Chiêng Ngam đẹp trong mắt người không biết tự bao giờ. Đây là nơi gặp gỡ của ba con sông chảy về đất Việt với những cái tên rất núi rừng: Nậm Việc, Nậm Hạt và Nậm Quàng. Từ ngã ba sông này ngược lên nửa buổi là đất Bạn Lào. Tết nguyên đán năm 2016, hãy cùng Phóng viên Pháp luật Plus đến với miền tây Xứ Nghệ để chiêm ngưỡng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng nơi đây.
|
Ruộng đồng ở Chiêng Ngam thuộc Huyện Quỳ Châu - Nghệ An. (ảnh: Minh Long). |
Nơi đây, cảnh sắc thiên nhiên và con người đã trải hơn sáu trăm năm danh xưng Quỳ Châu. Hiện mường Chiêng Ngam có hai dân tộc chính sinh sống, đó là người Thái và người Kinh, nhưng người Thái chiếm số đông và cũng là dân bản địa.
Theo tiếng Dân tộc Thái, Chiêng ngam có nghĩa là mường đẹp. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, người Thái thiên di đến đất này từ khoảng thế kỷ thứ mười ba. Các tạo mường thấy vùng thung lũng phì nhiêu đã chọn để dựng bản lập mường. Không biết từ thuở nào, người Thái Chiêng Ngam đã có câu hát cũng rất đẹp:
"Ai lên Chiêng Ngam ăn cá ba sông. Sông Hạt, sông Việc vơi sông Quàng bù đắp". Câu hát biểu lộ một niềm tự hào về bản quê người Thái, đồng thời cũng toát lên cái vẻ trù phú sầm uất của mường bản.
|
Cá ba sông ở miền tây Xứ Nghệ. (ảnh: Minh Long). |
Nước sông Hiếu không bao giờ cạn bởi có ba con sông. Mùa màng quanh năm tốt tươi, sản vật bời bời, nhiều thứ ngon của hiếm, nổi bật trong các cuộc trình diện ẩm thực lễ hội Thẳm Bua.
|
mâm cơm của đồng bào Thái ở Chiêng Ngam (ảnh: Minh Long). |
Đứng trên cầu Châu Tiến phóng tầm mắt theo những ngả sông, ta sẽ bắt gặp những chiếc guồng nước ẩn hiện miệt mài bên dòng chảy. Để có nước trên những thửa rộng cao hơn mặt sông, người dân nơi đây đã sáng tạo ra những chiếc guồng đưa nước lên tưới tắm gần ba trăm héc ta ruộng.
.
|
NHững chiếc guồng đưa nước tưới cho ruộng đồng vùng Chiêng Ngam (ảnh: Minh Long). |
Ông Lữ Văn Nhì - Phó Bí thư Đảng ủy xã Châu Tiến cho biết: dọc theo các nhánh sông này, riêng địa bàn xã Châu Tiến đã có hơn hai trăm cái guồng nước.
Đây cũng là hệ thống thủy nông chính của xã Châu Tiến. Mỗi năm đến vụ, xã đều hỗ trợ bà con vài trăm ngàn để làm guồng. Năm nào hễ đến mùa lũ thì tất cả những cái guồng đều bị trôi hết, chiếc nào còn giữ được thì chỉ trơ xương không thể dùng cho vụ sau.
Vì vậy mỗi năm vào đầu vụ, cả xã, nhà nhà đua nhau vào rừng chặt nứa, đốn cây về làm guồng. Hết mùa này đến mùa khác, năm này qua năm khác, những chiếc guồng hết tàn lại mọc để nuôi sống bao la cánh đồng và cũng làm nên cảnh sắc kiều diễm nơi đây.
|
Các guồng ở ruộng đồng Chiêng Ngam thuộc trời tây Xứ Nghệ. (ảnh: Minh Long). |
Thuở tạo mường dựng bản, những cánh đồng luôn gặp hạn hán. Năm gặp trời đất thuận hòa thì no, còn nữa đói nghèo. Để tìm cái ăn, người người lũ lượt đi về phía những cánh rừng.
Nhưng khi rừng cũng hết cái ăn thì buộc mọi người lại phải thiên di. Để không phải di cư theo độ xanh tốt của những cánh rừng, người Thái đã nghĩ ra cách be bờ đắp đập, làm guồng múc nước vào máng đưa nước lên các chân ruộng cao tưới tắm mùa vụ.
Chính vì lẽ đó, Chiêng Ngam đã trở thành vựa lúa của cả huyện Quỳ Châu, xứ sở miền tây Nghệ An.
|
Đồng ruộng xanh mướt ở Chiêng Ngam (ảnh: Minh Long). |
Chiêng Ngam là thung lũng gồm xã Châu Tiến và một phần xã Châu Bính của huyện Quỳ Châu. Nơi đây còn có thẳm Bua nổi tiếng với mỗi năm có một lễ hội truyền thống của người Thái vùng Tây Bắc Nghệ An.
Tương truyền, năm một chín ba bảy, vua Bảo Đại, thời nhà Nguyễn có lần về vãn cảnh, ghé thăm Hang thẳm Bua đã phải thốt lên vì vẻ đẹp thiên tạo kỳ thú mường Chiêng ngam. Năm một nghìn chín trăm, chín bảy, Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch đã trao bằng chứng nhận Hang thẳm Bua mường Chiêng Ngam là di tích danh thắng cấp Quốc gia.
Lễ hội Hang thẳm Bua hay còn gọi lễ hội thẳm Bua, hội động Thẳm Bua, diễn ra khoảng hai mươi tháng Giêng âm lịch hàng năm. Chuyện kể rằng, đến hội, trong hang tối, nếu chàng trai nào nắm được tay cô gái thì họ sẽ nên duyên vợ chồng. Vì thế ai muốn tìm một nửa của mình thì đến hội hang Thẳm Bua.
|
Hang Bua Quỳ Châu thuộc trời tây Xứ Nghệ (ảnh: Minh Long). |
Cuộc vui như một lễ hội. Chum rượu cần bắc ra, cồng chiêng đánh vọng ngân nga. Nghe tiếng chiêng không ai bảo ai, bà con nườm nượp kéo đến tham gia. Điệu nhảy sạp tập tưng theo nhịp trống, nhịp chiêng.
Điệu nhuôn Thái cất lên. "Tôi xin làm con tắc kè đầu làng cất lên xem khách có thấu. Rượu không ngon khách đừng bỏ đi, hãy ở lại với tấm lòng quyến luyến chân thành..."
|
Đồng bào dân tộc thái ở Chiêng Ngam bên chum rượu cần (ảnh: Minh Long). |
Đó là lời ca của nghệ nhân Lô Văn Duẩn chào khách, mời gọi và chúc phước người xa về. Tiếng Nhuôn hát theo nhạc pí (Sáo) ngợi ca phong cảnh hữu tình bản mường Chiêng Ngam: " Ai lên Chiêng Ngam sẽ được ăn cá ba sông, sông Hạt sông Việc vơi sông Quàng lại đầy".
|
Nhảy sạp của đồng bào Thái miền tây Xứ Nghệ. (ảnh: Minh Long). |
|
Thác nước ở miền tây Xứ Nghệ (ảnh: Minh Long). |
|
Đồng bào dân tộc Thái bên mâm cơm và chum rượu cần ngày tết. (ảnh: Minh Long). |
Tôi đã chan vào đêm vui hết mình. Cảm nhận mùa xuân đã tràn về trong từng câu hát của người Chiêng Ngam.