Du lịch Hà Giang phát triển nhờ phát huy vẻ đẹp của ruộng bậc thang

Vẻ hùng vĩ của núi rừng pha trộn lẫn vẻ đẹp được tôn tạo từ bàn tay, khối óc của đồng bào vùng cao đã khiến dải đất Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) đẹp mê mẩn trong mắt du khách thập phương.


Huyện vùng cao Hoàng Su Phì nằm ở phía Tây của tỉnh Hà Giang vốn được biết đến là vùng đất nghèo nàn, thường xuyên xảy ra thiên tai, sạt lở. Tuy nhiên, nhờ vận dụng lợi thế của vùng, địa phương này đang dần thay da, đổi thịt.

Mùa vàng ở xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì.

Mùa vàng ở xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì.

Một trong những thế mạnh để thúc đẩy nghành công nghiệp không khói phát triển ở địa phương này nhằm giúp nhân dân nâng cao mức sống là vẻ đẹp vốn có của ruộng bậc thang. Theo đó, huyện Hoàng Su Phì có tổng diện tích ruộng bậc thang khoảng 3.700ha, trải dài trên toàn bộ 25 xã, thị trấn, nhưng những thửa ruộng đẹp và có quy mô lớn chủ yếu tập trung trên diện tích 1.380ha tại 11 xã Sán Sả Hồ, Bản Phùng, Nậm Ty, Thông Nguyên, Tả Sử Choóng… Đây là những địa điểm thuộc di tích ruộng bậc thang Hoàng Su Phì đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng quốc gia vào các năm 2011 và 2016.

anh 2

Sản phẩm của nghề trạm bạc được bày bán tại tuần văn hóa du lịch xã Bản Luốc

Nhằm phát huy hiệu quả những thế mạnh sẵn có, huyện Hoàng Su Phì đã xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng tại một số nơi có thắng cảnh đẹp như: Làng văn hóa du lịch Nậm Hồng, xã Thông Nguyên; Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Pố Lũng, thị trấn Vinh Quang; Làng văn hóa du lịch Phìn Hồ, xã Thông Nguyên; Làng văn hóa thôn Giàng Thượng, Làng Giang, xã Thông Nguyên; Làng văn hóa du lịch thôn Lê Hồng Phong, xã Nam Sơn; Làng văn hóa du lịch thôn Đoàn Kết, xã Hồ Thầu; Làng văn hóa Suối Thầu, xã Bản Luốc…

Sản phẩm của nghề trạm bạc được bày bán tại tuần văn hóa du lịch xã Bản Luốc

Phục dựng lại lễ hội Bàn Vương ở xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì.

Song song với việc xây dựng những làng văn hóa, cộng đồng văn hóa, hàng năm huyện Hoàng Su Phì cũng chỉ đạo, phối hợp với các xã tổ chức tuần văn hóa du lịch qua những miền di sản để bảo tồn, gìn giữ nét văn hóa vốn có của đồng bào các dân tộc thiểu số. Việc tổ chức lễ hội này cũng giúp du khách trải nghiệm, hòa mình cùng văn hóa vùng cao.

Theo thống kê của Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hoàng Su Phì, trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng số khách lưu trú, khách du lịch đến địa phương ước đạt 72.000 lượt khách (trong đó khách nước ngoài 1.700 lượt). Doanh thu ước đạt trên 61,2 tỷ đồng.

anh 4

Theo đó, thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên là một trong những điểm đến thu hút du khách nhiều nhất của địa phương này, nhất là mùa lúa vàng rộ. Ông Triệu Mềnh Quyên – Thành viên sáng lập cơ sở du lịch Hoàng Su Phì Bungalow cho biết, năm 2017 gia đình ông bắt đầu xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng homestay.

“Kể từ khi ấp ủ cho đến khi xây dựng, chúng tôi vẫn luôn nung nấu sẽ khai thác sâu về văn hóa của đồng bào người dao ở Nậm Hồng nói riêng và đồng bào người dao cả nước nói chung. Làm sao để khách họ đến với mình sẽ được trải nghiệm phong tục, tập quán một cách chân thực nhất ”. Ông Quyên cho biết.

