những anh nuôi "không ngủ"trên tàu KN-390 |
Trong chuyến hải trình 7 ngày trên biển, chinh phục từng con sóng, đoàn công tác số 23 đã đến thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên 6 đảo và nhà giàn DKI/12 Tư Chính. Trên 200 đại biểu được nghỉ ngơi trên con tàu hiện đại nhất của lực lượng Kiểm ngư, nhưng ít ai biết được sự vất vả của những anh nuôi “không ngủ” trên tàu KN390. Những người cần mẫn chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho thành viên đoàn. |
gạt đi lo lắng |
Giữa tháng 5/2024, đoàn công tác số 23 với trên 200 đại biểu đã có mặt tại Khánh Hoà. Sau khi thực hiện công tác khám sức khoẻ, kiểm tra công tác hậu cần, xe của Quân chủng Hải quân đón chúng tôi từ nhà khách tới Cảng Quốc tế Cam Ranh để bắt đầu hải trình vượt gần 1.000 hải lý (gần 2.000km) đến với Trường Sa - một phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam. Nơi đây, các chiến sĩ đang ngày đêm thực hiện nhiệm vụ gìn giữ lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc. Trước khi lên tàu, tác giả cùng nhiều thành viên trong đoàn lần đầu đi biển dài ngày, nên không tránh khỏi những âu lo về nơi ăn, chốn nghỉ trên tàu. Rồi câu chuyện sinh hoạt cá nhân, luôn là “đầu câu chuyện” trong mỗi nhóm bàn luận. Lo lắng không phải vì ngại khó, ngại khổ mà lo làm thế nào thích ứng nhanh nhất với cuộc sống trên tàu, để còn tác nghiệp, thực hiện nhiệm vụ trong những ngày đến với quần đảo Trường Sa và nhà giàn DKI/12. |
Khi xe đến cảng, tàu KN-390 hiện lên trước mắt chúng tôi với sự choáng ngợp bởi sự hiện đại và to lớn. Các thành viên sau khi xuống xe, ai nấy cũng lỉnh kỉnh ba lô, túi xách, va ly. Nhưng sau vài phút bối rối, các chiến sĩ Hải quân đã có mặt, và đề nghị các đại biểu nhận Thẻ lên/xuống tàu và buồng nghỉ. Còn đồ đạc, va ly của từng cá nhân được đánh theo số phòng và được hàng chục chiến sĩ Hải quân hỗ trợ đưa xuống buồng nghỉ một cách nhanh chóng, tận tình. Xuống tới phòng được phân công trên tàu, trên giường mỗi thành viên đoàn là một chiếc gối và chăn được gấp gọn thật ngay ngắn. Bên cạnh đó còn có mũ cối, một túi đồ dùng cá nhân (bàn chải, khăn mặt và túi bóng, mắc áo) đã được chuẩn bị sẵn. Được biết, tàu kiểm ngư số hiệu KN-390 là loại tàu tuần tra xa bờ dài ngày, kết hợp tìm kiếm cứu nạn do Hà Lan thiết kế. Tàu có chiều dài 90,5m, chiều rộng lớn nhất là 14m, chiều cao mạn 7m, lượng giãn nước lên đến 2.500 tấn. Trong điều kiện bình thường, tàu có tầm hoạt động liên tục 5.000 hải lý. Tàu KN-390 có tính năng cơ động rất cao, có hệ thống két chứa dầu và nước ngọt dung tích lớn, có khu vực cứu nạn, y tế hiện đại và các tính năng ưu việt khác, bảo đảm là phương tiện tuần tra thực thi pháp luật, cứu nạn, hỗ trợ ngư dân trên biển hiệu quả. Tàu KN-390 hạ thuỷ năm 2016, thuộc biên chế Chi đội Kiểm ngư số 3 đóng quân tại TP Đà Nẵng. |
Đúng 8h00p sáng ngày 21/5, tàu KN-390 kéo 3 hồi còi dài chào đất liền đưa hơn 200 đại biểu Đoàn công tác số 23 đến thăm cán bộ, chiến sĩ, nhân dân các đảo thuộc quần đảo Trường Sa (huyện Trường Sa, Khánh Hoà) và nhà giàn DKI/12 Tư Chính. Tàu KN-390 thực hiện nghi thức phun vòi rồng chào vùng biển, bắt đầu hải trình kéo dài gần 1.000 hải lý, con tàu cứ thế rẽ sóng, vượt đại dương. Những cánh tay vẫy chào của các chiến sĩ tạm biệt đoàn công tác cứ xa dần. |
Bữa ăn với “view triệu USD” |
Trời nắng dịu nhẹ, biển hài hoà, những lắc lư của con tàu đã khiến một số thành viên trong đoàn bắt đầu “say sóng nhẹ”. Sau 3 tiếng làm quen với biển, làm quen với tàu, nhóm phóng viên chúng tôi lang thang, khám phá các khoang trên tàu KN-390. Đặc biệt, là khu ẩm thực, nơi sẽ cung cấp những suất ăn “đặc biệt” với 4 bữa/ngày, phục vụ trên 200 đại biểu và hàng chục thuỷ thủ đoàn. Với 4 bữa ăn (3 bữa chính, 1 bữa phụ) đảm bảo dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm, khâu nhập và kiểm soát thực phẩm trước khi đưa lên tàu phục vụ cho đoàn công tác cũng được kiểm duyệt chặt chẽ, không được phép sai sót. |
