Lễ hội Katê của đồng bào người Chăm. (Ảnh: UBDT) |
Chiêm ngưỡng trang phục của hoàng tộc Chăm
Mới đây, ngày 16/7/2024 trong khuôn khổ dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, Bảo tàng tỉnh Bình Thuận đã ra mắt mô hình Kho mở bộ sưu tập di sản văn hóa Hoàng tộc Chăm huyện Bắc Bình kết nối với hành trình du lịch di sản văn hóa Chăm tại địa phương.
Kho mở bộ sưu tập di sản văn hóa Hoàng tộc Chăm tọa lạc cách quốc lộ 1A khoảng 30m về hướng Bắc thuộc thôn Tịnh Mỹ, xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình.
Đây là bộ sưu tập duy nhất còn lại khá đầy đủ của vương triều Champa được lưu giữ hơn 400 năm qua bởi gia tộc hậu duệ Vua Pô Klong Mơhnai.
100 hiện vật nguyên gốc được trưng bày mang đậm giá trị lịch sử văn hóa của dân tộc Chăm.
Trong đó, giá trị nhất là bộ vương miện của Vua Pô Klong Mơh Nai vào đầu thế kỷ XVII và búi tóc của Hoàng hậu Pô Bia Som bằng chất liệu vàng với đường nét chạm khắc hoa văn rất tinh xảo, độc đáo, cùng với bộ trang phục của nhà vua, hoàng hậu, hoàng tử và công chúa, chiếc áo bào Vua Pô Klong Mơh Nai thường mặc lúc ngự triều.
Được biết, trước năm 1975, bộ sưu tập di sản văn hóa Hoàng tộc Chăm được cất giữ kín trong kho vì những lý do tâm linh, tín ngưỡng và phần quan trọng khác là an ninh, an toàn cho di sản và người bảo vệ di sản.
Cho đến những năm 1991-1992, việc khảo sát, nghiên cứu và lập Hồ sơ khoa học đền thờ Vua Pô Klong Mơh Nai và bộ sưu tập mới từng bước được tiến hành và hoàn thành trình Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng tại Quyết định số 43/VH/QĐ ngày 7/1/1993.
Sau khi được xếp hạng, nhận thức được việc phải bảo vệ lâu dài bộ sưu tập duy nhất của tổ tiên còn lại nên gia đình hậu duệ hoàng tộc Chăm là bà Nguyễn Thị Thềm (1911 - 1995) đã đồng ý từng bước để Bảo tàng Bình Thuận thiết kế, trưng bày bộ sưu tập dưới dạng kho mở.
Tuy nhiên, do ngôi nhà của bà Thềm ở thôn Tịnh Mỹ, xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình, Bình Thuận được xây dựng những năm đầu của thập niên 1960, không gian khá chật hẹp, tầng dưới để ở, tầng trên chia thành 2 phòng để trưng bày nên gia đình chỉ mở cửa phục vụ cho các đoàn nghiên cứu, đoàn chính khách là chính, chưa phục vụ rộng rãi cho du khách tham quan chiêm ngưỡng các hiện vật gốc.
Bộ vương miện của Vua Pô Klong Mơh Nai vào đầu thế kỷ XVII và búi tóc của Hoàng hậu Pô Bia Som bằng chất liệu vàng. (Ảnh: Báo VH) |
Thực hiện dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, từ năm 2023 - 2024, Bảo tàng tỉnh Bình Thuận được giao triển khai thực hiện “Xây dựng mô hình kho mở bộ sưu tập di sản hoàng tộc Chăm huyện Bắc Bình kết nối gắn với các hành trình du lịch di sản văn hóa Chăm tại địa phương”.
Để phục vụ khách tham quan, Kho mở bộ sưu tập di sản hoàng tộc Chăm được bố trí, trưng bày thành 2 không gian.
Một không gian trưng bày hiện vật quý có giá trị về nghệ thuật tôn giáo và kinh tế lớn.
Không gian khác trưng bày một số trang phục của vua chúa Chăm có niên đại từ thế kỷ XVII và các sắc phong của vua triều Nguyễn, văn tự bằng chữ Hán, chữ Chăm.
Gắn với bộ sưu tập di sản văn hóa hoàng tộc Chăm còn có di tích đền thờ Pô Klong Mơh Nai tọa lạc cách quốc lộ 1A khoảng 200m về hướng Đông thuộc khu phố Lương Đông, thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử và nghệ thuật quốc gia năm 1993.
Để người dân tự hào với chính di sản văn hóa của mình
Theo các nhà nghiên cứu, đồng bào dân tộc Chăm có nguồn gốc ở Nam Trung Bộ nước ta, do những biến động của lịch sử nên di cư đến nhiều nơi.
