Khi quyền lợi của người đi bộ đã được tôn trọng, công bằng, mà ý thức chấp hành luật lệ giao thông vẫn bị xem nhẹ, thì lúc đó hãy mạnh tay, Luật sư Huỳnh Mỹ Long nhận định.
Sau một tháng thực hiện kế hoạch kiểm tra, xử phạt đối với người đi bộ vi phạm giao thông, tính đến ngày 24/2, Công an TP Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 542 trường hợp người đi bộ vi phạm với tổng số tiền phạt lên đến gần 40 triệu đồng.
Sau thời gian thực hiện kế hoạch này, tình hình vi phạm giao thông của người đi bộ đã có những chuyển biến tích cực, ý thức tham gia giao thông đã được nâng lên, tình trạng người đi bộ trèo qua dải phân cách, sang đường tùy tiện đã có dấu hiệu giảm rõ rệt...
|
Sau một tháng, Công an TP Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 542 trường hợp người đi bộ vi phạm giao thông. |
Hầu hết các trường hợp vi phạm sau khi bị lực lượng CSGT kiểm tra, xử lý, nhắc nhở đều nhận ra khuyết điểm và đồng tình ủng hộ. Có thể nói, kế hoạch này đã đạt được sự thành công đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, mới đây, khi trả lời báo chí về điều này, Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng Phòng CSGT CATP Hà Nội cũng chia sẻ thêm rằng, nhiều tuyến phố tại Thủ đô vẫn đang bị lấn chiếm làm địa điểm kinh doanh, trông giữ xe… gây chở ngại cho người đi bộ và đó cũng là một khó khăn đối với lực lượng CSGT trong việc thực hiện nhiệm vụ xử phạt người đi bộ.
Liên quan đến vấn đề này, nhiều người dân cũng đang băn khoăn rằng, người đi bộ khi vi phạm giao thông thì bị xử lý theo quy định của pháp luật, vậy còn việc lấn chiếm nơi lưu thông của người đi bộ để làm địa điểm kinh doanh thì liệu có bị xử lý không và nếu có thì xử lý như thế nào?
Phóng viên Pháp luật Plus đã có cuộc trao đổi với luật sư Huỳnh Mỹ Long - Đoàn luật sư TP Hà Nội về vấn đề này.
Luật sư Huỳnh Mỹ Long nhận định, nhiều người nghĩ một cách đơn giản rằng Luật giao thông đường bộ chỉ áp dụng cho những ai đang điều khiển các loại xe trên đường, còn người đi bộ thì cứ đi lại tự do thoải mái mà không có quy định pháp luật nào điều chỉnh.
|
Luật sư Huỳnh Mỹ Long. |
"Tuy nhiên, trong Luật giao thông đường bộ có quy định chung về trách nhiệm của người đi bộ trong khi đi lại, tham gia giao thông, thậm chí, người không tham gia giao thông nhưng có hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè gây ảnh hưởng đến trật tự giao thông cũng bị xử lý theo quy định của pháp luật", Luật sư Long cho biết.
Về mặt trách nhiệm pháp lý, luật sư Long bày tỏ quan điểm, việc bày bán hàng hóa, kinh doanh gây trở ngại cho người đi bộ rõ ràng là hành vi vi phạm Luật giao thông đường bộ và sẽ bị xử lý.
Luật sư Huỳnh Mỹ Long viện dẫn: "Căn cứ theo quy định tại Điều 12 Nghị định 171/2013/NĐ-CP về việc Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ.
1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng, trừ các hành vi vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 3, Điểm e Khoản 4 Điều này.
2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với cá nhân, từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi: Sử dụng, khai thác tạm thời trên đất hành lang an toàn đường bộ vào mục đích canh tác nông nghiệp làm ảnh hưởng đến an toàn công trình và an toàn giao thông; Trồng cây trong phạm vi đất dành cho đường bộ làm che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện giao thông; Chiếm dụng dải phân cách giữa của đường đôi làm nơi: Để xe; trông, giữ xe; bày, bán hàng hóa; để vật liệu xây dựng, trừ các hành vi vi phạm quy định tại Điểm a, Điểm d Khoản 4 Điều này.
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi: Chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố dưới 05 m2 làm nơi trông, giữ xe...
4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi: Sử dụng trái phép đất của đường bộ hoặc hành lang an toàn đường bộ làm nơi tập kết hoặc trung chuyển hàng hóa, vật tư, vật liệu xây dựng, máy móc, thiết bị, các loại vật dụng khác; Chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố từ 05 m2 đến dưới 10 m2 làm nơi trông, giữ xe...
5. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi vi phạm: Chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố từ 10 m2 đến dưới 20 m2 làm nơi trông, giữ xe...
6. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi: Chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố từ 20 m2 trở lên làm nơi trông, giữ xe; Dựng biển quảng cáo trên đất hành lang an toàn đường bộ không được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản...
7. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức xây dựng công trình kiên cố khác trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ."
Vậy đơn vị nào sẽ trực tiếp xử lý người lấn chiếm nơi dành cho người đi bộ? Luật sư Huỳnh Mỹ Long cho rằng, thẩm quyền và trách nhiệm xử lý hành vi của người lấn chiếm nơi dành cho người đi bộ là thuộc về UBND phường.
Mặc dù đã được triển khai kế hoạch xử lý người lấn chiếm lòng đường, vỉa hè từ nhiều năm nay, nhưng thực tế nơi dành cho người đi bộ đang bị buông lỏng quản lý, bị chiếm dụng vô tội vạ. Không ít tuyến phố, phần đường dành cho người đi bộ đã bị thương mại hóa, trở thành tổ hợp kinh doanh ẩm thực, buôn bán, trông giữ phương tiện, gây mất mỹ quan đô thị, cản trở giao thông.
Luật sư Long cũng cho rằng, cơ quan chức năng của TP Hà Nội trước hết cần tạo mọi điều kiện, bảo vệ quyền lợi của người đi bộ. Khi quyền lợi của người đi bộ đã được tôn trọng, công bằng, mà ý thức chấp hành luật lệ giao thông vẫn bị xem nhẹ, thì lúc đó hãy mạnh tay.