Những thông tin quốc tế quan trọng diễn ra trong tuần sẽ được chúng tôi gửi đến quý vị và các bạn trong bản tin sau đây.
Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết về Jerusalem
Trước đó, nghị quyết này đã được đưa ra bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an, nhưng không được thông qua, do vấp phải sự phản đối của Mỹ, một trong 5 Ủy viên thường trực có quyền phủ quyết.
Với 128 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 35 phiếu trắng, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua Nghị quyết do Ai Cập soạn thảo kêu gọi Mỹ rút lại quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Nghị quyết cũng yêu cầu các nước không thiết lập phái đoàn ngoại giao tại thành phố này. Mỹ và Israel là hai trong 9 nước phản đối.
Phát biểu tại phiên họp, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley nhấn mạnh Mỹ là nước đóng góp tài chính nhiều nhất cho Liên Hợp Quốc nhưng lại đang bị chính tổ chức này cô lập. Bà Haley cũng chỉ trích các nước đã nhận viện trợ của Mỹ nhưng lại bỏ phiếu chống lại Washington. Trong khi đó, nhiều nước phản đối Mỹ sử dụng viện trợ để gây sức ép, đồng thời khẳng định sẽ không đánh đổi danh dự quốc gia để nhận tiền viện trợ của Mỹ.
Phiên bỏ phiếu đối với Nghị quyết về Jerusalem được triệu tập theo đề nghị của các nước Arab và Hồi giáo sau khi một nghị quyết tương tự đã không được Hội đồng Bảo an thông qua do Mỹ sử dụng quyền phủ quyết. Nghị quyết của Đại hội đồng không có tính ràng buộc pháp lý nhưng có sức nặng chính trị nhất định.
Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chiến lược an ninh quốc gia
Trong bài phát biểu công bố chiến lược an ninh quốc gia mới, Tổng thống Donald Trump đã chỉ ra 4 trụ cột cũng là 4 lợi ích quốc gia sống còn của nước Mỹ hiện nay. Đó là bảo vệ người dân, tổ quốc, lối sống Mỹ; thúc đẩy sự thịnh vượng của Mỹ; giữ gìn hòa bình thông qua sức mạnh; và thúc đẩy ảnh hưởng của Mỹ.
Bản chiến lược an ninh quốc gia xác định 3 mối đe dọa và thách thức đối với nước Mỹ.
Nhóm đe dọa đầu tiên bao gồm các quốc gia như Nga và Trung Quốc, mà bản chiến lược gọi là các "cường quốc xét lại". "Họ (Nga và Trung Quốc) tìm cách làm cho nền kinh tế ít tự do, ít công bằng hơn để phát triển quân đội, và để kiểm soát thông tin, dữ liệu để chi phối xã hội và mở rộng tầm ảnh hưởng", ông Trump cho biết.
Tài liệu trích dẫn cũng cho biết, sự cạnh tranh với Nga và Trung Quốc buộc Mỹ phải cân nhắc lại các chính sách tương tác, trong đó bao gồm chính sách tương tác trong các tổ chức quốc tế.
Nhóm thứ hai là "các chế độ bất hảo", như Triều Tiên và Iran, hai nước đang theo đuổi vũ khí hủy diệt hàng loạt, đồng thời trợ giúp khủng bố và các hoạt động gây bất ổn khác. Thứ ba là các nhóm khủng bố xuyên quốc gia, các tổ chức tội phạm.
Trong khi đó, chiến lược an ninh mới không coi biến đổi khí hậu là mối đe dọa an ninh như đề cập trong chiến lược của chính quyền tiền nhiệm. Nhưng việc xây dựng quan hệ thương mại công bằng, có đi có lại được xác định là một mục tiêu quan trọng.
Chiến lược an ninh quốc gia mới đã làm rõ hơn phương châm "Nước Mỹ trên hết" mà ông Donald Trump đã và đang theo đuổi. Các mối đe dọa và mục tiêu của chiến lược an ninh quốc gia đã được chỉ ra. Tuy nhiên, nước Mỹ sẽ thực hiện mục tiêu cụ thể đó như thế nào, theo giới phân tích vẫn còn là một dấu hỏi.
