Xu hướng việc làm đối với ngành cảng, logistics, hàng hải

Ngày 21/11, Tập đoàn STC đã tố chức hội thảo “Các xu hướng tiên tiến trong đào tạo nguồn nhân lực ngành cảng, hàng hải và an toàn an ninh hảng hải”.


IMG_6654

Trong chiến lược phát triển kinh tế Biển bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu phát triển của Việt Nam sẽ trở thành quốc gia biển mạnh.

Để làm được vậy, song song với việc phát triển hạ tầng cảng biển, vận tải biển và logistics thì nguồn nhân lực cũng phải được phát triển đầy đủ về số lượng và chất lượng nhằm góp phần nâng cao sức cạnh tranh của kinh tế Việt Nam.

Với mong muốn cung cấp các chương trình đào tạo tiên tiến và ưu việt, Tập đoàn STC và Hội An Toàn giao thông Việt Nam tổ chức chương trình hội thảo “Các xu hướng tiên tiến trong đào tạo nguồn nhân lực ngành cảng, hàng hải và an toàn an ninh hảng hải”.

Hội thảo đã trình bày bốn chuyên đề: Chuyên đề 1 - Các xu hướng phát triển về cảng và logistics toàn cầu; Chuyên đề 2 – Cuộc cách mạng trong giáo dục nhân lực hàng hải; Chuyên đề 3 – Hiện trạng và giải pháp cho công tác phát triển nguồn nhân lực trong ngành logistics tại Việt Nam, Chuyên đề 4 – Công tác an toàn an ninh hàng hải.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã giới thiệu, chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm về phương pháp đào tạo nguồn nhân lực ngành cảng, hàng hải và logistics trên thế giới và Việt Nam.

Ông Trương Tấn Lộc, Giám đốc Công ty Tân cảng - STC cho rằng, hiện gần 90% vị trí công việc là nhân viên giao nhận tổng hợp, vận tải, kinh doanh. Tuy vậy, xu hướng hiện nay và trong tương lai không xa, vị trí việc làm hấp dẫn nhất là nhân viên marketing trực tuyến, nhân viên kinh doanh. Công việc khai báo hải quan thủ công có khả năng biến mất. Nhu cầu về nhân viên quản lý, vận hành nhà kho, quản lý tồn kho hoặc một số vị trí việc làm thủ công cũng có thể giảm...

Cùng đó, việc tuyển dụng sẽ chú trọng kỹ năng làm việc, khả năng ngoại ngữ, sử dụng công nghệ thực tế hơn là bằng cấp. Dự kiến đến năm 2030, ngành logistics cần khoảng 30.000 người, trong đó khu vực phía Nam chiếm hơn một nửa nhu cầu.

Ảnh minh họa. Nguồn: Vietship

Ảnh minh họa. Nguồn: Vietship

Còn theo đại diện Cục Hàng hải Việt Nam, hiện nước ta đã ký hiệp định vận tải với 28 quốc gia, trong đó, có Nhật, Pháp, Đức, Mỹ… Việt Nam cũng ký 32 thỏa thuận quốc tế về công nhận bằng cấp thuyền viên giữa các nước, gồm 18 thỏa thuận công nhận lẫn nhau, 11 thỏa thuận nước ngoài công nhận bằng cấp do Việt Nam cấp và 3 thỏa thuận Việt Nam công nhận bằng cấp của nước khác. Đây là điều kiện thuận lợi để các thuyền viên Việt Nam tham gia môi trường làm việc quốc tế.

Tập đoàn STC Group có trụ sở tại Rotterdam, Hà Lan, là một tổ chức giáo dục và nghiên cứu hàng đầu trên thế giới trong các ngành công nghiệp hàng hải, logistics, vận tải và quy trình chuỗi vận tải cung ứng.

Tập đoàn STC đã có mặt ở Việt nam từ những năm 1990 qua một loạt các hoạt động hỗ trợ công tác đào tạo và chuyên môn kỹ thuật trong ngành Giao thông vận tải, điển hình trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực hàng hải và logisctics. Năm 2018, STC Group đào tạo hơn 300 cán bộ quản lý cấp cao trong lĩnh vực hàng hải, logistics và vận tải thủy.

Thời gian tới, Tập đoàn STC dự kiến sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hội An Toàn giao thông Việt Nam tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn góp phần phát triển ngành Giao thông Vận tải Hàng hải.

Lê Hải

Đường dẫn bài viết: https://phapluatplus.baophapluat.vn/xu-huong-viec-lam-doi-voi-nganh-cang-logistics-hang-hai-67945.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://phapluatplus.baophapluat.vn/ All right reserved.