Tin nên đọc
Cách phân biệt sai lầm
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, nơi này thường tiếp nhận những ca bị ngộ độc nấm rất nặng, tỷ lệ tử vong cao tới 50%.
Hầu hết người bệnh mắc là do không phân biệt được nấm độc và nấm lành do đó hái nhầm nấm độc về chế biến cho cả nhà ăn. Thời điểm xuất hiện ca ngộ độc bắt đầu lác đác từ cuối tháng hai và tăng đột biến vào tháng 4 và 5.
“Mặc dù chúng tôi đã tuyên truyền rất nhiều nhưng đáng tiếc, hiện nay nhiều người vẫn hiểu rằng nấm độc là loại có màu sắc sặc sỡ, còn loại nấm mà côn trùng ăn được thì cũng an toàn đối với người.
Tuy nhiên, đây là cách hiểu hết sức sai lầm. Bởi trên thực tế, Trung tâm từng tiếp nhận cấp cứu nhiều trường hợp ăn phải loại nấm trắng, ăn rất ngọt, mềm nhưng lại là loại nấm cực độc.
Ngược lại, có trường hợp người nhà bệnh nhân kể lại nhìn thấy kiến ăn nấm, nghĩ không độc nên yên tâm nhưng ăn xong thì tử vong. Tất cả cá loại nấm độc đều bị kiến, ốc sên, sâu bọ ăn”, TS Dũng nêu.
Ngoài ra, lại có trường hợp thử bằng cách cho gà, chó ăn trước. Tuy nhiên, theo TS Dũng thì việc sau 1 - 2h chó, gà không chết hoặc không bị ngộ độc là nghĩ nấm ăn được cũng không hẳn chính xác.
Bởi cách thử này chỉ đúng với một số loại nấm có độc tố cực mạnh, tác dụng nhanh. Còn những loại nấm gây chết người thường có tác dụng chậm, sau 12 - 24h mới có triệu chứng đầu tiên. Với động vật phải sau 4 - 5 ngày mới chết.
“Thậm chí, một số người thử nấm bằng thìa, đũa, dây chuyền… làm bằng bạc nếu thay đổi màu xám đen thì nấm độc. Điều này hoàn toàn sai, các loại độc tố của nấm không tác dụng đối với bạc nên không gây đổi màu”, TS Dũng nêu.
![]() |
Nấm độc. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam |
Xử trí ban đầu tránh biến chứng nặng
TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, ngộ độc nấm để càng lâu càng khó cứu. Thực tế, qua theo dõi các bệnh nhân ăn phải nấm độc đều tử vong nếu không được cấp cứu, 80% bệnh nhân tử vong nếu đến cấp cứu muộn. Điều đó cho thấy khâu sơ, cấp cứu các ca ngộ độc nói chung và ngộ độc nấm nói riêng ban đầu rất quan trọng.
Trong khi chờ vận chuyển cấp cứu, bằng mọi biện pháp phải loại nhanh chất độc ra khỏi cơ thể bằng cách gây nôn hoặc dùng thuốc giải độc có tác dụng làm giảm hoặc trung hòa chất độc (than hoạt tính). Cụ thể:
+ Gây nôn bằng cách móc họng hoặc dùng bàn chải đánh răng thọc sâu vào họng cho buồn nôn, nôn cho đến khi ra nước trong mới thôi. Nếu bệnh nhân tiêu chảy nhiều gây mất nước, phải bù nước bằng cách cho uống dung dịch oresol.
+ Uống than hoạt tính: Uống 30g than hoạt tính (2 thìa canh) với 1-2 cốc nước (có thể cho ít đường trắng cho dễ uống).
Than hoạt tính sẽ hấp phụ chất độc, chuyển vào phân để tống ra ngoài. Nếu không có than hoạt tính thì mua viên carbogast hoặc carbophos 400mg/viên để uống. Nếu nạn nhân mê man bất tỉnh, cần đưa đi cấp cứu ngay tại cơ sở y tế gần nhất.
Nếu người bệnh hôn mê, co giật phải cho nằm nghiêng. Nếu người bệnh thở yếu, ngừng thở thì hà hơi thổi ngạt hoặc hô hấp nhân tạo bằng các phương tiện cấp cứu tại chỗ.
Lưu ý sau khi sơ cứu cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời.
Mọi người đừng chủ quan nghĩ sau khi sơ cứu đã hết triệu chứng nôn, đau và tiêu chảy là hết ngộ độc. Cần nằm tại viện để theo dõi thêm vì có thể sau 3-4 ngày, các biểu hiện suy gan thận mới bộc lộ…
Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam, Gia đình và Xã hội
Đường dẫn bài viết: https://phapluatplus.baophapluat.vn/ngo-doc-nam-cach-phong-tranh-va-xu-tri-42651.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://phapluatplus.baophapluat.vn/ All right reserved.