Chỉ vì những vụ va chạm xe nhẹ, đáng ra có thể tìm cách giải quyết êm thấm thì nhiều người, do hiệu ứng tâm lý đám đông hoặc sẵn hơi men trong người, đã sẵn sàng đứng ra cự cãi, ẩu đả thậm chí chém giết lẫn nhau.
Choáng với 2.000 ca nhập viện vì đánh nhau dịp Tết
Tết cổ truyền là dịp mà hầu như ai cũng cảm thấy hân hoan, phấn khởi. Đó là khoảng thời gian mọi người được nghỉ ngơi sau một năm lao động vất vả, là dịp để họ sống thư thả và tận hưởng niềm vui sum vầy bên gia đình nhiều hơn.
Thế nhưng cũng chính trong quãng thời gian đẹp đẽ này, các vụ đánh nhau dẫn đến thiệt mạng lại thường tăng cao hơn ngày thường.
Theo báo cáo nhanh của Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) về công tác khám chữa bệnh, dịp Tết năm nay, chỉ trong vòng 3 ngày (từ ngày 29/12 đến 2/1 âm lịch), cả nước có gần 2.000 ca nhập viện cấp cứu do đánh nhau, trong đó 10 trường hợp đã tử vong.
|
Những con số thống kê đáng báo động |
Nguyên nhân dẫn đến các vụ ẩu đả có rất nhiều. Tuy nhiên, có một lý do dễ thấy mà ít người để ý chính là việc va chạm giao thông.
Cũng theo báo cáo nhanh của Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) tổng số ca khám cấp cứu do tai nạn giao thông 3 ngày Tết là 17.278 trường hợp (tăng 113% so với Tết Ất Mùi). Va chạm giao thông tăng lên cũng phần nào là một trong các nguyên nhân dẫn đến các vụ ẩu đả tăng cao.
Trên thực tế đã từng xảy ra rất nhiều vụ án mạng thương tâm mà nguyên nhân xuất phát ban đầu chính là do va quẹt xe.
Mới đây, sáng 4/2, Huỳnh Thái Nguyên (21 tuổi) và Huỳnh Thái Bảo (23 tuổi, cùng ngụ quận Gò Vấp) điều khiển xe gắn máy chở nhau về nhà sau cuộc nhậu. Khi đến con hẻm 371 đường Nguyễn Kiệm, phường 3, quận Gò Vấp thì xảy ra va chạm với xe gắn máy của anh Trần Khắc Công (39 tuổi, ngụ phường 3, quận Gò Vấp).
Sau va chạm, 2 bên cự cãi dẫn đến ẩu đả. Bất ngờ, Nguyên nhặt mảnh kính vỡ trên đường đâm trúng ngực anh Công khiến nạn nhân gục tại chỗ.
Đánh nhau sau va quẹt xe vì có "trợ lực" từ... rượu bia
Phân tích về con số nhập viên vì đánh nhau ngày Tết, chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn cho biết một trong những lý do dễ dẫn đến ẩu đả trong dịp Tết là do va quẹt xe trên đường.
Ông Đoàn phân tích, ngày thường, mọi người hay đánh nhau sau các vụ va quẹt xe vì tâm lý đám đông.
Như chúng ta thấy, cứ sau một vụ va chạm giao thông, dù nặng hay nhẹ, chỉ vài phút sau, những người xung quanh cũng thường xúm lại xem. Trước đám đông, hầu như ai cũng phấn khích hơn và muốn phần thắng thuộc về mình.
"Nếu chỉ có 2 người thì họ biểu diễn cho ai xem? Còn khi trước mặt có rất nhiều người, những người trong cuộc vốn đã có mâu thuẫn, lại phải chịu thêm áp lực chứng tỏ mình đúng trước mặt người khác.
Nó cũng giống như việc nhiều người xem bóng đá ở nhà thì không có chuyện nhảy lên đập bàn, hò hét nhưng khi ra sân bãi, chịu tác động của đám đông, họ cũng trở nên kích động hơn", ông cho biết.
Hoặc một ví dụ khác dễ hiểu khác là nhiều thanh niên sĩ diện hay nổi cáu vì những va chạm nhẹ khi đang chở bạn gái đi chơi. Đơn giản chỉ vì muốn chứng tỏ: "Anh ghê lắm đây, yên tâm ngồi đàng sau anh thì cứ vô tư đi", ông Đinh Đoàn nói.
"Nhìn chung tôi thấy người Việt đánh nhau nhiều một phần vì ý thức chấp hành pháp luật còn kém, các ràng buộc về đạo đức cũng ngày càng lỏng lẻo hơn trước kia. Hơn nữa, luật xử phạt đánh nhau của nước ta còn nhẹ, nhất là đối với các trường hợp gây thương tích không đáng kể".
|
Đánh nhau sau va chạm giao thông ( ảnh minh họa) |
Theo ông Đoàn, dịp Tết cũng là lúc dễ dàng xảy ra các vụ va chạm giao thông do tâm lý chủ quan, ý thức chấp hành pháp luật còn kém. "Tết đến, đường vắng hơn nên nhiều người chủ quan phóng nhanh, vượt đèn đỏ. Bên cạnh đó, nhiều người thường lái xe khi đã sử dụng rượu bia hoặc các chất kích thích. Va chạm giao thông ngày Tết tăng cao và dễ xảy ra, trong khi hầu như ai cũng đang trong tâm trạng phấn khích, hớn hở ăn diện đi chơi hoặc đến các chỗ hẹn quan trọng. Vì thế, khi xảy ra sự cố, họ cũng dễ bị kích động hơn ngày thường.
Bên cạnh đó, Tết đến, nhiều người thường lái xe sau khi đã uống rượu bia hoặc có chất kích thích trong người. Vì thế, thay vì hòa giải, xin lỗi nhau khi xảy ra va quẹt nhẹ, nhiều người lại sẵn sàng dựng xe tại chỗ chỉ để cãi vã rồi thậm chí đâm chém nhau", chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn cho biết.
Ông Đoàn cũng cho rằng, dịp Tết đến, lực lượng cảnh sát giao thông túc trực cũng mỏng hơn nên khi xảy ra cự cãi do va chạm giao thông cũng ít có người can ngăn.