Câu chuyện của người cựu binh ông Hoàng Tư (SN 1919, trú tại Diễn Lộc, Diễn Châu, Nghệ An) về giây phút này cách đây 63 năm càng khiến ai nghe cũng phải tự hào về chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” Điện Biên Phủ (7/5/1954).
|
Kí ức còn vẹn nguyên của người lính già, người lái xe chiến trường Hoàng Tư. |
Ngôi nhà ông Tư nằm bên cánh đồng lúa xóm 12, giờ đây tuổi đã xế chiều rồi nhưng đôi mắt còn rất sáng, tai còn rất thính, nghe rõ lời chúng tôi chào cụ từ ngoài ngõ.
Cũng như lớp lớp trai làng, năm tròn 18 tuổi, Hoàng Tư đã xung phong ra chiến trường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, sau mấy ngày hành quân Hoàng Tư vào chiến đấu tại Quảng Bình tại Trung đoàn 57 (trung đoàn Đội Cung), Nghệ Tĩnh.
Sau đó, được chuyển về chiến đấu tại Đại đoàn bộ binh 304 tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng. Nhận thấy sự tinh nhanh của người lính trẻ, lại ham học hỏi, năm 1950 Hoàng Tư được chọn cử đi học lái xe ô tô tại Trung Quốc để chuẩn bị các bước cho cách mạng.
“Ngày đó cũng chưa ai biết xe ô tô là chi mô, mới chỉ được thấy trên ảnh hoặc nghe kể lại thôi. Cả nước chỉ có 2 chiếc xe quân sự, được chọn đi học lái xe sau ni về phục vụ cách mạng tui phấn khởi và tự hào lắm chứ….”, ông Tư kể lại.
Một năm đào tạo lái xe hoàn thành, Hoàng Tư được phân công về chiến đấu tại mặt trận phía Bắc, tham gia giải phóng Mộc Châu.
Sau đó, được phân công về Cục vận tải (thuộc Tổng cục Hậu cần) với nhiệm vụ hết sức lớn lao và quan trọng là vận chuyển lương thực, đạn dược, thuốc men bằng xe tải phục vụ chiến dịch Thượng Lào, Trung Lào.
Những năm 1953 ông được điều chuyển về phục vụ chiến trường miền Bắc, tham gia vận chuyển vũ khí, lương thực phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ.
|
Người lính già Hoàng Tư nhớ lại chuyến xe đặc biệt trong những ngày này cách đây hơn 60 năm. |
Đến ông cũng không nhớ đã chạy bao nhiêu chuyến hàng trên chiếc xe tải lắc lư theo con đường đất mà lực lượng công binh, thanh niên xung phong mới đào đường mở đưa lương thực, đạn dược ra chiến trường. Mặc cho mưa bom, bão đạn, Hoàng Tư luôn quyết tâm đưa được vũ khí, lương thực đến nơi an toàn cho đồng đội phục vụ cách mạng.
Nhưng có một chuyến xe mà có lẽ không bao giờ ông quên được là vào đêm mùng 8/5/1954, khi chiến dịch Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Với nhiệm vụ lần đầu tiên thực hiện là chở 150 tù binh Pháp về Tuyên Quang.
Trong những tên tù binh bại trận đó có một người đặc biệt là tướng Đờ-cát (Đờ Caxtơri). Là một tay lái “có tiếng” vì đã lăn lộn biết bao nhiêu mặt trận nên Hoàng Tư được cử làm tài xế chở chuyến xe đặc biệt này cùng với 5 chiến sĩ hộ tống để đưa tướng Đờ-cát và 11 sỹ quan Pháp về Tuyên Quang.
“Chưa khi nào chở người, chỉ toàn chở đạn với lương thực mà thôi. Chuyến hàng quan trọng nên tui lo lắng lắm, dù có lúc xe chạy dưới trên là máy bay nhưng không lo lắng bằng chuyến xe lần ni...”, ông Tư nói.
Điều đáng nói là 12 tù binh trên xe nhưng không ai bị còng tay mà đều được ngồi tự do ngay sau lưng tài xế, chỉ cách một vách ngăn, sau lưng tài xế Tư là tướng Đờ Cát.
Tuy nhiên, để an tâm hơn thì bộ đội ta đã tháo hết giày của tù binh bởi biết lính Pháp không thể đi chân đất mà toàn đi giày. Nên nhỡ may có giở trò trốn khỏi xe thì cũng không dám vì không có giày để đi.
Đi xe ban đêm nhưng không dám bật đèn vì sợ máy bay phát hiện ra, nhưng vì con đường quá quen thuộc nên tui có thể nhắm mắt cho xe chạy được. Lính Pháp ngồi sau hú vía vì không ngờ được và cũng chưa bao giờ đi xe ban đêm trong rừng lại không bật đèn…” tài xế Tư kể lại.
|
Chiến dịch Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". (Ảnh tư liệu) |
Suốt mấy ngày đường, đến đâu đói hoặc mệt là nghỉ lại, dùng lương thực nấu ăn tại chỗ rồi nghỉ ngơi sau đó tiếp tục đi. Do không quen với khẩu vị và cách nấu của người Việt nên tướng Đờ Cát bị đau bụng nằm lịm trên xe.
Trên chặng đường đi, khi đến đoạn đèo Pha Đin lúc nửa đêm thì gặp đoàn xe của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng cho cán bộ y tế kiểm tra, lấy thuốc cho Đờ Cát uống sau đó mới khỏi.
“Tui còn nhớ mãi lời dặn của đại tướng: Đây là công lao của bộ đội, là xương máu của nhân dân, các đồng chí phải hết sức cẩn thận”. Lời dặn đó càng khiến an hem trên xe càng thêm khí thế, cẩn trọng hơn và đề cao cảnh giác hơn…”, Hoàng Tư nhớ lại.
Chuyến hàng đặc biệt đó kết thức sau 3 ngày 3 đêm, tù binh Pháp được bàn giao cho Cục Chính trị. Sau đó tài xế Hoàng Tư được chuyển sang Trung đoàn 106, Cục Công binh, do sức khỏe có phần giảm sút nên tháng 5/1958 ông không thể tiếp tục chiến đâu, được đơn vị cho về quê phục vụ quê hương.
Trở vê quê hương ông mới lập gia đình, sinh con, tham gia lao động sản xuất, đảm nhận vị trí xã đội trưởng, phó chủ tịch xã và nghỉ hưu năm 1975.
Giờ đây, đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, gần 100 tuổi đời, gần 70 năm tuổi Đảng, được tặng rất nhiều Bằng khen, Huân huy chương cao quý, kỷ niệm chương… về công lao trong các cuộc kháng chiến, người cựu binh vẫn luôn lấy những câu chuyện trong thời chiến để răn dạy con cháu.