Vừa qua, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Thái Bình chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tiêu huỷ 40,9 nghìn sản phẩm là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu.
Thực hiện Quyết định số 131/QĐ-QLTTTB ngày 27/9/2024, ngày 02/10/2024 Cục QLTT tỉnh Thái Bình tổ chức họp Hội đồng tiêu hủy tài sản là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu. Thành phần gồm đại diện Cục QLTT tỉnh, Sở Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Công an tỉnh, Sở Công Thương.
Hội đồng thống nhất phương án tiêu hủy tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, hàng hoá giả mạo nhãn hiệu, nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.... tổng số 40,9 nghìn đơn vị sản phẩm gồm: kẹo sữa, rong biển, áo phông, thuốc lá điện tử, sơn móng tay, nối mi, nước hoa, son môi, xe gắn máy điện, tất chân, trị giá 237 triệu đồng.
|
Các sản phẩm vi phạm bị mang đi tiêu hủy |
Dưới dự giám sát của các thành viên Hội đồng tiêu hủy và đại diện các đơn vị liên quan, toàn bộ tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu được tiến hành tiêu huỷ theo hình thức cơ học tại trụ sở Cục QLTT.
Cụ thể: Đối với các sản phẩm vi phạm là xe gắn máy điện: Đập bẹp, làm mất giá trị sử dụng, thu hồi phế liệu để bán theo quy định.
|
Tiêu hủy cơ học bằng hình thức đập bẹp |
Đối với các sản phẩm là kẹo sữa, rong biển đậu hũ, áo phông, thuốc lá điện tử, sơn móng tay, nước hoa, mi nối, son môi, tất chân. Tiến hành cắt, đập bẹp, làm biến dạng hình thái ban đầu.
Sau khi cắt, đập bẹp, các sản phẩm vi phạm được thu gom lại để tiếp tục tiêu hủy bằng hình thức hủy đốt, làm biến dạng hình thái ban đầu bằng hình thức cơ học
|
Hủy đốt các sản phẩm vi phạm |
Cuối cùng, sản phẩm được vận chuyển đến Công ty Cổ phần đầu tư và kỹ thuật tài nguyên môi trường ETC (KCN Hòa Xá, P.Lộc Hòa, TP Nam Định, tỉnh Nam Định) để thực hiện tiêu huỷ bằng hình thức hủy đốt.
Thời gian tới, Cục QLTT tỉnh Thái Bình tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường gắn với công tác tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.