Niềm tin của công chúng là thước đo đạo đức nghề Báo

“Mất niềm tin là mất tất cả!” Với nghề báo, giá trị câu châm ngôn này phải được nhân lên gấp nhiều lần so với nghề khác!


Đạo đức nghề Báo đang là một vấn đề được xã hội quan tâm rất nhiều, bởi gần đây có nhiều vụ việc liên quan đến đạo đức nghề Báo làm mất đi niềm tin của công chúng gây ảnh hưởng lớn đến những người làm báo chân chính. Vậy để hiểu rõ hơn về đạo đức nghề Báo cũng như những lời giải đáp cho thực trạng trên Pháp luật Plus đã có cuộc trao đổi với Nhà báo Nguyễn Hòa Văn -nguyên Tổng biên tập báo Biên Phòng.

Đại tá Nguyễn Hòa Văn, nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP, nguyên Tổng Biên tập báo Biên phòng, người mang danh hiệu cao quý Nhà báo mang quân hàm xanh.
Đại tá Nguyễn Hòa Văn, nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP, nguyên Tổng Biên tập báo Biên phòng, người mang danh hiệu cao quý Nhà báo mang quân hàm xanh.

Những năm gần đây, bàn về chuyện đạo đức nghề báo, có những nhận định đáng phải quan tâm, đó là chúng ta càng nói “Chống xu hướng thương mại hoá báo chí” thì xu hướng này không những không được ngăn chặn mà còn phát triển lây lan đến nhiều cơ quan báo chí.

Trong đội ngũ những người làm báo, bên cạnh số đông tâm huyết, nỗ lực cống hiến vì một nền báo chí “Dân chủ, nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại”, “Đồng hành cùng đất nước đổi mới” có không ít nhà báo suy thoái, tham nhũng, vi phạm pháp luật. Ông có suy nghĩ gì về những nhận định này?

Nhà báo Nguyễn Hòa Văn: Đạo đức báo chí đang là vấn đề nóng, nhiều tiêu cực trong hoạt động báo chí đã được báo động, cảnh báo nhiều nhưng chưa được khắc phục. Trên thực tế có nhiều nhà báo, nhiều cơ quan báo chí đã “tự đánh mất mình”. Nhiều nhà báo vì vụ lợi cá nhân đã sẵn sàng “bẻ cong ngòi bút”. Nguyên nhân của thực trạng đáng buồn nói trên:

Những năm gần đây sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận lớn cán bộ đảng viên đã tác động ảnh hưởng đến hoạt động báo chí.

Cùng với sự suy thoái đó, nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội phát triển nóng, kéo theo sự phát triển nóng về số lượng cơ quan báo chí và người làm báo. Nhiều người không đáp ứng được tiêu chuẩn về phẩm chất, năng lực vẫn trở thành nhà báo.

Nhiều nhà báo, cán bộ quản lý cơ quan báo chí lâu năm cũng bị cuốn theo tham nhũng, lợi ích nhóm, đã sa ngã trước cám dỗ vật chất, thậm chí nhiều trường hợp vi phạm pháp luật. Do đó, chất lượng đội ngũ làm báo và niềm tin của công chúng giảm so với trước rất nhiều.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo ông, cần làm gì để khắc phục?

Nhà báo Nguyễn Hòa Văn: Để khắc phục được thực trạng trên, có nhiều chủ trương, biện pháp phải điều chỉnh, phải thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, trong đó có ba vấn đề cần phải được tiến hành tích cực, quyết liệt hơn:

Một là, phải thường xuyên tuyên truyền giáo dục Nhà báo và có các biện pháp cụ thể để giám sát nhà báo chấp hành pháp luật và thực hiện 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp.

Hai là, phải quản lý giám sát chặt chẽ hoạt động của các cơ quan báo chí. Cần tiếp tục chấn chỉnh việc cấp phép hoạt động, cấp thẻ Nhà báo, cấp thẻ Hội viên, xử lý nghiêm các trường hợp giả danh, giả mạo nhà báo và các nhà báo vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động báo chí, không để tiêu cực, yếu kém trong cơ quan báo chí kéo dài.

Thực hiện bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí bảo đảm đúng các quy định. Kiên quyết không bổ nhiệm những cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí không đủ năng lực chuyên môn, năng lực quản lý, phẩm chất đạo đức có vấn đề, tín nhiệm thấp.

Ba là, các cơ quan lãnh đạo, quản lý, cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí phải tạo mọi điều kiện để công chúng, các cấp, các ngành... tham gia giám sát hoạt động báo chí. Những vi phạm, yếu kém trong hoạt động báo chí cần thông tin công khai, minh bạch trước công chúng. Báo chí muốn tham gia chống tham nhũng có hiệu quả, muốn thực hiện tốt chức năng giám sát phản biện xã hội, trước hết phải tự giám sát bản thân mình, phải chống được suy thoái,tham nhũng trong nội bộ báo chí.

Nghề báo là nghề nhọc nhằn, nguy hiểm và cũng đầy cám dỗ. Nhà báo muốn dấn thân, cống hiến trước hết cần có đạo đức nghề nghiệp. Ông có thể cho bíết suy nghĩ của ông về vấn đề nay?

