Ở Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore… không khó để tìm ra những hình ảnh biểu trưng quảng bá cho ngành du lịch trên những món quà lưu niệm; thế nhưng tại Thủ đô Hà Nội – nơi hội tụ nhiều tinh hoa văn hóa, lịch sử của dân tộc, của đất nước, để chọn được món quà mang đặc trưng Hà Nội không hề dễ.
|
Quà lưu niệm ở Hà Nội còn đơn điệu, chưa có bản sắc riêng. |
Món quà “biết kể chuyện”
Quà lưu niệm là thứ quà để lưu giữ lại kỷ niệm của một cuộc hành trình, một chuyến đi, cũng là thứ quà gợi nhắc về những câu chuyện trải nghiệm, về con người, về đất nước và những điểm đến mà du khách từng đi qua. Vì thế, quà lưu niệm không cần quá cầu kỳ, đắt đỏ hay cồng kềnh, khó mang theo, nhưng cũng không nên quá sơ sài, đại trà, vô nghĩa mà khách du lịch có thể mua được ở bất cứ đâu.
Là “Thành phố hòa bình”, cũng là một trong những “điểm đến hàng đầu thế giới”, Thủ đô Hà Nội đang ngày càng nâng tầm vị thế, hình ảnh du lịch, thu hút tới hàng triệu lượt khách hàng năm.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều được tổ chức tại Hà Nội đang trở thành tâm điểm của truyền thông thế giới. Đây là cơ hội vàng cho ngành du lịch Việt Nam nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng tận dụng mọi yếu tố để quảng bá và phát triển hình ảnh.
Nhưng ngoài việc cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ được cải thiện, thái độ phục vụ của người dân cũng chuyên nghiệp hơn, có lẽ sẽ là một thiệt thòi lớn cho ngành du lịch của Thủ đô khi thiếu những sản phẩm lưu niệm đặc trưng, mang đậm bản sắc Hà Nội, để không bị nhầm lẫn với các điểm đến khác trong nước, cũng như trong khu vực châu Á.
Soi chiếu với các nước bạn, có thể thấy ngay, những địa chỉ du lịch nổi tiếng luôn gắn cùng với các mặt hàng lưu niệm đa dạng, bắt mắt, đậm đà bản sắc khu vực mà hầu như du khách nào cũng muốn mua làm kỷ niệm khi đặt chân đến.
Đơn cử như Thái Lan, du khách đến đây thường không quên “rinh” về cho người thân, bạn bè một hai món quà lưu niệm như móc chìa khóa, dây chuyền, vòng tay… in hình ảnh con voi (biểu trưng của đất nước); hoặc các mô hình xe tuk tuk, hộp đựng trang sức, gương; hay những ngọn tháp dát vàng nho nhỏ tượng trưng cho văn hóa tín ngưỡng, chùa chiền của đất nước này.
Việc khôn khéo đưa hình ảnh biểu trưng của đất nước, của địa phương lên các sản phẩm du lịch không chỉ giúp tăng thu nhập cho người dân, mà cũng là một hình thức quảng cáo hiệu quả cho ngành du lịch nước mình.
Ví như, hình ảnh biểu trưng của Singapore là tượng hải sư Merlion, của Malaysia là tháp đôi Petronas, của Campuchia là tháp Angkor,… đều xuất hiện trên hầu hết các sản phẩm lưu niệm, được du khách mua rất nhiều về làm quà.
Cá biệt, riêng ở hòn đảo Jeju (Hàn Quốc), bức tượng ông già bằng đá Harubang (biểu tượng được người dân tôn sùng) đã trở thành món quà lưu niệm hầu hết các du khách đều muốn mua bằng được khi đến “hòn đảo tình yêu” này.
Nhìn trong nước, có những điểm đến đã thực sự khai thác tiềm năng quảng bá du lịch thông qua những món quà lưu niệm. Cuối năm 2018, thành phố Tuyên Quang công bố biểu trưng du lịch của mình, gắn liền với nét văn hóa và lịch sử nơi đây.
