Là vận động viên được nhắc nhiều nhất thời gian qua, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh ngoài đời thân thiện, dễ mến. Anh chia sẻ nhiều thông tin mới và thú vị trong buổi trò chuyện với chuyên mục Hotface.
Xem toàn bộ phần 1 cuộc trò chuyện với Hoàng Xuân Vinh.
Nhà báo Hà Sơn: Anh Hoàng Xuân Vinh thân mến, đến giờ phút này khi ngồi trò chuyện với anh trong đầu tôi vẫn hiện lên hình ảnh anh với gương mặt tập trung cho phát súng cuối cùng giành tấm HCV. Tôi nghĩ đó là khoảnh khắc “đau tim” của nhiều người. Thực lòng anh có thường xuyên nhớ lại khoảnh khắc vàng ấy?
Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh: Đúng là rất nhớ và xúc động. Đôi lúc tôi nghĩ như giấc mơ vậy. Bây giờ hình ảnh đó dần quen nhưng khi mình nhớ lại vẫn thấy tự hào khi đứng bục vinh quang nhận phần thưởng lớn nhất.
Nhà báo Hà Sơn: Sau khi đạt giải thưởng cuộc sống của anh thay đổi nhiều không?
Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh: Cũng bị xáo trộn nhiều về mặt thời gian vì tôi phải tham gia những sự kiện của truyền hình cùng một số công tác xã hội và từ thiện cho trẻ em. Bên cạnh đó tôi tham gia công việc của đội, của cấp trên giao cho mình, cũng bận nhiều việc.
Nhà báo Hà Sơn: Anh đã dùng số tiền thưởng như thế nào?
Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh: Thực ra tôi nghĩ mình phải làm thế nào đó để sử dụng vào việc có ích nhất. Đương nhiên gửi tiết kiệm cũng không nằm ngoài dự tính của tôi.
Nhà báo Hà Sơn: Có một chuyện tôi thắc mắc là trong khi đại đa số các xạ thủ nhắm một mắt để bắn thì anh lại mở cả hai mắt. Như vậy có thể hiểu anh nhìn thấy hai mục tiêu và việc luyện 2 mục tiêu ấy thành một là cả quá trình phải không anh?
Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh: Bắn một mắt như bạn hỏi là do thói quen thôi. Có nhiều xạ thủ khi bắn họ che một mắt, còn tôi thói quen mở 2 mắt. Trong quá trình tập tôi phải luyện thói quen như vậy. Tôi nghĩ một mắt hay hai mắt nếu mình làm quen đều dễ cả.
|
Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. |
Nhà báo Hà Sơn: Khi bắn súng giữa lý trí, đôi mắt và bàn tay, cái nào quyết định nhiều hơn hay cả 3 là như nhau, thưa anh?
Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh: Với bắn súng có nhiều yếu tố để dẫn tới thành công và yếu tố nào cũng quan trọng để thực hiện một phát bắn. Đôi mắt, khả năng phối hợp kỹ thuật rồi tư thế đứng. Những cái đó là tiêu chuẩn của một vận động viên bắn súng.
Nhà báo Hà Sơn: Anh bảo vệ đôi mắt mình cẩn thận chứ?
Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh: Tôi bị cận và loạn một chút nhưng khi làm kính đôi mắt trở lại bình thường. Tôi cận 1,75 đi ốp. Nhiều người nghĩ rằng cầu thủ bắn súng đôi mắt phải thật tốt nhưng thực tế mắt tôi lại kém nhưng điều đó khắc phục bằng việc tôi đeo kính. Chuyện này cũng bình thường, không có vấn đề gì.
Nhà báo Hà Sơn: Trước khi giành thành tích cao ở môn bắn súng, anh đã phải trải qua những tháng ngày vất vả. Anh có thể chia sẻ về những khó khăn phát sinh trong giai đoạn luyện tập như thiếu đạn, mượn súng, tập chay?
Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh: Nói đúng ra tôi chưa bao giờ phải mượn súng hay tập chay gì cả. Việc tập chay người nào không hiểu sẽ nói do thiếu thốn, nhưng trong bài tập huấn luyện viên đề ra có thời gian chúng tôi phải bắn rất nhiều đạn và có thời gian chỉ tập chay.
