Theo ghi nhận của Pháp luật Plus, nhiều tuyến phố trên địa bàn Hà Nội về cơ bản đã hoàn thành việc lát đá vỉa hè mới. Dù vậy, trong dịp cuối năm 2023 này có một số tuyến phố trên địa bàn thành phố như phố Trần Thái Tông, Giảng Võ, Ô Chợ Dừa, Hào Nam… đang nhộn nhịp các hoạt động thi công, thay mới cho “chiếc áo” vỉa hè.
Việc làm này sẽ đem lại diện mạo mới sạch đẹp cho phố phường, tuy rằng gây không ít phiền toái cho sinh hoạt của người dân, nhưng cũng nhận được nhiều ý kiến ủng hộ. Vật liệu xây dựng được tập kết dọc tuyến phố.
Tại một số tuyến phố, nhiều vị trí đã được dỡ bỏ hệ thống gạch cũ và đang triển khai lắp ráp, thi công. Dù vậy, có nhiều đoạn đường còn xuất hiện những hố sâu, mặt đường gồ ghề vì chưa thi công xong, điều này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho người dân đi lại. Ngổn ngang vật liệu xây dựng, kín một điểm chờ xe bus.
“Khoảng 5 - 7 ngày gần đây, mỗi lần đứng chờ xe buýt trên phố Giảng Võ, tôi phải bước đi lại trên những phiến đá xây dựng được vứt ngổn ngang trên vỉa hè. Vỉa hè được chỉnh trang là rất tốt, nhưng cần phải làm cẩn thận, tránh gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, nhất là người già và trẻ nhỏ”, ông Hoàng - một người dân chờ xe Bus trên phố Giảng Võ cho biết.
Tại phố Hào Nam, quận Đống Đa, theo ghi nhận của phóng viên, một đoạn vỉa hè đã được lát đá mới nhưng vẫn còn những đoạn vỉa hè khác đang được thi công, vì vậy chất đống vật liệu xây dựng, máy móc, kín luôn môt bên vỉa hè.
Một chủ một cửa hàng trên phố Hào Nam cho biết: "Việc sửa chữa, lát mới vỉa hè sẽ tạo cảnh quan đẹp, văn minh và đúng đắn. Nhưng hy vọng các đơn vị thi công có thể đẩy nhanh tiến độ để cửa hàng kinh doanh lại như bình thường trong dịp cuối năm này." Một biển báo hiệu công trường được dựng lên khi các công nhân thi công.
Năm 2016, Hà Nội ban hành quy định mới về cải tạo hè phố. Theo đó, TP Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020, vỉa hè của hơn 900 tuyến đường tại 12 quận nội thành được thay thế từ gạch truyền thống sang đá tự nhiên có kết cấu bền vững với tuổi thọ lên đến 50 - 70 năm.
Các công nhân thi công lát vỉa hè.
Sau 6 năm triển khai kế hoạch, đến cuối năm 2022, các quận nội đô thực hiện lát đá tự nhiên cho vỉa hè 255 tuyến phố, tập trung ở quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy và Tây Hồ. Hình ảnh thi công trên tuyến phố Giảng Võ.
Dù vậy, ngay từ năm 2017, sau khi một số quận của Hà Nội triển khai lát vỉa hè bằng đá tự nhiên, dư luận phản ánh những bất cập. Không lâu sau đó, cơ quan chức năng thành phố lập đoàn kiểm tra, tiến hành khảo sát... Sở Xây dựng Hà Nội lúc này đã có báo cáo đánh giá về thực trạng cũng như đề xuất giải pháp để quản lý, đầu tư, cải tạo vỉa hè một cách khoa học hơn. Người dân đi lại khó khăn trên đoạn vỉa hè thi công dở dang.
Theo báo cáo, trong giai đoạn 2016 - 2017, việc triển khai cải tạo, chỉnh trang một số tuyến phố có lát hè bằng đá tự nhiên. Việc lát đá tự nhiên giai đoạn này tại các quận, huyện còn một số nội dung tồn tại trong việc khảo sát thiết kế, thi công, quản lý, sử dụng sau đầu tư…
Đá tự nhiên lát vỉa hè được tâp kết trên phố Giảng Võ, Hào Nam, Trần Thái Tông...
Vào ngày 20/2/2023, Sở Xây dựng Hà Nội từng có văn bản gửi các quận, huyện, thị xã và đơn vị thực hiện lát đá vỉa hè để tổng hợp và đánh giá tình trạng, nguyên nhân hư hỏng, hiệu quả công tác đầu tư, đề nghị ngày 16/3/2023, các đơn vị phải gửi văn bản báo cáo về Sở Xây dựng.
Trước đó, hồi tháng 6/2023, UBND TP Hà Nội đã trả lời kiến nghị của cử tri đề nghị xem xét, đánh giá lại, có giải pháp nâng cao hiệu quả cải tạo vỉa hè, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm.
Trong đó, UBND TP Hà Nội đã chỉ ra hàng loạt tồn tại như công tác kiểm tra, giám sát, nghiệm thu vật liệu đá đầu vào tại một số tuyến phố chưa bảo đảm theo quy định.
Ngoài ra, công tác quản lý sử dụng, bảo trì hè sau đầu tư tại một số tuyến phố chưa bảo đảm; việc quản lý, sử dụng mặt hè không đúng công năng sử dụng, mục tiêu đầu tư và thiết kế phê duyệt gây hư hỏng, xuống cấp mặt hè...
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin khi sự việc có diễn biến mới.
Lê Hải - Như Trường