên việc thêu cờ hoàn toàn làm thủ công.
Hiện nay, trong làng Từ Vân thường xuyên có khoảng mười hộ dân theo nghề may cờ, còn lại làm theo thời vụ. Tất cả các công đoạn làm cờ thủ công ngày xưa đã thay đổi so với hiện tại. Máy móc công nghiệp ra đời khiến việc hoàn thiện một lá cờ nhanh hơn trước rất nhiều.
Tuy nhiên, nghề may cờ Tổ quốc có nhiều điểm khác biệt với các nghề may thêu khác từ khâu chọn vải, thêu, in, pha màu... để làm sao cờ may xong đạt tiêu chuẩn và phải sắc nét, bền đẹp. Mỗi công đoạn đòi hỏi người làm cờ phải khéo léo, tỷ mỷ trong từng đường kim, mũi chỉ.
Theo anh Nguyễn Văn Phục, một thợ may cờ lâu năm, việc may cờ không khó nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, nhiều công đoạn. Hoàn thành một cái cờ đạt tiêu chuẩn phải qua 10 công đoạn. Từ cắt ngôi sao, chỉ may, logo, huy hiệu trên mỗi lá cờ đều không được phép lệch. Chỉ cần một đường cắt lệch, lá cờ phải loại bỏ.
Chị Nguyễn Thị Liên, một thợ may cờ trong thôn chia sẻ, mỗi lá cờ dù to hay nhỏ đều phải được làm với tỷ lệ kích cỡ chuẩn, chiều dọc bằng 2/3 chiều ngang. Một trong những khâu đầu tiên và quan trọng nhất của việc may cờ là khâu chọn vải. Vải phải tốt mới có thể may đẹp từng đường kim, mũi chỉ.
“Loại vải may được gọi là vải sa, mua về từ La Cà, phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội. Những phần khác như tua rua, chỉ được mua từ làng Triều Khúc hoặc chợ Đồng Xuân”, chị Liên nói.
|
May cờ là công việc đơn giản nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ. |
Cũng theo chị Liên, công đoạn đầu tiên để làm một lá cờ là pha vải. Đây là công việc đơn giản, nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, chỉ cần cắt lệch một chút là tấm vải may cờ sẽ không vuông vức và phải bỏ đi. Để có được ngôi sao vàng đúng tâm của lá cờ, người thợ phải đo đạc kĩ lưỡng trước khi cài kim cố định ngôi sao lên nền cờ đỏ.
Dù không còn nhiều hộ duy trì nghề may cờ Tổ quốc ở làng Từ Vân, song việc gìn giữ và phát triển làng nghề không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho các hộ mà còn thể hiện lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc.
Vào những dịp lễ, Tết, những ngày các hộ gia đình trong thôn xuất ra thị trường hàng trăm nghìn lá cờ Tổ quốc với đủ mọi kích thước. Đặc biệt, trong những ngày cuối năm vừa qua, công nhân tại các cơ sở may cờ ở đây phải làm việc tăng ca đến 23h mỗi ngày để phục vụ nhu cầu của người hâm mộ bóng đá trước trận chung kết AFF Suzuki Cup giữa đội tuyển Việt Nam và Malaysia, với lượng tiêu thụ hàng trăm nghìn lá cờ mỗi ngày.
Ngoài những đơn đặt hàng may cờ đỏ sao vàng truyền thống, các cơ sở may còn nhận làm thêm băng-rôn cổ vũ. Những tấm băng-rôn “Việt Nam vô địch” được làm dựa trên hai màu sắc thiêng liêng của lá cờ Tổ quốc, nền đỏ, chữ vàng.
Anh Nguyễn Văn Phục cho biết, xưởng sản xuất của gia đình anh thường có từ 15 đến 20 lao động làm việc, trung bình mỗi ngày may vài trăm lá cờ với đủ mọi kích cỡ khác nhau. Xưởng may nhà anh cũng thường xuyên nhận được đơn đặt hàng của các cơ quan nhà nước như làm lá cờ 54m2 treo ở cột cờ Lũng Cú, tỉnh Hà Giang.
|
Ngoài cờ người Từ Vân còn sản xuất ruy băng cổ vũ bóng đá, các loại cờ thi đua, cờ thưởng… phục vụ nhiều sự kiện. |
Theo lãnh đạo thôn Từ Vân, việc gìn giữ và phát triển làng nghề không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho các hộ mà còn thể hiện lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc của nhân dân làng Từ Vân. Để giữ được nghề truyền thống, hàng năm thành phố, huyện đều chỉ đạo mở lớp nhân cấy tay nghề cho lớp trẻ.
Với mỗi người dân Việt Nam dù ở bất cứ đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, lá cờ đỏ sao vàng năm cánh luôn chứa đựng khát vọng độc lập, tự do của toàn dân tộc. Lá cờ mang hồn nước, là đại diện cho niềm tự hào Việt Nam, khơi dậy hai tiếng quê hương trong mỗi người con đất Việt.
Để mỗi khi nhìn lá cờ tung bay trong gió, chứng kiến quốc kỳ được kéo lên và vang lên giọng hùng ca “Đoàn quân Việt Nam đi…”, trong lòng mỗi người con đất Việt đều rưng rưng thầm nhắc “tự hào con cháu Rồng Tiên”, là người Việt “máu đỏ, da vàng”.
Hơn ai hết, đem lại những cảm giác thật sự rung động ấy cho tất cả con dân nước Việt và cho cả chính bản thân mình, những người thợ may của Từ Vân cũng chính là những người nghệ sĩ đã “thổi hồn” vào từng đường kim, mũi chỉ làm nên lá cờ đầy quốc hồn Việt Nam./.