Cụ thể, logo du lịch tỉnh Tuyên Quang được thiết kế với nét đặc trưng của vùng đất chiến khu xưa - “Thủ đô kháng chiến”, với hình ảnh cây đa Tân Trào như một thông điệp gửi đến du khách trong và ngoài nước về một Tuyên Quang tuyệt đẹp, mộc mạc và giàu truyền thống lịch sử và lòng mến khách.
Thành phố cũng đưa ra 3 sản phẩm du lịch đặc trưng “không nơi đâu có” là: “Tượng đài Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang bằng chất liệu đá tự nhiên, quả còn may mắn, đàn tính tẩu. Như vậy, với việc “đóng dấu” logo lên sản phẩm lưu niệm, cùng với việc tập trung quảng bá hình ảnh của những sản phẩm du lịch đặc trưng, du khách sẽ an tâm hơn khi lựa chọn món quà ý nghĩa, mang dấu ấn của địa phương, chỉ có thể mua được tại điểm đến này.
Du khách sẽ nhớ gì về Hà Nội?
Dù thị trường sản phẩm lưu niệm của Hà Nội tương đối đa dạng về chủng loại, chất liệu, kích cỡ, mẫu mã, phổ biến với các loại sản phẩm thuộc nhóm mộc mỹ nghệ; gốm, sứ; mây, tre, giang, cỏ tế; sơn mài, khảm trai; dệt may; thêu ren; nón, mũ lá; tranh ảnh; đá quý, ngọc trai, kim hoàn....; nhưng lại chưa có sản phẩm nào làm nổi bật lên cái chất của Hà Nội, cứ na ná vùng này vùng kia.
Tại một số khu phố buôn bán sầm uất như Hàng Bông, Hàng Gai, Lý Quốc Sư, Hàng Ngang, Hàng Đào…, chưa nói tới du khách mà chính người dân Thủ đô còn chưa phân biệt được đồ thổ cẩm ở Hà Nội thì có gì đặc sắc hơn trên các vùng núi như Sa Pa; lụa tơ tằm ở Hà Nội khác gì lụa ở Hội An; hay bát đĩa gốm sứ, đồ chơi, đồ mỹ nghệ ở Hà Nội khác gì các nơi khác, có thực sự xuất xứ từ Việt Nam hay không?
Theo ghi nhận của phóng viên tại một phiên chợ đêm ở phố cổ, du khách nước ngoài tới tham quan chỉ lướt qua rất nhanh qua các mặt hàng, có lẽ họ vẫn chưa nhìn thấy mặt hàng làm mình cảm thấy hài lòng, đáng mua. Mặt hàng du khách hay mua nhất thường thấy là nón lá hoặc áo cờ Việt Nam; nhưng sản phẩm này ở đâu trên Việt Nam cũng có, không thể là sản phẩm lưu niệm đặc trưng của Hà Nội được.
Đơn điệu, năm nào cũng như năm nào, xuất xứ nhập nhằng, giá cả thất thường là những nguyên do làm cho thị trường hàng lưu niệm ở Hà Nội vẫn còn … nhàm chán đối với khách du lịch.
Hà Nội vốn không thiếu sản phẩm thủ công chất lượng, lại có nhiều làng nghề truyền thống lâu đời, phố cổ, đền chùa, đến những di sản văn hóa phi vật thể như nghệ thuật chèo, tuồng, hát cải lương, múa rối nước… đều chứa đựng nhiều chất liệu văn hóa, những câu chuyện hay để “khái quát” lại trong một món quà lưu niệm đặc biệt.
Dù rằng, trước đây đã có một số cuộc thi sáng tạo quà lưu niêm mang dấu ấn Thủ đô Hà Nội, nhưng cho đến nay câu hỏi này vẫn còn bỏ ngỏ: Vậy, sản phẩm đặc trưng để du khách đi rồi nhớ về miền đất văn hiến nghìn năm là gì?