Đảo Len Đao cách bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa 313 hải lý, nằm ở vị trí 9046’48” vĩ độ Bắc, 114022’12” độ kinh Đông, cách đảo Sinh Tồn về phía Đông Nam 6,5 hải lý; cách đảo Cô Lin về phía Đông 6,4 hải lý; cách đảo Gạc Ma về phía Đông Bắc 5,5 hải lý. Đại úy Nguyễn Tiến Bằng, Trưởng ban quân nhu tàu KN-390 cho biết: “Bản thân tôi cũng như các chiến sỹ trong Tổ hậu cần, phải xây dựng kế hoạch hậu cần đầy đủ về thực đơn hàng ngày, và tiến hành gửi đối tác cung cấp thực phẩm từ đất liền. Quá trình nhận thực phẩm phải kiểm tra chặt chẽ số lượng, chất lượng. Tiến hành phân chia đóng gói và kho lạnh, bố trí sắp xếp phù hợp để rau xanh còn tươi, thịt cá cấp đông lạnh đúng quy trình. Tất cả mọi thứ được điều hành nhịp nhàng để chất lượng bữa ăn của đại biểu được nâng cao, cũng như đáp ứng thời gian của chuyến hải trình”. Trong căn phòng bếp nhỏ, nóng nực và xen lẫn mùi dầu mỡ, trên 10 “anh nuôi” thoăn thoắt đôi tay, người thì xào, người thì lấy đồ trong bếp nướng, không một động tác thừa, chuyên nghiệp như đầu bếp ở nhà hàng 5 sao. |
5 chiến sĩ thì sắp xếp đồ ăn vào các khay, rồi chuyển cho bộ phận phục vụ đưa đến các bàn tại khu vực dùng bữa trên tàu được quy định cụ thể. Tưởng rằng những công việc ấy thật đơn giản nhưng trong điều kiện chật hẹp, rồi lắc lư của sóng biển, việc chuẩn bị bữa ăn cho hơn 200 người trên tàu thực sự rất vất vả đối với những “anh nuôi”. Thế rồi, bữa cơm đầu tiên trên tàu cũng diễn ra, ngồi trên boong tàu, các thành viên trong đoàn tận hưởng gió biển với view biển xanh ngút tầm mắt. Nhiều anh/chị em trong đoàn còn ví von như “view triệu USD”, bởi không phải ai cũng có trải nghiệm được dùng bữa trên tàu KN-390 ngắm biển xanh như chúng tôi. Rồi những bữa tối diễn ra với khung cảnh hoàng hôn dần buông, biển vẫn hiền hoà như thế, thật lãng mạn và bình yên đến lạ kỳ. |
Những anh nuôi“không ngủ” |
Với trên 200 đại biểu, một ngày với 3 bữa chính, 1 bữa phụ (21h hàng ngày) thì quý độc giả hãy tưởng tượng xem khối lượng công việc chuẩn bị sẽ lớn như thế nào? Đâu chỉ phục vụ bữa ăn, Tổ bếp, tổ phục vụ còn phải dọn dẹp sạch sẽ khi các bữa ăn kết thúc. Đêm đầu tiên, vì chưa quen cảm giác bồng bềnh trên biển nên tôi khó ngủ, cứ chập chờn. 3h sáng, tôi bật dậy lang thang qua khu bếp, đã thấy các chiến sĩ Tổ bếp, tổ phục vụ dậy chuẩn bị đồ ăn sáng cho đoàn từ bao giờ! Suốt hải trình 7 ngày cùng với đoàn chúng tôi, họ luôn là những người thức dậy đầu tiên và đi ngủ cuối cùng. Họ đúng với tên gọi những anh nuôi “không ngủ” trên tàu KN-390. Cảm nhận được điều đó, nhiều thành viên trong đoàn lúc rảnh rỗi đã luân phiên nhau vào bếp phụ giúp cho các “anh nuôi”. Để thấu hiểu và chia sẻ cho công việc “không tên” của các chiến sĩ, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Trung tá Nguyễn Quốc Huy, phụ trách Tổ phục vụ cho Đoàn công tác số 23 trên tàu KN-390 về vấn đề này. “Trong chuyến hải trình này, anh em chiến sĩ trong Tổ phục vụ chúng tôi đảm nhiệm việc vệ sinh các khu vực phòng của các đại biểu, chúng tôi được sự quan tâm của các đại biểu, cùng nhau như dọn rác, dọn dẹp các phòng, bảo đảm sạch sẽ, vệ sinh trong toàn tàu. Không chỉ vậy, các đại biểu cũng giúp đỡ chúng tôi như xếp bàn ghế, bê khay đồ ăn, dọn dẹp sau bữa ăn… tuy chỉ là hành động nhỏ, nhưng rất ý nghĩa với anh em chiến sĩ chúng tôi”, Trung tá Nguyễn Quốc Huy chia sẻ. Trở lại đất liền, khi chuyến công tác đã diễn ra thành công tốt đẹp, những hình ảnh thân thuộc của các cán bộ, chiến sĩ, người dân trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, nhà giàn DKI/12 luôn hiển hiện xung quanh tôi. Thế rồi, những ngày cùng ăn, cùng ngủ, cùng cất vang bài ca nơi đảo xa với các chiến sĩ trên tàu KN-390, chúng tôi luôn cảm ơn các cán bộ, chiến sĩ, thủy thủ tàu KN-390 đã nỗ lực hết mình để chuyến công tác của đoàn diễn ra an toàn.
|
Vũ Quang Đồ họa: Chí Nhân |