Tin nên đọc
![]() |
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki moon. (Ảnh: Reuters) |
Bên cạnh đó, Liên Hợp Quốc cũng kêu gọi các bên tránh các hành động kích động và làm gia tăng thêm căng thẳng.
Trước phán quyết của Tòa trọng tài, chính phủ Philippines cũng khẳng định "cam kết tôn trọng phán quyết được xem là cột mốc quan trọng này, coi đây là một trong những đóng góp thiết thực giải quyết tranh chấp đang diễn ra ở Biển Đông”.
Tuy nhiên, về phía Trung Quốc, cả Chính phủ và Bộ Ngoại giao Trung Quốc đều lần lượt ra Tuyên bố phản đối phán quyết của Tòa PCA và ngang ngược đe dọa sẽ áp dụng các biện pháp “cần thiết” để bảo vệ cái gọi là “lợi ích” của nước này ở Biển Đông.
Bất chấp phản ứng của Trung Quốc, phán quyết ngày 12/7 của PCA đã được nhiều quốc gia trên thế giới cũng như Việt Nam đánh giá cao. Theo đó, dư luận đều nhất trí yêu cầu các bên kiềm chế và tuân thủ phán quyết.
Về phía Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao John Kirby cho biết: “ Quyết định của PCA là một đóng góp quan trọng trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông”.
Đồng thời, Mỹ cũng kêu gọi các bên tôn trọng phán quyết của tòa và tránh những hành động làm gia tăng thêm căng thẳng ở Biển Đông.
Nhật Bản ngày 12/7 khẳng định, phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) tại La Hay, Hà Lan là phán quyết cuối cùng và mang tính ràng buộc về pháp lý, hối thúc các bên liên quan đến vụ kiện này cần phải tuân thủ.
Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết, Nhật Bản luôn khẳng định tầm quan trong của luật pháp và ủng hộ việc sử dụng các giải pháp hòa bình thay cho vũ lực hoặc cưỡng chế, trong việc giải quyết những tranh chấp về hàng hải.
Về phía Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: “Việt Nam hoan nghênh việc Tòa trọng tài đã đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12/7/2016.
![]() |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình. (Ảnh: mofa) |
Việt Nam một lần nữa khẳng định lập trường nhất quán của mình về vụ kiện này như đã được thể hiện đầy đủ trong Tuyên bố ngày 5/12/2014 của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Tòa trọng tài.
Trên tinh thần đó, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương”.
“Nhân dịp này, Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, cũng như tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết thêm.
Đường dẫn bài viết: https://phapluatplus.baophapluat.vn/lien-hop-quoc-keu-goi-cac-ben-ton-trong-luat-phap-quoc-te-sau-phan-quyet-cua-pca-27624.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://phapluatplus.baophapluat.vn/ All right reserved.