Bà Nguyễn Thị Yến – Du khách Hà Nội bộc bạch: “Đây là lần đầu tiên lên Nậm Hồng, nhưng tôi ấn tượng với văn hóa của người dao ở vùng này, nhất là trang phục rất đẹp. Ngoài ra, quang cảnh và không khí ở đây cũng rất tuyệt vời”.

anh 5

Dù lượn bay trên những thửa ruộng bậc thang cũng được tổ chức tại các xã Nậm Ty, Thông Nguyên.

Ông Triệu Vằn Khuân – Chủ tịch UBND xã Thông Nguyên cho biết: “cả xã hiện nay có 14 hộ dân làm dịch vụ homestay, sau dịch bệnh lượng khách du lịch đã tăng đáng kể, đem lại nhiều nguồn thu cho người dân địa phương. Đặc biệt, chúng tôi cũng gắn xây dựng Nông thôn mới với phát triển du lịch, nhất là ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, chúng tôi đã trồng nhiều loại cây cảnh dọc đường tạo cảnh quan, gieo hoa cải vào vụ Đông để du khách ngắm hoa và chụp ảnh”.

anh 6

Ẩm thực mâm xôi ngũ sắc cũng thường xuyên xuất hiện trong các lễ hội của địa phương.

Xã Bản Luốc, huyện Hoàng Su Phì cũng là địa phương đang tập trung xây dựng cộng đồng văn hóa du lịch homestay. Nói về hoạt động du lịch tại địa phương, ông Vương Văn Khoàng – Chủ tịch UBND xã Bản Luốc cho cho hay, hàng năm xã vẫn tổ chức tuần văn hóa du lịch, xây dựng các chuỗi sự kiện văn hóa để phát huy hiệu quả thế mạnh danh thắng di tích quốc gia ruộng bậc thang mùa lúa vàng. Vấn đề phát triển du lịch cũng được Đảng bộ xã đưa vào nghị quyết năm 2020-2025 nhằm phát triển du lịch tại địa phương một cách bài bản.

anh 7

Một khu du lịch cộng đồng Nậm Hồng, xã Thông Nguyên.

Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam về phương diện quản lý, ông Hoàng Văn Tân – Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì cho biết: “Nhằm phát triển du lịch theo hướng bền vững, huyện Hoàng Su Phì xác định hai mũi nhọn chính là du lịch sinh thái và du lịch văn hóa cộng đồng. Từ đó, chúng tôi đã tập trung khai thác tiềm năng thế mạnh về cảnh quan như danh thắng ruộng bậc thang, vườn chè cổ thụ, thiên nhiên hoang sơ, các làng bản truyền thống…

Ruộng bậc thang thôn Suối Thầu, xã Bản Luốc.

Ruộng bậc thang thôn Suối Thầu, xã Bản Luốc.

anh 9

Quần thể ruộng bậc thang có hình mâm xôi ở xã Nậm Khòa.

Gắn với đó là việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa như bảo tồn cảnh quan kiến trúc, làng bản, nghề và làng nghề truyền thống, tổ chức các lễ thức, lễ hội văn hóa liên quan đến tập quán canh tác nông nghiệp theo nghi thức truyền thống và các làn điệu dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, ẩm thực địa phương để khách du lịch vừa tham quan đồng thời có thể trải nghiệm. Bên cạnh đó, huyện cũng đặc biệt quan tâm đến vai trò của người dân, tạo điều kiện cho họ được tham gia kinh doanh du lịch. Để từ đó phát huy được thế mạnh riêng có của địa phương trong lĩnh vực này”.

Phàn Họ

Đường dẫn bài viết: https://phapluatplus.baophapluat.vn/du-lich-ha-giang-phat-trien-nho-phat-huy-ve-dep-cua-ruong-bac-thang-1.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://phapluatplus.baophapluat.vn/ All right reserved.