Sáng nay (15/8), sau phiên khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Tờ trình Luật Cảnh vệ.
Trình bày Tờ trình Luật Cảnh vệ trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, qua 10 năm triển khai thi hành, Pháp lệnh Cảnh vệ đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần phải được hoàn thiện như: Chưa quy định rõ về trách nhiệm phối hợp thực hiện công tác cảnh vệ giữa Bộ Công an với các Bộ, ngành liên quan, giữa lực lượng Cảnh vệ với các cơ quan của Việt Nam trên lãnh thổ nước ngoài. Hiện nay, việc thực hiện phối hợp này chủ yếu áp dụng theo quy chế phối hợp nên việc tổ chức phương án cảnh vệ còn bị động, lúng túng.
Các quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và công dân đối với công tác cảnh vệ còn chung chung, khó thực hiện; chưa quy định cụ thể về chế độ, chính sách của Nhà nước đối với cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, cá nhân bị thương tích, tổn hại về sức khỏe hoặc bị thiệt hại về tính mạng, tài sản trong khi tham gia phối hợp thực hiện công tác cảnh vệ.
Hơn nữa, Pháp lệnh Cảnh vệ chỉ quy định về cơ cấu tổ chức của lực lượng Cảnh vệ ở Trung ương mà chưa quy định về lực lượng Cảnh vệ ở địa phương.
Tuy nhiên, thực tiễn tổ chức thực hiện nhiệm vụ cảnh vệ trong những năm qua vẫn cần phải huy động một bộ phận cán bộ, chiến sỹ Công an ở các địa phương tham gia công tác cảnh vệ nhưng do Pháp lệnh chưa quy định về lực lượng này nên việc triển khai công tác cảnh vệ ở địa phương gặp nhiều khó khăn…. Từ những lý do nêu trên, việc nghiên cứu xây dựng Luật Cảnh vệ là cần thiết.
|
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày tờ trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Tuấn Minh) |
Theo lãnh đạo Bộ Công an, dự thảo Luật Cảnh vệ gồm 5 chương, 29 điều.
Về đối tượng cảnh vệ, dự thảo Luật bổ sung đối tượng cảnh vệ là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao để phù hợp với tình hình hiện nay về công tác cảnh vệ vì Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao là những người đứng đầu các cơ quan xét xử, kiểm sát hoạt động tố tụng và ngoại giao, với đặc thù công việc luôn tiềm ẩn nguy hiểm và rủi ro cao.
Trong xu hướng đẩy mạnh cải cách tư pháp, tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm và mở rộng hợp tác quốc tế thì tính chất công việc của họ ngày càng phức tạp, nảy sinh nhiều tình huống bất trắc, khó lường đe dọa tính mạng, sức khỏe của những người này. Vì vậy, cần phải áp dụng chế độ bảo vệ đặc biệt nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn cho họ.
Về biện pháp cảnh vệ, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, pháp luật hiện hành quy định đối với các đồng chí là nguyên Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Thủ tướng Chính phủ, nguyên Chủ tịch Quốc hội được áp dụng biện pháp bảo vệ tiếp cận, bố trí lực lượng Cảnh vệ vũ trang tuần tra canh gác tại nơi ở và các biện pháp khác trong trường hợp cần thiết.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khi không còn đương chức, nơi ở của các đồng chí nêu trên thường không cố định, có đồng chí ở cùng con cháu hoặc về quê sinh sống nên rất khó áp dụng biện pháp vũ trang tuần tra canh gác tại nơi ở.
Mặt khác, qua tham khảo pháp luật cảnh vệ của một số nước trên thế giới như Nga, Hàn Quốc thì cũng không áp dụng biện pháp vũ trang tuần tra canh gác tại nơi ở trong trường hợp nêu trên.
Vì vậy, dự thảo Luật chỉ quy định các đồng chí này được áp dụng biện pháp bảo vệ tiếp cận và các biện pháp khác trong trường hợp cần thiết mà không quy định việc áp dụng biện pháp vũ trang tuần tra canh gác tại nơi ở đối với những đồng chí này.
Về quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, dự thảo Luật quy định rõ quyền hạn của Tư lệnh Cảnh vệ, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Cục trưởng Cục bảo vệ An ninh quân đội và quyền hạn của cán bộ, chiến sỹ Cảnh vệ để tránh lạm quyền trong quá trình thực thi nhiệm vụ; đồng thời, bổ sung một số quyền hạn mới cho sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sĩ cảnh vệ để đáp ứng yêu cầu công tác cảnh vệ trong tình hình hiện nay, như quy định được sử dụng Giấy bảo vệ đặc biệt, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, tín hiệu của xe ưu tiên để thực hiện công tác cảnh vệ; được mang theo vũ khí, công cụ hỗ trợ vào cảng hàng không, lên tàu bay để thực hiện công tác cảnh vệ.
Về các trường hợp được nổ súng trong khi thi hành nhiệm vụ, người đứng đầu ngành Công an cho biết: Pháp luật hiện hành quy định các trường hợp được nổ súng trong khi thi hành nhiệm vụ của lực lượng Cảnh vệ tại Nghị định số 128/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27 tháng 10 năm 2006 hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Cảnh vệ thì nay các trường hợp nổ súng được quy định ngay trong dự thảo Luật vì việc nổ súng của lực lượng Cảnh vệ liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân nên theo quy định của Hiến pháp năm 2013 phải quy định trong Luật.