Pháp luật quy định, vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình...
|
Hình minh họa. (Nguồn: Internet) |
Chị Nguyễn Thị Hoa (Phủ Lý - Hà Nam) hỏi: Vợ chồng anh K và chị H ở đơn vị tôi đã có một con chung, thu nhập tương đối cao nên cuộc sống cũng khá sung túc.
Trong gia đình, anh K là người gia trưởng nên đi làm về anh chỉ ngồi đọc báo hoặc xem ti vi, còn chị H thì luôn tất bật với công việc nhà như: đi chợ, nấu cơm, tắm cho con, dọn dẹp nhà cửa...nhưng hễ chị nói đến thì anh lại gắt lên: “Đó không phải là việc của tôi, phụ nữ phải lo việc nội trợ, con cái”.
Biết là anh sai, nhưng cũng chỉ vì giữ cho gia đình êm ấm nên chị H bấm bụng cho qua, cố gắng hoàn thành việc cơ quan cũng như chu toàn mọi việc nhà. Vừa qua, cơ quan cho chị H đi tu nghiệp ở nước ngoài 02 tháng để nâng cao trình độ.
Chị thì rất muốn đi nhưng anh thì không đồng ý, vì không có ai chăm con và dọn dẹp nhà cửa nên rất bối rối, chưa biết phải giải quyết như thế nào để “trong ấm, ngoài êm”?
Luật gia Bùi Đức Độ trả lời: “Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình”; “Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ tạo điều kiện, giúp đỡ nhau chọn nghề nghiệp; học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội”.
Đó là những quy định tại khoản 1 Điều 19 và Điều 23 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Theo tôi, chị H cần kiên trì phân tích, thuyết phục anh hiểu được tình nghĩa vợ chồng cũng như nghĩa vụ của chồng trong việc tạo điều kiện cho vợ thực hiện quyền học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ…
Đồng thời, chị H. có thể nhờ bên ngoại trông con, tiếp làm việc nhà để anh K dần quen với việc tự lực, quen với công việc nhà. Nếu chị giải quyết không được, chị có thể nhờ người thân quen có uy tín để khuyên nhủ anh hoặc nhờ cơ quan anh can thiệp.