Đến với CLB Karatedo của Trung Tâm Bảo trợ Xã Hội tỉnh Thái Nguyên chúng tôi thấy được sự hồn nhiên của các em qua từng động tác võ vẫn còn bỡ ngỡ.
Tin nên đọc
Mang yêu thương đến CLB văn nghệ trẻ em khuyết tật HN và 100 em nhiễm H
CLB Điếu cày Thanh Hóa trao quà trẻ mồ côi dịp 1/6
Press Cup 2016 khu vực phía Nam: CLB Phóng viên trẻ vô địch
Giải bóng đá các Cơ quan báo chí toàn quốc khu vực phía Nam: CLB Phóng viên trẻ TP HCM vào bán kết
Nhưng ẩn sâu trong đó là sự mất mát, thiệt thòi mà các em phải gánh chịu, những câu nói như khứa sâu vào tim mỗi người “bố mẹ em chết rồi” hay “bố mẹ em đi tù rồi anh ạ”… khiến chúng tôi không khỏi xúc động.
Thật may cho các em khi gặp được HLV Gia Linh và HLV Nguyễn Văn Thái, ở đây 2 vị HLV không chỉ là người thầy, người anh, người chị mà còn là người đem lại niềm tin, tình thương yêu trong cuộc sống cho các em.
Một gia đình nhỏ
Cùng Gia Linh đến với CLB tôi nhận thấy niềm vui, sự hồn nhiên của các em, ẩn sâu trong đó là nỗi cô đơn, thiếu thốn tình cảm từ gia đình.
Bởi lẽ các em không được như những đứa trẻ khác, có bố mẹ tài trợ học phí, võ phục và đầy đủ những thứ cơ bản để tập luyện, các em vẫn phải mặc đồ thường phục hàng ngày lên sân và hành lễ.
Nhưng đến với Karatedo đâu phân biệt mồ côi hay hoàn cảnh với những người đầy đủ, chỉ cần vào lớp, tất cả đều hòa một “nhịp đam mê”.
Gia Linh đến với các em mỗi ngày chủ nhật, để nhìn vào chúng và cùng cố gắng mang lại điều gì đó ý nghĩa cho mỗi cuộc đời nhỏ bé ở đây.
Đến với chúng để nghe những câu chuyện kể về hoàn cảnh, về tâm tư, về những cảm xúc lẫn lộn của các em… có những tâm sự thấm đầy nước mắt “Bố mẹ em mất sớm, chú em bán em sang Trung Quốc, giờ em bị hoang tưởng với sang chấn tâm lý, các mẹ cho em uống thuốc hàng ngày chị ạ”, một cô bé trong CLB chia sẻ.
“Mẹ em mất rồi, bố em còn nhưng đang đi tù, lại nghiện nữa, em không ở đây thì em ở đâu?”, một em khác tâm sự....
|
Gia Linh và Văn Thái tổ chức chương trình Trao đam mê và hi vọng, để mua võ phục cho các em. |
Khác với Gia Linh khi thường xuyên tâm sự, thủ thỉ với các em như một người chị thì HLV Nguyễn Văn Thái là người chỉ bảo cho các em làm sao có được một tinh thần cũng như phẩm chất tốt nhất.
Tuy là một HLV nghiêm khắc trên lớp nhưng khi về anh luôn trăn trở mình phải làm gì cho các em trong thời gian tới?
Sau mỗi buổi tập các em trai tinh nghịch giấu chìa khóa xe máy để Gia Linh không về. Các bé gái thủ thỉ tình cảm hơn “Chị Linh ơi, tuần sau chị có vào nữa không?”.
Chứng kiến tất cả chúng tôi không khỏi xúc động, bỡi lẽ đây không phải một CLB võ bình thường mà đó là một gia đình.
Nơi đây các e có thể thoải mái nói lên tâm tư, suy nghĩ của mình và nhận được những lời động viên, những hoạt động ngoại khóa bổ ích, ý nghĩa hơn cả đó là tình thương yêu thực sự.
Võ sinh Nguyễn Văn Định (sinh năm 1984) do mắc chứng bệnh đao nên anh trông như 1 đứa trẻ, tuy khó khăn trong việc giao tiếp, nhận thức nhưng khi gặp chúng tôi anh cố gắng bập bẹ một vài câu: “Chị Linh tốt lắm, chị dạy võ cho Định, còn chơi với Định nữa. Bọn em muốn có quần áo như Chị Linh”. Bộ quần áo mà Định nói đến chính là võ phục của Karatedo, đây cũng là điều Gia linh trăn trở lâu nay.
Cứ mỗi lần có đoàn võ Gia Linh dẫn đến giao lưu, chơi đùa với các em, ai nấy đều rất vui vẻ. Các em thích được gặp nhiều người, thích ca hát… nhưng khi các đoàn ra về, các em đứng hết ra cửa nhìn theo, cho đến khi không còn ai mới chịu đi vào.
Bà Nguyễn Thúy Hường - giám đốc Trung tâm bảo trợ tâm sự: “Những đứa trẻ rất thích thú và thoải mái mỗi khi được gặp Gia Linh, cô ấy là một người có tình thương vô bờ bến, hi vọng có nhiều bạn trẻ giống như cô ấy”.
Cần lắm những tấm lòng hảo tâm
Việc thành lập CLB võ tình nguyện song song với việc học nên mọi thứ rất khó khăn đối với Gia Linh, chủ yếu về tài chính, nhân lực.
Các em trong lớp võ bảo trợ suốt thời gian qua tập luyện không có võ phục, không dụng cụ hỗ trợ, mỗi lần tổ chức cho các em đi giao lưu, vui chơi… nỗi lo về kinh phí lại đè nặng lên đôi vai của Gia Linh.
Cô muốn cho các em đi nhiều nơi, giải thỏa căng thẳng và cố gắng hàn gắn những đau thương, mất mát các em phải gánh chịu.
Công việc trước mắt là may cho các em võ phục, dụng cụ hỗ trợ tập luyện. Ngoài ra cô đang ấp ủ mở rộng quy mô dạy võ ra nhiều địa điểm khác có những mảnh đời gặp khó khăn.
|
Các em tập luyện trong hoàn cảnh khó khăn, không võ phục, dụng cụ hỗ trợ tập luyện. |
Gia Linh tâm sự: “Mình muốn lo cho các em có được võ phục, dụng cụ hỗ trợ luyện tập, nhưng sức người nhỏ bé, đến giờ mình vẫn phải chật vật tìm nguồn tài trợ cho các em”.
Nhìn những khuôn mặt ngây thơ, cười hạnh phúc khi luyện tập khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Các em thực sự đã tìm được gia đình thứ 2, nơi mà có Gia Linh, Văn Thái và các cô ở Trung tâm bảo trợ xã hội yêu thương, chăm sóc và chia sẻ cùng các em.