Hiện nay, dân tộc Chăm sinh sống tại các tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ, trong đó tập trung nhiều ở các tỉnh: Ninh Thuận, Bình Thuận, An Giang... Văn hóa Chăm là một nền văn hóa đặc sắc, rất nổi tiếng trong khu vực Đông Nam Á.
Dấu ấn văn hóa Chăm thể hiện rõ nét trong kiến trúc, điêu khắc ở các đền tháp, phù điêu, tượng thờ, phong tục tập quán, lễ hội, tín ngưỡng, tôn giáo, tiếng nói, chữ viết, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, vải thêu, hoa văn, gốm…
Cho đến nay, dù trải qua bao đổi thay, biến cố, đồng bào Chăm vẫn giữ được giá trị văn hóa ông cha để lại. Trong công tác bảo tồn di sản văn hóa Chăm, tại Quảng Nam Viện Bảo tàng Mỹ thuật Điêu khắc Chăm và Khu di tích Mỹ Sơn là hai địa chỉ bảo tồn rõ nét nhất về sự tài tình trong nghệ thuật điêu khắc của người Chăm.
Nét đặc sắc trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc Chăm là lễ hội, điển hình là Lễ hội Katê mang ý nghĩa tưởng nhớ tổ tiên, ông bà, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu; cầu mong cho sự hòa hợp lứa đôi, sự sinh sôi nảy nở của con người và vạn vật. Năm 2017, đồng bào Chăm Ninh Thuận đón nhận bằng chứng nhận Lễ hội Katê được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Hè năm 2024, tỉnh Bình Định - với đặc điểm vùng đất kinh đô của vương quốc Champa với hệ thống di tích tháp Chăm dày đặc, chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật kiến trúc độc đáo - đã kết nối chương trình giao lưu văn hóa Chăm giữa các nghệ nhân tỉnh Bình Định và tỉnh Ninh Thuận, phối hợp với Đoàn văn hóa dân gian Chăm Ninh Thuận tổ chức biểu diễn phục vụ khách tham quan tại di tích quốc gia Tháp Đôi và Tháp Bánh Ít.
Du khách khi đến Bình Định du lịch sẽ được nghe, xem điệu múa, âm thanh nhạc cụ ngân vang bên tháp cổ nghìn tuổi...
Du khách chụp ảnh lưu niệm với những cô gái Chăm bên tháp cổ ở Bình Định. (Ảnh: Phan Hiếu) |
Dù được đánh giá cao trong việc bảo lưu được nhiều giá trị văn hóa truyền thống, nhưng văn hóa của đồng bào dân tộc Chăm vẫn đứng trước nhiều nguy cơ mai một.
Năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 06/2004/CT-TTg về tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự đối với vùng đồng bào Chăm trong tình hình mới.
Sau 20 năm thực hiện Chỉ thị, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc Chăm đã có bước phát triển rõ rệt.
Cùng với đó, việc nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cũng được quan tâm, những nét văn hoá đặc sắc tiếp tục được bảo tồn gắn với phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Chăm, theo các nhà nghiên cứu, cùng với việc nâng cao chất lượng của các thiết chế văn hóa, các cấp chính quyền cần phát huy hết vai trò của các thiết chế văn hóa - tôn giáo truyền thống của đồng bào dân tộc Chăm trong việc nâng cao đời sống văn hóa cộng đồng; nâng cao hiệu quả hoạt động văn hóa cơ sở.
Đơn cử như người Chăm Nam Bộ sinh sống tại TP HCM còn lưu giữ khá đậm nét đẹp lễ cưới truyền thống của mình.
Trong quá trình phát triển và hội nhập, lễ cưới của Chăm Nam Bộ đã nhiều thay đổi, vì thế việc trình diễn lễ cưới cổ của người Chăm Nam Bộ đã và đang được xúc tiến để phục hồi, bảo tồn tính văn hóa cổ truyền dân tộc.
Người Chăm tại Ninh Thuận có nhiều làng nghề hoạt động rất nổi tiếng, đó là dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, làm gốm Bàu Trúc, nghệ thuật truyền thống… Thời gian qua, cộng đồng Chăm nơi đây cố gắng gìn giữ sự tinh túy của cha ông để lại với nghề làm gốm, tạo nên sản phẩm gốm độc đáo, giúp cộng đồng hiểu thêm về làng nghề truyền thống của quê hương mình...
Vì thế có thể nói, bên cạnh việc nâng cao chất lượng của các thiết chế văn hóa, thì để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Chăm cũng cần thiết nâng cao nhận thức của cộng đồng dân tộc Chăm, để người dân tự hào với chính di sản của họ và từ đó biết cách giữ gìn.
Tags: