Khủng hoảng di cư, IS khủng bố tấn công, động đất tại Nepal... là những sữ kiện nổi bật nhất trên thế giới trong năm 2015.
Dưới đây là 5 sự kiện nổi bật nhất trên thế giới năm 2015.
1. Khủng hoảng di cư tại châu Âu
|
Hàng triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa do cuộc nội chiến Syria. (Ảnh: Reuters) |
Năm 2015, làn sóng người di cư ồ ạt từ các nước Trung Đông và Bắc Phi đổ vào châu Âu đã biến thành cuộc khủng hoảng di cư nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II khiến hơn 3.000 người thiệt mạng trên đường tới “thiên đường châu Âu”.
Phần lớn là thường dân bỏ nhà cửa đi tránh bạo lực và chết chóc ở Syria, Afghanistan và Iraq.
Cuộc khủng hoảng gây ra hậu quả về an ninh, kinh tế - xã hội cho châu Âu và thế giới, đồng thời gây bất đồng về chính sách ứng phó trong nội bộ Liên minh châu Âu.
2. IS tấn công khủng bố
Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã vươn rộng mạng lưới hoạt động của chúng với nhiều nhánh và phần tử tham gia ở khắp nơi trên thế giới.
IS đã nhận trách nhiệm gây ra hàng loạt vụ khủng bố đẫm máu tại nhiều khu vực trên thế giới: vụ rơi máy bay Nga tại bán đảo Sinnai ở Ai Cập làm 224 người chết, vụ khủng bố Paris tối 13/11 khiến 130 người thiệt mạng, vụ xả súng ở California, Mỹ hôm 3/12 khiến 14 người thiệt mạng.
Trong tháng 7 và tháng 10, IS đánh bom ở Thổ Nhĩ Kỳ khiến 135 người thiệt mạng.
|
IS đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công khủng bố tại Paris. (Ảnh: Reuters) |
Sự bành trướng và mức độ tàn bạo ngày càng tăng của tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng, cùng với việc Nga can dự quân sự vào Syria, đã làm thay đổi cục diện cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu với sự tham gia mạnh mẽ và rộng rãi của nhiều quốc gia trên thế giới.
3. Cuộc nội chiến tại Syria
Cuộc nội chiến kéo dài gần 5 năm tại Syria khiến hơn 200.000 người thiệt mạng và 9 triệu người bỏ nhà cửa đi di tản.
|
Cuộc nội chiến kéo dài 4 năm qua khiến đất nước Syria bị tàn phá nặng nề. (Ảnh: Reuters) |
Tháng 9, Nga tuyên bố tiến hành chiến dịch không kích chống lại IS với sự đề nghị của Tổng thống Syria Assad. Tuy nhiên, hành động này của Nga bị phía Mỹ cáo buộc là nhằm che đậy cho việc không kích các lực lượng đối lập chính quyền Assad.
Cuộc nội chiến này còn kéo theo hệ quả địa chính trị với sự tham gia của nhiều nước lớn Nga, Đức, Anh... liên minh do Mỹ dẫn đầu với mục tiêu chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Cuối tháng 11, máy bay chiến đấu F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn rơi một máy bay Nga khiến một phi công thiệt mạng.
4. Thế giới đạt thỏa thuận biến đổi khí hậu
Ngày 12/12, 195 nước dự Hội nghị Công ước khung Liên hợp quốc về biến đối khí hậu (COP21) tại Pháp đã thông qua thỏa thuận nhằm kiềm chế sự nóng lên toàn cầu được đánh giá là mạnh mẽ và thể hiện sự hợp tác quốc tế rộng rãi nhất từ trước tới nay.
|
Lãnh đạo các nước đều hoan nghênh thỏa thuận chống biến đổi khí hậu. (Ảnh: AP) |
Sau hai tuần đàm phán căng thẳng, họ đã đạt được thỏa thuận biến đổi khí hậu đột phá nhằm hạn chế nhiệt độ trái đất tăng 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Gần như mọi quốc gia trên thế giới đều cam kết giảm khí thải nhà kính khiến trái đất ấm dần lên. Các nước phát triển cam kết chi tối thiểu 100 tỷ USD mỗi năm giúp các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu.
5. Động đất mạnh nhất ở Nepal
Hai trận động đất mạnh 7,8 độ richter (ngày 25/4) và 7,3 độ richter (ngày 12/5/2015), làm chấn động gần như toàn bộ đất nước Nepal, khiến 8.964 người chết và 21.952 người bị thương.
|
Hiện trường vụ động đất tại Nepal. (Ảnh:Times of India) |
Liên hợp quốc ước tính có khoảng 8 triệu người bị ảnh hưởng, trong đó 1,4 triệu người cần được hỗ trợ về lương thực.