Vỡ ống dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2, nước đổ về hạ lưu nhiều, khiến dư luận lo lắng và cho rằng thủy điện này bị vỡ...
Chiều 13/9, nhiều nguồn thông tin trái chiều cho rằng vỡ đập thủy điện Sông Bung 2 (Nam Giang, Quảng Nam) khiến nhiều người chết và mất tích khiến dư luận hoang mang, lo lắng.
|
Nhiều nguồn tin không chính thức cho rằng, do nước đổ về hạ lưu nhiều khiến dư luận cho rằng đập thủy điện này bị vỡ. |
Để xác minh nguồn tin, tối 13/9, phóng viên Pháp luật Plus đã liên hệ Ban quản lý dự án thủy điện Sông Bung 2.
Theo đại diện Ban quản lý dự án thủy điện Sông Bung 2, không phải vỡ đập thủy điện Sông Bung 2 mà vỡ cống dẫn dòng (hay còn gọi hầm dẫn dòng) dưới thân đập. Cống dẫn dòng này dùng để thông bên tích nước và bên không có nước, dài khoảng 400m, nằm ở dưới và đi song song với 3 cửa xả của đập thủy điện. Khi tích nước, cống này được bịt lại.
“Khi tích nước, cống này cũng có một số cơ yếu và mấy ngày nay do ảnh hưởng của cơn bão số 4 gây mưa lũ lớn nên cao trình lên cao dẫn tới vỡ cống dẫn dòng, nước chảy về hạ lưu. Toàn bộ đập vẫn an toàn bình thường”, đại diện Ban quản lý dự án thủy điện Sông Bung 2 nói.
|
Cống dẫn dòng nằm dưới thân đập bị vỡ |
Nói về nguyên nhân ban đầu, phía Công ty Sông Bung 2 cho biết, chưa thể thông tin được vì cống hiện đang nằm dưới nước và không ai biết được vì sao xảy ra sự việc. Vị này nhấn mạnh, thiệt hại cũng chưa thống kê. Có thể có thiệt hại về người, nhưng số lượng bao nhiêu người chưa biết. Trước mắt, đã xác định 2 nạn nhân. Cụ thể, 2 công nhân vận hành máy xúc của Tổng công ty xây dựng thủy lợi 4.1 gồm: Đặng Văn Tuyền (SN 1979, quê Cẩm Giàng, Hải Dương); Nguyễn Minh Luân (SN 1992, quê Phú Thọ).
“Vì lúc nước ngập lên, người ta sẽ bỏ chạy, hoặc người ở dưới sông thì người ta sẽ đi lên trên để thoát, người ta chưa về nên chưa thể biết được”, vị này thông tin thêm.
Được biết, đập thủy điện Sông Bung 2 được tích nước từ đầu tháng 9 cho đến nay. Hiện tại nước trong đập thủy điện Sông Bung 2 vẫn đang trong tầm kiểm soát, đập vẫn an toàn. Dự án thủy điện Sông Bung 2 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư và được khởi công xây dựng vào cuối năm 2012 với tổng vốn đầu tư ban đầu trên 3.600 tỷ đồng, công suất lắp máy 100MW, thời gian hoàn thành dự án vào năm 2016.
Dự án này gần đây cũng gây xôn xao dư luận khi được điều chỉnh số vốn tăng thêm hơn 1.600 tỷ đồng (tăng khoảng 40% so với ban đầu). Tức là tổng mức đầu tư của dự án hiện là trên 5.200 tỷ đồng.
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.