Còn mượn súng, tôi cũng chưa bao giờ phải mượn cả. Chẳng qua trong quãng thời gian đi thi đấu do lỗi hàng không không vận chuyển khẩu súng của tôi sang nước sở tại để thi đấu và trong tình huống đó tôi phải mượn. Tôi là một trong những vận động viên trọng điểm nhà nước nên bao giờ cũng đầu tư tốt.
Nhà báo Hà Sơn: Để có vinh quang như ngày hôm nay anh đã phải trải qua những áp lực của tập luyện và cả sự khắc nghiệt của HLV trưởng bộ môn ví như điện thoại cũng không được dùng thoải mái?
Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh: Đối với những vận động viên có tính chuyên nghiệp cao tất cả những cái không tốt, ảnh hưởng đến việc tập luyện chúng ta nên từ bỏ hoặc hạn chế. Ví dụ thức khuya, xem mạng quá nhiều ảnh hưởng đến mắt.
Trong sinh hoạt chúng tôi phải có nguyên tắc làm thế nào để đúng giờ, ăn uống ngủ nghỉ giờ giấc hợp lý. Tôi cũng là người lính nên việc rèn luyện có thời gian dài, thường xuyên. Vì thế trong thời gian tham gia bắn súng chuyên nghiệp và tập luyện tôi thực hiện những điều đó cũng dễ dàng, khác với vận động viên trẻ.
Nhà báo Hà Sơn: Chị Nguyễn Thị Nhung là huấn luyện viên của anh giờ được coi là người sát cánh với anh, người sẽ lên lịch gặp gỡ hiểu nôm na giống như một "bầu sô" cho anh?
Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh: Chị Nhung vừa là huấn luyện viên trưởng, cấp trên đồng thời chị cũng là trưởng bộ môn bắn súng, bắn cung của Cục Thể dục, thể thao. Khi chúng tôi tập huấn tại đội tuyển quốc gia đều phải chấp hành theo quy định của chị. Với một vận động viên như tôi nếu có gì quan trọng đều phải tham khảo ý kiến của chị.
Nhà báo Hà Sơn: HLV Nguyễn Thị Nhung có phải là thần tượng của anh?
Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh: Chị Nguyễn Thị Nhung là cấp trên của tôi, là người chị thân thiết, gần gũi cũng như một huấn luyện viên nghiêm khắc trong công việc. Tuy nhiên chị không phải là thần tượng của tôi.
Nhà báo Hà Sơn: Một thực tế ở Việt Nam là sau những thành công ở đấu trường quốc tế thì hào khí dân tộc lên rất cao nhưng môn súng lại rất khó. Anh nghĩ sao về điều này?
Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh: Khi bước ra đấu trường thế giới, đứng trên bục vinh quang sự tự hào dân tộc là điều người ta nghĩ tới đầu tiên và sau đó là những vấn đề khác. Không chỉ đối với thể thao mà với ngành khác cũng như công việc khác nếu người nào đó đem hình ảnh con người Việt Nam, màu cờ sắc áo của Việt Nam ra đấu trường quốc tế thì niềm tự hào dân tộc, niềm kiêu hãnh là quan trọng nhất.
Nhà báo Hà Sơn: Bản thân anh mong muốn cải thiện điều gì ở thể thao nước nhà sau khi vinh quang giành được?
Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh: Tôi mong nhà nước, các cấp các ngành quan tâm hơn cơ sở vật chất mặc dù hoàn cảnh đất nước còn khó khăn, kinh tế vẫn còn hạn hẹp nhưng chúng ta phải làm cách nào đó để khắc phục. Bên cạnh đó là sự đãi ngộ cho các vận động viên đã hết thời kỳ thi đấu hoặc các em có quãng thời gian cống hiến cho thể thao Việt Nam.
Với tôi hay với rất nhiều người cũng mong muốn nhà nước có chế độ đãi ngộ, tạo điều kiện công việc cho vận động viên khi giải nghệ để yên tâm công tác và có cuộc sống sau này. Tôi rất mong các cấp, các ngành có thể tiến tới xã hội hóa thể thao. Vì như các nước phát triển công tác thể thao không chỉ do ngành thể thao làm mà có nhiều ngành, cấp ủng hộ thể thao, nhà nước và nhân dân cùng làm.