e magazine
Tình yêu người lính đảo

19/06/2024 15:21

"...Giữa biển trời bao la chúng tôi thấy mình thật nhỏ bé, nhưng gặp các đồng chí tôi thấy các đồng chí thật lớn lao”, đồng chí Chuẩn Đô đốc Nguyễn Đăng Tiến - Chính uỷ Vùng 3 Hải quân chia sẻ.
yeu1

Nhìn bề ngoài, người lính đảo với nụ cười sáng ngời, ln da bánh mật đặc trưng của biển, nhìn khô khan vậy thôi nhưng họ cũng biết yêu, cũng biết nhớ!

Chúng em “yêu” nhiều lắm

Trong hải trình 7 ngày (21/5 - 27/5) chinh phục biển xanh, đoàn công tác số 23 đã vượt gần 1.000 hải lý (1 hải lý = 1.852m) để đến với 6 đảo và nhà giàn DKI/12 - Tư Chính.

Giữa cái nắng vàng của đất trời, biển vẫn xanh và hiền hoà, tàu KN-390 đưa chúng tôi vượt qua từng con sóng đến với các đảo trong chuyến hải trình.

Trước khi đặt chân lên đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn Đông, Len Đao… tôi và nhiều anh chị em trong đoàn đều có chung một câu hỏi là: “Ở giữa muôn trùng khơi, chữ “YÊU” với chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió sẽ như thế nào?”.

6h sáng, xuồng chở quà tặng, đại biểu đặt chân lên đảo Song Tử Tây, các chiến sĩ trên đảo đón chúng tôi với nụ cười rạng ngời, những cái ôm chặt người đất liền, như thể người thân lâu ngày không gặp.

Ngay tại điểm đón, khu vực đón đại biểu được sắp xếp trang trọng và lễ nghi nhất. Hai chậu nước rửa tay và khăn mặt đặt ngay ngắn tại khu vực đón đoàn như phần quà trang trọng dành tới các đại biểu trước khi đặt chân vào đảo.

Bởi lẽ, ở nơi đảo xa, nước ngọt quý và hiếm đến nhường nào.

5 chiến sĩ, được giao nhiệm vụ giúp các đại biểu thay áo phao, đỡ đại biểu lên/xuống xuồng. Từng cử chỉ ân cần, thân thuộc đến lạ kỳ.

“Nơi đảo xa, tụi em đâu có buồn”
Nụ cười rạng ngời của những người lính trẻ khi được tâm sự về chữ "YÊU".

Hồ Quốc Hải, chiến sĩ trẻ đang thực hiện nhiệm vụ tại đảo Sinh Tồn Đông hồ hởi kể: “Ngoài giờ huấn luyện, rồi thực hiện nhiệm vụ, chúng em cũng có nhiều hoạt động vui tươi, sôi nổi lắm. Các chú, các anh mỗi khi đi tuần đều dạy chúng em hát các bài hát về biển, đảo, Tổ quốc, để vơi đi nỗi nhớ nhà”.

Khi trò chuyện về chữ “YÊU” của người lính đảo, các chiến sĩ trẻ đều ồ lên cười lớn.

Chúng em cũng yêu nhiều lắm, yêu Tổ quốc, yêu đảo, yêu gia đình, yêu từng gốc cây ngọn cỏ, từng nắm cát, từng loài vật trên đảo. Bởi chỉ có tình yêu mới giúp chúng em xua đi nỗi nhớ nhà, nhớ người thân”, chiến sĩ Châu Gia Kiệt (SN 2004) đóng quân trên đảo Sinh Tồn Đông tâm sự.

“Nơi đảo xa, tụi em đâu có buồn”

Đi gác thì làm thơ, nhìn vào ánh đèn tàu trên biển và tưởng tượng như mình đang ở đất liền, để luôn có tinh thần lạc quan, luôn có lập trường tư tưởng vững vàng, kiên định trước mọi khó khăn hiểm nguy”, Châu Gia Kiệt cho biết thêm.

Thi đua lập thành tích

Đứng trên vọng gác, đôi tay vững tay súng, mắt nhìn hướng về phía biển, Mai Phát Tài (SN 2004) chiến sĩ đóng quân trên đảo Len Đao kể: “Em sinh ra và lớn lên ở TP Hồ Chí Minh, được thực hiện nhiệm vụ trên đảo Len Đao là vinh dự lớn của đời em. Nơi đây năm 1988, các chiến sĩ đã anh dũng để bảo vệ đảo, rồi tấm gương của 64 chiến sĩ hy sinh trên đảo Gạc Ma luôn là tấm gương lớn để em và các chiến sĩ noi gương”.

