Trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển, nghề mây tre đan ở xã Thượng Hiền (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) đang ở độ hưng thịnh nhất, trở thành nghề chủ lực, mang lại thu nhập cao cho người dân.
Đến xã Thượng Hiền, từ khắp đầu làng, ngõ xóm ngập tràn những cây tre, sợi mây trắng là nguyên liệu thân thuộc với cuộc sống của người dân nơi đây.
Thứ nguyên liệu mộc mạc đó đã gắn bó với người dân Thượng Hiền bao đời nay, cả giai đoạn hưng thịnh, lẫn lúc khó khăn. Từ đó, nghề mây tre đan đã trở thành nghề thủ công truyền thống của xã Thượng Hiền, mang lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương.
Trước kia, tre và mây được trồng ngay tại Thượng Hiền để làm nguyên liệu sản xuất. Ngày nay, người dân nơi đây ươm cây giống cung cấp cho bà con các tỉnh miền núi trồng, khai thác, bán lại nguyên liệu cho làng nghề.
|
Người dân đan các sản phẩm |
Để làm ra những sản phẩm thủ công mây tre đan chất lượng, mẫu mã đa dạng. Với nguyên liệu từ tre, thợ thủ công phải chọn được loại tre tốt nhất, không non không già, mọc thẳng, có độ cứng cao, chặt bỏ đốt lấy thân đem phơi tái để chống mối mọt.
Với nguyên liệu từ mây, do có nhiều gai nhọn xung quanh nên khi tiến hành sơ chế cần hết sức cẩn thận. Lớp vỏ gai bên ngoài sẽ được bóc vỏ, đem phơi tái để chuyển sang giai đoạn xử lý bước đầu.
Sau khi sơ chế, tre được cạo vỏ, đánh bóng bằng giấy ráp rồi cho vào lò, dùng rơm hoặc lá tre hun khói, vừa có tác dụng tạo màu, vừa giúp làm khô nguyên liệu, giúp chống cong vênh. Khi hun tre chuyển sang màu nâu tây hoặc nâu đen, để nguội, mang đi uốn thẳng. Còn Mây được phơi sấy, để khô cho lên màu. Cả mây và tre đều được chẻ sợi trước khi đan thành các tác phẩm.
|
Sản phẩm mây tre đan thân thiện với môi trường |
Sau khi đan xong, tùy theo yêu cầu, sản phẩm sẽ được nhúng keo, sơn màu, phủ bóng bề mặt. Cắt tỉa những chỗ nối, dư thừa để sản phẩm hoàn chỉnh nhất.
Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Du – Nhân viên Doanh nghiệp tư nhân mây tre đan mỹ nghệ xuất khẩu Dinh Doanh cho biết, trong 4 năm qua, ngoài sản xuất những mặt hàng truyền thống như ghế mây, gối mây, Công ty còn sản xuất nhiều mặt hàng, mẫu mã đa dạng gồm: lãng hoa, đệm, ghế cói, giỏ đựng hoa quả, lồng đèn…
“Sản phẩm của làng nghề làm ra được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng. Hiện nay nhu cầu của thị trường rất lớn, sản lượng hàng hóa làm ra vẫn chưa đáp ứng đủ. Nhờ có làng nghề truyền thống công ty đã tạo ra nhiều công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho bà con ở địa phương”, ông Du chia sẻ.
Ông Phạm Xuân Hợp - Chủ tịch UBND xã Thượng Hiền cho biết, trên địa bàn xã có tới 2.800 hộ gia đình với khoảng 6.750 nhân khẩu, sống chủ yếu bằng nghề mây tre đan. Nghề mây tre đan không đòi hỏi tay nghề cao hay kỹ thuật quá khó, mà cần sự chăm chỉ, chịu khó.
Ở Thượng Hiền, từ trẻ em đến người cao tuổi đều có thể tham gia sản xuất để kiếm thêm thu nhập. Với cai mây, gồm cai buôn mây nguyên liệu từ các tỉnh ngoài nhập về bán lại và cai thu mua thành phẩm, thu nhập khoảng 50 - 70 triệu đồng/tháng. Hộ chẻ, rút mây khoảng hơn 20 triệu đồng/tháng. Người đan mây thu nhập trung bình từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Thấp nhất là người đi đan, gia công thuê thời vụ khoảng 3 triệu đồng/người/tháng.
Nghề mây tre đan giúp đời sống vật chất, tinh thần của người dân nơi đây cải thiện rõ rệt. Đây cũng là tinh hoa văn hóa mà mỗi người dân làng nghề Thượng Hiền nâng niu, gìn giữ và phát triển nghề cha ông ta để lại.
“Chính quyền địa phương tạo cơ chế chính sách thuận lợi cho doanh nghiệp về đất đai để làm nơi trưng bày và giới thiệu sản phẩm. Ngoài ra, còn tổ chức nhiều hội nghị với doanh nghiệp. Tạo cuộc gặp gỡ giữa doanh nghiệp với người dân để lắng nghe ý kiến, nguyện vọng, nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho sản xuất, tiêu thụ sản phẩm”, Chủ tịch UBND xã Thượng Hiền cho hay.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, ngày nay, Thượng Hiền vẫn giữ được nét đặc trưng của vùng quê Bắc Bộ. Thương hiệu mây tre đan Thượng Hiền lan tỏa mạnh mẽ, đáp ứng xu hướng sống xanh, sản phẩm thân thiện với môi trường, đơn giản, tiện dụng, bền đẹp. Nghề mây tre đan trở thành nghề chủ lực, đem lại thu nhập ổn định cho người dân, làm giàu trên mảnh đất quê hương.