Mới đây, Bộ Tài Chính đã có tờ trình Chính phủ để cân nhắc về việc không giảm phí trước bạ khi đăng ký sở hữu xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Theo tờ trình, Bộ Tài chính nhận định rằng, năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều khó khăn và thách thức. Trong nước, tình hình kinh tế - xã hội trong 06 tháng đầu năm 2024 có xu hướng phục hồi tích cực trên hầu hết các lĩnh vực.
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế đạt kết quả khá nhưng vẫn đối mặt với nhiều thách thức từ áp lực lạm phát, tỷ giá tăng, thị trường tài chính và tiền tệ vẫn tiềm ẩn rủi ro, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân còn gặp nhiều khó khăn.
Lo ngại vi phạm cam kết quốc tế
Đánh giá trên cơ sở thực tiễn, việc thực hiện giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thời gian qua, Bộ Tài chính cho biết, người dân, doanh nghiệp được hỗ trợ tài chính thông qua việc trực tiếp giảm chi phí đăng ký quyền sở hữu ô tô, từ đó kích thích nhu cầu, thúc đẩy người dân, doanh nghiệp mua sắm ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và sản xuất kinh doanh.
Vì vậy, một trong các nhiệm vụ, giải pháp tài chính có thể thực hiện là tiếp tục thực hiện các chính sách giảm thuế, phí, lệ phí nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Về cơ bản, ý kiến tham gia của các Bộ, ngành, địa phương nhất trí với dự thảo Nghị định.
|
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương có ý kiến rằng việc tiếp tục giảm lệ phí trước bạ như dự thảo Nghị định sẽ vi phạm cam kết quốc tế dẫn tới nguy cơ bị xử phạt vi phạm hoặc trả đũa từ các nước mà Việt nam xuất khẩu hàng hóa sang, cần xây dựng phương án để chủ động ứng phó.
Bộ Tài Chính cho biết, cơ quan này đã đánh giá cụ thể tác động của việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, việc vi phạm các cam kết quốc tế và đề xuất 2 phương án:
Phương án 1: Cân nhắc không thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước
Phương án 2: Giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong 6 tháng như Nghị định 41/2023/NĐ-CP
Trên cơ sở phân tích, nhược điểm của từng phương án, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ thực hiện theo phương án 1. Đồng thời, để ứng phó với vi phạm cam kết quốc tế, Bộ Tài chính trình Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát và xây dựng phương án ứng phó trong trường hợp Việt Nam bị khởi kiện vi phạm các cam kết quốc tế.
Tới nay, đã có 03 lần Bộ Tài chính giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô trong nước
Trước đó, Bộ Tài chính đã trình dự thảo Nghị định quy định mức thu giảm lệ phí trước bạ cho ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất từ ngày 01/8/2024 đến hết ngày 31/01/2025, mức giảm LPTB đối với ô tô sản xuất trong nước sẽ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định 10/2022/NĐ-CP quy định về lệ phí trước bạ; các Nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc quyết định hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu giảm lệ phí trước bạ ô tô tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
|
Ảnh minh họa |
Từ ngày 1/2/2025 trở đi, mức thu lệ phí trước bạ này sẽ tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định 10/2022/NĐ-CP quy định về lệ phí trước bạ; các nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc quyết định hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
Theo đó, Bộ Tài chính đã có 03 lần giảm lệ phí trước bạ với xe ô tô sản xuất lắp ráp trong nước vào năm 2020, năm 2021 và năm 2023. Mỗi lần giảm lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước kéo dài 6 tháng.