Khi trò chuyện với lính đảo, chúng tôi luôn nhìn thấy nụ cười vô tư, trong sáng và ánh mắt sáng ngời trong đôi mắt, gương mặt của các chiến sĩ trẻ.

Ngoài thời gian huấn luyện, các chiến sĩ luôn có chương trình thi đua lập thành tích như, ca hát, trồng rau, tăng gia sản xuất… phần thưởng là những cuộc điện thoại về hỏi thăm gia đình, người thân.

Ở đảo xa, chúng em luôn thi đua lập thành tích, thực hiện tốt, thực hiện xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Chỉ huy giao. Không nao núng trước kẻ thù ở phía biển, luôn vững tin vào Đảng, Nhà nước và Quân chủng”, Lương Hoàng Long (SN 2004) chiến sĩ đóng quân trên đảo Len Đao chia sẻ.

“Nơi đảo xa, tụi em đâu có buồn”
Phần thưởng trong thi đua lập thành tích trên đảo là những cuộc gọi điện thoại về cho người thân.

Tiết kiệm nước ngọt cũng là một trong nhiều nội dung “thi đua” mà các chiến sĩ trên đảo xây dựng kế hoạch. Bởi nước ngọt quý như “máu” của người chiến sĩ, rau xanh quý như “vàng”.

Trên đảo Đá Đông A, với thời tiết đặc trưng của Trường Sa, số ngày nắng nhiều hơn số ngày mưa. Chiến sĩ Nguyễn Văn Hợi (quê Thanh Hoá) kể, mùa này biển xanh, gió lặng, ngày nắng nhiều nên lượng pin mặt trời, điện gió trên đảo hoạt động hết công suất, anh em chiến sĩ đủ điện dùng cho sinh hoạt. Nhưng mùa mưa thì phải cực kỳ tiết kiệm, nhiều lúc thiếu phải giật máy nổ để sử dụng.

“Trong hải trình ý nghĩa lần này, các đại biểu đã chứng kiến tận mắt, hiểu hơn về sự hy sinh gian khổ của các cán bộ chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ tại các đảo.

Vậy mà giữa mênh mông biển nước, các đồng chí cán bộ chiến sĩ vẫn kiên cường vượt qua những khó khăn, vất cả. Giữa biển trời bao la chúng tôi thấy mình thật nhỏ bé, nhưng gặp các đồng chí tôi thấy các đồng chí thật lớn lao”, đồng chí Chuẩn Đô đốc Nguyễn Đăng Tiến - Chính uỷ Vùng 3 Hải quân chia sẻ.

“Nơi đảo xa, tụi em đâu có buồn”

Chuẩn Đô đốc Nguyễn Đăng Tiến - Chính uỷ Vùng 3 Hải quân.

Biển đảo quê hương của chúng ta, của Tổ quốc ta, các cán bộ chiến sĩ đã thay mặt chúng ta canh giữ biển trời, tôi tin và mong rằng các chiến sĩ sẽ như những con sóng mạnh mẽ gắn bó giữa biển và đất liền.

Xin được nói lời cảm ơn các cán bộ chiến sĩ thay chúng ta giữ vững biển đảo, để ở đất liền nhân dân cả nước được sống hạnh phúc, sống đủ đầy”, Đại tá, PGS.TS Vũ Ngọc Lâm - Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chia sẻ.

Trong chuyến hải trình đầy ý nghĩa của Đoàn công tác số 23 trên tàu KN390, chúng tôi luôn dành tình cảm, lời động viên ân cần đến các cán bộ, chiến sĩ, người dân đang làm nhiệm vụ tại 6 đảo và nhà giàn DKI/12.

Lưu luyến hơn là những cuộc trò chuyện thân tình với những người lính trẻ, những chiến sĩ mới trải qua tuổi 18, giờ đây đang thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng của Tổ quốc, tiếp bước những trang sử hào hùng mà lớp lớp các anh hùng đã dựng xây, gìn giữ biển đảo quê hương.

Nội dung: Vũ Quang

Đồ họa: Chí Nhân

Vũ Quang