Chứa chất cấm, nguy hại cho người dùng
Mới đây, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa ban hành Công văn số 4688/QLD-MP đình chỉ lưu hành, thu hồi mỹ phẩm không được phép lưu hành đối với sản phẩm “Kem dưỡng trắng da chống nhăn” (trên nhãn ghi SĐK: 044/07/QLD-MP, website: https://baolam.com.vn) do Công ty cổ phần đông y học Bảo Lâm sản xuất (địa chỉ: 767 đường Trường Chinh - Kiến An - Hải Phòng).
Qua kết quả kiểm nghiệm mẫu thử cho thấy, sản phẩm trên được xác định có chứa Dexamethason (hàm lượng 2,34μg/g) là chất không được phép sử dụng trong sản phẩm mỹ phẩm theo quy định của Bộ Y tế. Trước đó, Viện Kiểm nghiệm thuốc TƯ đã thực hiện, lấy mẫu sản phẩm này tại Công ty TNHH Xuân Thủy - Mỹ phẩm Xuân Thủy (18 Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) để kiểm tra chất lượng.
Theo Công văn số 1658/SYT-NVD ngày 23/4/2021 của Sở Y tế TP Hải Phòng cho biết về hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm của Công ty Cổ phầm Đông y học Bảo Lâm (Đông y học Bảo Lâm), công ty này chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm theo quy định về điều kiện sản xuất mỹ phẩm; Sở Y tế chưa nhận hồ sơ đề nghị cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm cho được sản phẩm “Kem dưỡng trắng da chống nhăn” nêu trên.
Do vậy, Cục Quản lý Dược thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc sản phẩm “Kem dưỡng trắng da chống nhăn” của Đông y học Bảo Lâm.
Yêu cầu công ty này gửi thông báo thu hồi tới những nơi phân phối, sử dụng sản phẩm nêu trên; tiến hành thu hồi và tiêu hủy toàn bộ sản phẩm không đáp ứng quy định, gửi báo cáo thu hồi và tiêu hủy sản phẩm “Kem dưỡng trắng da chống nhăn” về Cục Quản lý Dược trước ngày 15/5/2021.
Đồng thời đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn ngừng ngay việc kinh doanh, sử dụng sản phẩm và tiến hành thu hồi sản phẩm “Kem dưỡng trắng da chống nhăn” do Đông y học Bảo Lâm sản xuất.
Qua ghi nhận Pháp luật Plus được biết, Công ty Cổ phần Đông Y học Bảo Lâm là doanh nghiệp thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2004, do bà Lê Thị Châm làm đại diện pháp luật và hiện đang làm Giám đốc đã từng được nhận Giải thưởng Bông hồng vàng dành cho nữ doanh nhân xuất sắc năm 2012 và công ty này được nhận giải thưởng “Hàng Việt Nam chất lượng cao 2013”.
Tái vi phạm
Việc đưa Dexamethason acetat vào sản phẩm mỹ phẩm lần này của Công ty CP Đông y học Bảo Lâm không phải lần đầu.
Ngày 26/7/2016 Sở Y tế Hà Nội từng ban hành quyết định thu hồi, đình chỉ lưu hành sản phẩm mỹ phẩm Kem trắng da ngừa trị mụn Bảo Lâm (25g, lô sản xuất: 12, ngày sản xuất: 17/12/2015, hạn dùng 17/12/2018, số tiếp nhận phiếu công bố: 07/11/CBMP-HP) do phát hiện trong sản phẩm có thành phần Dexamethason acetat.
Đến tháng 8/2019, sản phẩm do Đông y học Bảo Lâm sản xuất “Bảo Lâm trắng da ngừa trị mụn” (số lô 08, số công bố 02/14/CBMP-HP, sản xuất ngày 17/8/2018) đã bị Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế ra quyết định đình chỉ lưu hành và thu hồi sản phẩm do phát hiện trong thành phần của lô sản phẩm này có chứa Dexamethason acetat, đây là một chất cấm sử dụng trong mỹ phẩm.
Vậy, Dexamethason là chất cấm nguy hiểm ra sao?
Được biết, Dexamethason là một loại thuốc thuộc nhóm glucocorticoid có tác dụng chống dị ứng, ức chế hệ miễn dịch và chống viêm. Thuốc có tác dụng điều trị rất tốt nếu dùng đúng cách, đồng thời cũng có khá nhiều phản ứng có hại.
Tuy nhiên, khi Dexamethason cho vào sản phẩm mỹ phẩm bôi thường xuyên (với mục đích làm trắng da, ngừa trị mụn như quảng cáo) sẽ gây rạn da, teo da, tổn thương da do da mất đề kháng. Nếu sử dụng thời gian dài Dexamethason sẽ ngấm qua da vào máu gây nhiều tác dụng phụ như teo tuyến thượng thận, giữ nước và khoáng trong cơ thể gây phù nề, rối loạn chuyển hóa lipid…gây nguy hiểm do chứa corticoid.
Bộ Y tế khuyến cáo người tiêu dùng cần thận trọng khi lựa chọn sản phẩm dưỡng da để tránh mua phải hàng không đạt tiêu chuẩn chất lượng trên.
Đông y học Bảo Lâm đã tồn tại và phát triển trong thời gian dài, với nhiều sản phẩm nổi tiếng, được người tiêu dùng tin dùng.
Những cú "vấp" của Đông y học Bảo Lâm có chủ ý đã bị Bộ Y tế tuýt còi, xử lý nghiêm, nhưng trên tất cả là đạo đức của một doanh nghiệp trong ngành Dược. Đưa chất cấm vào sản phẩm, rồi bán cho người tiêu dùng. Đó là tội ác.
Ở chiều hướng khác, việc sản phẩm chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm, chưa được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố thế nhưng Công ty Cổ phần Đông y học Bảo Lâm vẫn ngang nhiên lưu hành mỹ phẩm chứa chất cấm, gây nguy hiểm cho người tiêu dùng có thể thấy sự quản lý lỏng lẻo của Sở Y tế TP Hải Phòng.
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin!
Đường dẫn bài viết: https://phapluatplus.baophapluat.vn/san-pham-cua-dong-y-hoc-bao-lam-chua-chat-cam-50791.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://phapluatplus.baophapluat.vn/ All right reserved.