“Trong 180 quán bia thì có 150 ông công an đứng sau, như vậy thì sao doanh nghiệp phát triển được. Doanh nghiệp mới xây được khu sinh thái đã có 9-10 ông đến thì sao mà doanh nghiệp phát triển?”- Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt nói.
|
Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng-An ninh của Quốc hội (Ảnh: Quochoi.vn) |
Chiều 14/3, Thảo luận tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Du lịch sửa đổi, ông Phùng Quốc Hiển - Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng: Sản phẩm du lịch vẫn chưa rõ, cứ quy định chung chung. Ngay cả chuyện du lịch gắn với văn hóa, kinh tế gắn văn hóa như thế nào là vấn đề phải bàn, nếu không sẽ dễ bị lạm dụng.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt đánh giá, ngành du lịch còn manh mún, chưa làm đồng bộ mà “mới chỉ làm lặt vặt”. “Như Trung tâm Hội nghị Quốc gia, đáng ra phải là nơi du lịch để người ta tham quan, thu tiền chứ không phải chỉ là nơi cho thuê tổ chức đám cưới. Tính thống nhất và quy hoạch của ta không đồng bộ, chứ ở nước ngoài là công nghiệp du lịch” - ông Việt dẫn chứng.
Đất nước phát triển phải nhờ doanh nghiệp, tuy nhiên theo ông Việt, cơ chế hiện nay đang ràng buộc, trói buộc doanh nghiệp quá lớn. “Như lãnh đạo Hà Nội đã thẳng thắn chỉ ra trong 180 quán bia thì có 150 ông công an đứng sau, như vậy thì sao doanh nghiệp phát triển được. Doanh nghiệp mới xây được khu sinh thái đã có 9-10 ông đến thì sao mà doanh nghiệp phát triển? Hay khách sạn vừa xếp hạng mấy sao xong thì hết đoàn này sang đoàn khác đến kiểm tra xem 3 sao hay 5 sao” - ông Việt chỉ rõ.
“Mấy hôm nay mạng xã hội xôn xao câu chuyện có ông đại diện nước ngoài nói chưa nơi nào có cảnh đẹp như Việt Nam. Ở đây có câu chuyện ngược đời là thế giới cảnh "kém" nhưng họ vun tạo thành cảnh đẹp, mà ta cảnh đẹp lại phá đi, bê tông hóa đi, vậy là làm ngược. Do đó, chính sách đặc thù phát triển du lịch phải đổi mới tư duy - ông Việt thẳng thắn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, khi đọc dự thảo Luật Du lịch sửa đổi thấy mới chỉ quan tâm đến vấn đề du lịch đô thị chứ chưa gắn với du lịch miền núi, nông thôn, gắn với bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng nông thôn mới của từng địa phương.
“Nước ta có nhiều cảnh đẹp được ví như người con gái đẹp ngủ trong rừng chưa ai đánh thức. Vừa qua bộ phim "Kong: Đảo đầu lâu" mới chỉ đánh thức một phần thôi, còn nhiều cô gái đẹp như thế chưa ai đánh thức. Đã đẹp thì phải thưởng thức, nhưng hạ tầng và dịch vụ cho du lịch còn rất yếu và kém” - Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.
Bà Ngân nhấn mạnh, ngành du lịch phải tiến tới trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong những năm tới. Chính vì thế, chính sách rất quan trọng để du lịch phát triển bền vững. Luật Du lịch sửa đổi ra đời phải giúp định hướng đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Phải sử dụng hướng dẫn viên để hướng dẫn cho khách du lịch
Báo cáo thẩm tra dự thảo Luật Du lịch sửa đổi của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, đa số ý kiến đề nghị phân chia kinh doanh lữ hành thành 3 loại: đón khách vào, đưa khách ra, du lịch nội địa; đồng thời cần quy định chặt chẽ hơn, bổ sung các quy định liên quan đến các điều kiện đặc thù của dịch vụ lữ hành, đặc biệt là nhân lực (trình độ, chuyên môn nghiệp vụ của người phụ trách kinh doanh lữ hành, số lượng hướng dẫn viên).
Tiếp thu ý kiến đại biểu, để đảm bảo tính chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ lữ hành, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh sửa theo hướng phân biệt điều kiện kinh doanh lữ hành nội địa và kinh doanh lữ hành quốc tế, đồng thời bổ sung các quy định về trình độ của người phụ trách điều hành kinh doanh lữ hành phải có nghiệp vụ điều hành du lịch.
Về điều kiện doanh nghiệp kinh doanh lữ hành phải có hướng dẫn viên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy mục đích của quy định này để quản lý đội ngũ hướng dẫn viên và đảm bảo doanh nghiệp không bị động trong việc thiếu hướng dẫn viên vào mùa cao điểm. Tuy nhiên, mục đích này khó đạt được khi số lượng hướng dẫn viên hiện nay lên đến 18.391 trong khi số lượng công ty lữ hành chỉ khoảng hơn 3.000.
Trên thực tế, tùy theo quy mô và nhu cầu kinh doanh, doanh nghiệp lữ hành có thể ký hợp đồng với một hoặc nhiều hướng dẫn viên. Đặc biệt kinh doanh lữ hành bị ảnh hưởng rất lớn bởi tính mùa vụ. Trong thời kỳ cao điểm, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng nhiều hướng dẫn viên, tuy nhiên trong mùa thấp điểm doanh nghiệp có thể không có nhu cầu sử dụng hướng dẫn viên. Nếu quy định bắt buộc phải có hướng dẫn viên cơ hữu dẫn đến doanh nghiệp bị tăng chi phí không cần thiết.
Vì vậy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép không quy định điều kiện doanh nghiệp kinh doanh lữ hành phải có hướng dẫn viên và đề xuất giải pháp quản lý hướng dẫn viên bằng việc quy định điều kiện hành nghề của hướng dẫn viên phải tham gia một tổ chức xã hội nghề nghiệp hoặc có hợp đồng lao động với một doanh nghiệp lữ hành.
Bên cạnh đó, để đảm bảo quyền lợi của khách du lịch và tính chủ động của doanh nghiệp, cơ quan này đề nghị Quốc hội cho phép quy định quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành phải sử dụng hướng dẫn viên du lịch để hướng dẫn cho khách du lịch.
Ngoài ra, tiếp thu ý kiến đại biểu và để thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh sửa phạm vi kinh doanh lữ hành của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong dự thảo luật. Theo đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được kinh doanh lữ hành quốc tế đón khách vào Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên có quy định khác.