Suốt tuần qua, dư luận không khỏi bức xúc về việc ăn tiệc trong di sản hang động và lễ hội chọi trâu hung hăng được thay bằng tên mỹ miều “Hội thi trâu khỏe”. Dường như lễ hội hay di sản là nơi để một số người biến tướng theo mục đích riêng để kiếm lời.
|
Cảnh tượng bạo lực trong "Hội thi trâu khỏe". |
Lễ hội trâu khỏe thành lễ hội… hành hình
Đầu năm 2016, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) đã không đồng ý tổ chức hội chọi trâu ở huyện Phúc Thọ (Hà Nội), Phú Sơn (Bắc Ninh) và Bảo Thắng (Lào Cai) bởi các lễ hội này không phải là lễ hội truyền thống của địa phương, không gắn với giá trị văn hóa mà ngược lại còn mang tính thương mại, bạo lực. Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cũng ban hành công văn đề nghị Phúc Thọ không tiếp tục tổ chức Lễ hội chọi trâu Phúc Thọ năm 2016.
Để “lách luật”, huyện Phúc Thọ đã có “sáng kiến” thay tên lễ hội chọi trâu bằng tên đầy lành mạnh: “Hội thi trâu khoẻ”. “Hội thi trâu khỏe” diễn ra trong 2 ngày đầu tháng 9 tại huyện Phúc Thọ thu hút hàng nghìn người tới xem và bỏ tiền túi mua vé với giá 150 - 200 nghìn đồng. Tại “Hội thi trâu khoẻ” của huyện Phúc Thọ, muốn qua mặt cơ quan chức năng, hội thi “cài cắm” tiết mục văn nghệ, thi kéo co, trao tặng 2 bò giống cho 2 hộ nông dân nghèo, nhưng thực chất của hội thi là màn chọi nảy lửa của 26 chú trâu.
Nhằm tăng phần gay cấn, Ban Tổ chức mạnh tay thưởng cho trâu vô địch lên đến 100 triệu đồng và chú trâu mang số 23 đã ẵm giải thưởng này trước khi gây ra cái chết cùng các thương tích bê bết của các trâu khác. Ngay khi lễ hội kết thúc là pha xẻ thịt trâu ra bán, trong đó có cả những con trâu đã tham gia chọi. Những phản thịt trâu bày bán ngay tại cổng hội thi với mức giá 300- 500 ngàn đồng/kg.
Chọi trâu đầy bạo lực như vậy nhưng chính quyền địa phương vẫn khăng khăng cho rằng: “Chỉ là việc hai con trâu tì đẩy vào nhau để tìm ra con khỏe, con nào bỏ chạy tức là con đó thua…”. GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, bức xúc: “Đó là chọi trâu trá hình. Chắc khi Bộ VH-TT-DL yêu cầu không được tổ chức các lễ hội có yếu tố bạo lực và hiến sinh phản cảm, không theo truyền thống thì họ làm trá hình như thế”. Các lễ hội chọi trâu, chém lợn truyền tải thông điệp văn hóa nào khi đưa những con vật biểu trưng cho lao động, đem lại cơm ăn, áo mặc cho con người bị người ta đem ra hành hình, xẻ thịt, “mua” tiếng cười?
Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Trịnh Thị Thủy khẳng định: “Việc để diễn ra hội thi với nội dung chính là chọi trâu cho thấy công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn huyện Phúc Thọ nói riêng và Hà Nội nói chung chưa chặt chẽ, còn lỏng lẻo. Bộ VH-TT-DL đã yêu cầu địa phương lập tức chấn chỉnh, đồng thời chúng tôi sẽ có bộ phận chuyên môn giám sát chặt chẽ, kiên quyết không để tiếp tục xảy ra những hội thi kích động bạo lực, phản cảm, đi ngược truyền thống văn hóa của dân tộc…”. Cục Văn hóa cơ sở đề nghị Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội kiểm tra, xác minh việc tổ chức “Hội thi trâu khỏe” tại huyện Phúc Thọ, đồng thời có biện pháp chấn chỉnh, không để hoạt động trên diễn ra trong mùa lễ hội sắp tới và thông báo kết quả kiểm tra về Phòng Quản lý hoạt động lễ hội, Cục Văn hóa cơ sở trước ngày 12/9/2016 để tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL.
Di sản thành nơi ăn nhậu
Ngoài chọi trâu trá hình, dư luận không khỏi lo ngại khi di sản bị biến thành nơi ăn uống pha tạp. Thời gian qua, trên mạng xã hội lan truyền nội dung quảng bá dịch vụ tổ chức các buổi tiệc, kỷ niệm sinh nhật, ăn uống linh đình trong các hang động trên vùng di sản vịnh Hạ Long. Địa điểm tổ chức tiệc là hang Trống hoặc hang Hồ Động Tiên. Thông thường các buổi tiệc bắt đầu từ 19h30, kết thúc trước 23h, nếu khách muốn nán lại thì phải trả thêm phí cho đơn vị tổ chức. Sau khi kết thúc tiệc, khách nghỉ đêm trên tàu. Theo một số hình ảnh quảng bá, quy mô tiệc trong các hang động lên đến chục bàn, số khách cả trăm người. Hiện nay đang có rất nhiều công ty du lịch và các hãng du thuyền có thể dễ dàng tổ chức tiệc trong hang động.
Điều này đã gây “bão” dư luận bởi đây là vùng lõi di sản thế giới, tại sao một số người lại “bào mòn” di sản để kiếm lời? Họ lo ngại, vết bẩn đồ ăn bám vào vách đá sẽ ảnh hưởng đến di sản, chưa kể việc ăn uống tạp nham hóa khiến di sản bị mất đi giá trị vốn có. Rồi “đầu ra” của hàng trăm thực khách tại đây khiến hang động, di sản bị ô nhiễm. Nhiều người cho rằng, việc “ăn nhậu” tùy tiện ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và hình ảnh di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
Trước “bão” dư luận và truyền thông, ngày 8/9/2016, UBND tỉnh Quảng Ninh thông báo kết luận của lãnh đạo tỉnh về việc tổ chức dịch vụ ăn uống tại các hang động trên vịnh Hạ Long. Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu TP Hạ Long thông báo cho các tổ chức, cá nhân chấm dứt việc tổ chức dịch vụ ăn uống tại các hang động trên vịnh Hạ Long trước 30/9 nhằm “bảo tồn nguyên trạng những giá trị tự nhiên”.
Một tổ chức lễ hội trá hình, một “xẻ thịt” di sản, cả hai cho thấy một số người sẵn sàng lợi dụng văn hóa để kinh doanh thương mại bất chấp phản văn hóa. Việc vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng trong phần hậu kiểm phần nào làm dư luận nguôi ngoai. Vấn đề là làm sao để trong tương lai sẽ không còn những câu chuyện này xảy ra.