Liên Hợp Quốc áp trừng phạt khắc nghiệt với Triều Tiên
Lên án vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên ngày 29/11, 15 thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã nhất trí thông qua nghị quyết trừng phạt mới đối với Triều Tiên, bao gồm hạn chế nhập khẩu dầu thô và dầu tinh chế, cũng như chặn đứng nguồn thu ngân sách nghi được dùng cho chương trình phát triển vũ khí của nước này.
Theo Reuters, nghị quyết trừng phạt mới do Mỹ soạn thảo đã cấm gần 90% hoạt động xuất khẩu sản phẩm xăng tinh chế cho Triều Tiên và áp đặt mức mức trần chỉ còn 500.000 thùng/năm. Ngoài ra, nghị quyết cũng đặt ra mức trần 4 triệu thùng/năm đối với các sản phẩm dầu thô cung ứng cho Triều Tiên. Hội đồng Bảo an cũng cảnh báo sẽ tiếp tục giảm các định mức này nếu Bình Nhưỡng tiến hành thêm các vụ thử hạt nhân và tên lửa trong tương lai.
Nghị quyết trừng phạt mới cũng yêu cầu các nước thành viên Liên Hợp Quốc trục xuất các lao động Triều Tiên ở nước ngoài trong 24 tháng, thay vì 12 tháng như dự thảo nghị quyết ban đầu. Thu nhập của các lao động này từng bị nghi ngờ góp phần vào việc nuôi chương trình phát triển vũ khí của chính quyền Triều Tiên.
Bão lớn đổ bộ Philippines, hơn 180 người thiệt mạng
Theo thống kê của cảnh sát Philippines, ngoài các trường hợp thiệt mạng, 64 người khác cũng bị phát hiện mất tích do lũ lụt và sạt lở đất sau khi bão Tembin đổ bộ vào các tỉnh ở Philippines.
Bão cũng đã khiến hơn 6.000 hành khách bị mắc kẹt tại nhiều cảng trên khắp Philippines. Ít nhất 21 chuyến bay tại sân bay quốc tế ở Thủ đô Manila cũng đã phải hủy bỏ.
Cơ quan khí tượng Philippines cho biết bão Tembin bắt đầu mạnh dần lên khi vượt qua biển Sulu, sau đó sức gió giật tới 80 km/giờ và di chuyển về phía tây với vận tốc 20 km/giờ. Cơn bão này dự kiến sẽ ra khỏi lãnh thổ Philippines vào thứ hai 25/12.
Theo thống kê, mỗi năm, Philippines thường hứng chịu khoảng 20 trận bão, gây tổn thất lớn về người và tài sản.
Cháy trung tâm thể hình ở Hàn Quốc, 29 người thiệt mạng
Ít nhất 29 người chết và 26 người bị thương trong vụ cháy xảy ra hôm 21/12 tại một trung tâm thể hình tại thành phố Jecheon (Chê Chơn), miền nam Hàn Quốc.
Vụ hỏa hoạn được cho là bắt nguồn từ một chiếc xe trong bãi đỗ xe ở tầng hầm của tòa nhà cao 8 tầng gồm một trung tâm thể hình, một phòng xông hơi và một số nhà hàng. Các nạn nhân thiệt mạng chủ yếu là khách đang ở trong phòng xông hơi tại tầng 2 và tầng 3.
Chính quyền thành phố Jecheon đã phải triển khai 20 xe cứu hỏa và 50 lính cứu hỏa để kiểm soát ngọn lửa. Một số nhân chứng cho biết có thể thấy cột khói từ khoảng cách 160 km. Tòa nhà đã bị phá hủy hoàn toàn sau vụ cháy, các phương tiện dưới tầng hầm cũng bị thiêu rụi.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã chia buồn cùng gia đình các nạn nhân của vụ hỏa hoạn, đồng thời chỉ thị cho các lực lượng chức năng nỗ lực hết sức nhằm giảm thiểu thiệt hại về người do vụ hỏa hoạn gây ra.