Nhà báo Nguyễn Hòa Văn: Đúng vậy, nghề báo là nghề nguy hiểm. Nếu nhà báo có năng lực nghiệp vụ, có bãn lĩnh chính trị và có đạo đức nghề nghiệp thì tính nguy hiểm, rủi ro, tai nạn trong nghề sẽ được giảm đi rất nhiều.

Những nhà báo chân chính, tích luỹ được nhiều kiến thức và kinh nghiệm, làm báo với động cơ xây dựng, thực hiện đúng các quy trình, quy phạm tác nghiệp, chấp hành đúng pháp luật và các điều quy định về đạo đức nghề nghiệp, nếu có sự cố, bị thiệt hại về sức khoẻ, danh dự thì sẽ được Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan chức năng và công chúng bảo vệ.

Ngược lại nhà báo hành nghề vì động cơ vụ lợi cá nhân, thiếu tính xây dựng, khi gặp sự cố thường đi liền với vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật, thì Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan chức năng sẽ xử lý theo tính chất vi phạm.

Vì vậy, nhà báo muốn cống hiến được khả năng của mình cho sự nghiệp báo chí, điều cốt lõi là phải thường xuyên tích luỹ kiến thức, kinh nghiệm tác nghiệp, tu dưỡng rèn luyện nâng cao đạo đức nghề nghiệp.

Nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt nam 21/6, ông có tâm sự gì với các nhà báo trẻ trước thực trạng đạo đức báo chí hiện nay?

Nhà báo Nguyễn Hòa Văn: Khi bạn dấn thân vào nghề báo, bạn nghĩ rằng nghề báo là nơi giúp bạn dễ dàng mưu sinh cuộc sống, là nghề mà bạn sẽ lợi dụng nó tạo được vị thế, danh lợi cho mình thì bạn đã sai lầm ngay từ lúc khởi nghiệp.

Nghề báo không có chỗ đứng bền đẹp cho những ai hành nghề có động cơ vụ lợi. Khi bạn có động cơ vụ lợi cá nhân trong hoạt động nghề nghiệp, thì bạn sẽ viết cái gì? viết như thế nào? viết cho ai? viết hay không viết? đăng hay không đăng? ... đều nằm trong tính toán và bị chi phối bởi cuộc sống vật chất của gia đình, cá nhân bạn.

Một bài báo phản ánh đúng sự thật, khen chê đúng mức, bạn chỉ được hưởng tiền nhuận bút do toà soạn trả. Có chăng, bạn nhận thêm được một chút tiền cảm ơn (phong bì), thường chỉ bằng nhuận bút của một bài báo do nơi cung cấp thông tin biếu bạn.

Nhưng có những bài báo bạn lăng xê, đánh bóng, tô hồng thành tích, hoặc bóp méo sự thật và có những vụ việc cần đưa tin, cần lên án thì bạn lại làm ngơ. Có những vụ việc cần cảnh báo thì bạn lại quy chụp.

Có khi bạn có được hàng triệu, thậm chí là hàng nhiều triệu đồng.Theo đó, việc làm, nếp sống, cách nghĩ của bạn sẽ khác với số đông nhà báo chân chính. Bạn sẽ lạc lối với tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí nơi bạn công tác, đồng thời lạc lõng xa cách đồng nghiệp của mình.

Trong hoàn cảnh hiện tại, có thể bạn được sự hỗ trợ, thành danh với một số bài báo “đánh” doanh nghiệp nọ, ban ngành, địa phương kia. Vì thế, bạn có thể được nhiều người quan tâm kết nối quan hệ. Tuy nhiên, về lâu dài nếu bạn vẫn tiếp tục trên con đường danh lợi cá nhân, bạn sẽ bộc lộ những thói quen tầm thường mà đồng nghiệp và cơ quan không thể chấp nhận.

Theo quy luật “cái kim trong áo lâu ngày cũng thòi ra” bạn sẽ dần bị loại ra khỏi đội ngũ những người làm báo chân chính. Những doanh nhân, công chức, cá nhân ... họ duy trì quan hệ với bạn để lợi dụng bạn. Nếu khi bạn đã bị tai tiếng thì bạn sẽ xa dần sự thân hữu với những ai đã lợi dụng vị trí của bạn.

Trong tác nghiệp, bạn muốn thành công, bạn phải tạo được niềm tin của công chúng, của đối tác, của đồng nghiệp. Bạn phải làm sao cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cán bộ, nhân dân gặp và tiếp bạn nhiều, họ vẫn mong bạn đến. Và ngược lại, bạn chỉ đến với họ được một lần, còn lần sau họ “ngả mũ xin chào” là đồng nghĩa bạn đã thất bại. “Mất niềm tin là mất tất cả!” Với nghề báo, giá trị câu châm ngôn này phải được nhân lên gấp nhiều lần so với nghề khác!

Chúc các bạn thành công./.

Lê Quân

Đường dẫn bài viết: https://phapluatplus.baophapluat.vn/niem-tin-cua-cong-chung-la-thuoc-do-dao-duc-nghe-bao-112494.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://phapluatplus.baophapluat.vn/ All right reserved.